Minh Anh -
Những ngày cuối năm 2016, The LiSE, một nhóm sinh viên đến từ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đã giành giải đặc biệt của Hack-a-farm Innovation Camp Vietnam 2016 với chiếc máy gieo hạt chân không. The LiSE có thể xem là một trong số hàng trăm, hàng ngàn gương mặt trẻ ở Việt Nam đang nỗ lực kiến tạo và đưa các giải pháp công nghệ đi vào thực tế để phục vụ mục tiêu sống xanh, sạch của cộng đồng.
Trong đêm chung kết của cuộc thi diễn ra hôm 21-12-2016 ở Hà Nội, các thành viên của The LiSE hy vọng sẽ có thể xuất xưởng cỗ máy của nhóm với mức giá 15,99 triệu đồng. Chiếc máy gieo hạt chân không này ngoài việc gieo hạt còn có thể bổ luống tạo rãnh và lấp đất sau khi gieo hạt. Máy sẽ hoạt động bằng xăng, được điều khiển bằng tay bởi người cầm lái. Theo The LiSE, mô hình này được nhóm thiết kế và lắp ráp trong hai ngày. Một cỗ máy thực ngoài đời sẽ hoạt động theo nguyên lý tương tự nhưng có kích thước lớn hơn, độ phức tạp cũng cao hơn.
Sáng kiến xanh
Tại Hack-a-farm Innovation Camp Vietnam 2016, cuộc thi do Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, UP Coworking Space và Vietnam Silicon Valley đồng tổ chức, các đội chơi là các sinh viên công nghệ và nông nghiệp xuất sắc nhất đến từ nhiều trường đại học tại Hà Nội. Mỗi đội chơi có tối đa sáu người (năm sinh viên công nghệ, một sinh viên nông nghiệp). Các đội chơi được giao một vấn đề của một nông trại cụ thể và có một tháng để nghiên cứu tìm hướng giải quyết trước khi cuộc thi bắt đầu. Trong năm ngày diễn ra cuộc thi, mỗi đội được tham gia trải nghiệm hai ngày tại nông trại có vấn đề được giao ban đầu. Kết thúc hai ngày, các đội bước vào thời gian 36 giờ liên tục để lập trình và hoàn thiện sản phẩm.
Với mục tiêu kết nối những người làm nông nghiệp trẻ tuổi, ứng dụng những phương pháp canh tác nông nghiệp hiện đại vào thực tế, cuộc thi đã góp phần xây dựng cầu nối giữa những người nông dân trẻ với các bạn sinh viên công nghệ và ươm mầm cho những sáng kiến hướng đến sự phát triển bền vững. Vượt qua nhiều đội chơi, sáu nhóm có mặt trong đêm chung kết cuộc thi gồm The LiSE với đề án “Máy gieo hạt hút chân không”, Submarine với đề án “Hệ thống chăm sóc trại nấm tự động”, Gà công nghiệp với đề án “Máy xử lý quả vải trong thu hoạch”, SA Team đưa ra đề án “Hệ thống Database xử lý dữ liệu điện toán đám mây nông hộ và bộ vi xử lý cảm biến tình trạng cây trồng”, Fablab Hà Nội bảo vệ đề án “Hệ thống chăm sóc cây tự động ứng dụng công nghệ IoT” và đội Smart Farm cùng đề án “Ứng dụng công nghệ xử lý ảnh để đánh giá sản phẩm nông nghiệp”.
Nếu như những đề án của các sinh viên tại Hack-a-farm Innovation Camp Vietnam còn cần một khoảng thời gian dài và những sự hỗ trợ về kinh nghiệm tư vấn lẫn tài chính từ các cơ quan, tổ chức hữu quan để có thể đi vào thực tế thì nhiều giải pháp công nghệ khác đang được ứng dụng trên các cánh đồng cụ thể. Từ tháng 7 năm ngoái, SmartAgri – một sản phẩm của sự hợp tác giữa khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, Công viên phần mềm Quang Trung và Công ty Global Cyber Soft Vietnam – đã được đưa ra thị trường.
SmartAgri là hệ thống phần mềm quản lý sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn, được phát triển trên nền tảng các công nghệ mới như Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu (Analytics), dữ liệu lớn (Big Data) và được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud Computing).
Trước đó, tại An Giang, Công ty TNHH Ứng dụng di động Việt Nam (VMA) cũng đã giới thiệu ra thị trường chương trình mang tên “Nông dân hiểu biết” giúp người làm nông tiếp cận với những thông tin thị trường, kỹ thuật cũng như giá cả nông nghiệp trên điện thoại di động, qua đó giúp người nông dân có thể trở thành chuyên gia trên mảnh đất của mình.
Ông Dương Hoàng Anh Nguyên, Giám đốc VMA, kể rằng sản phẩm này được cho ra đời sau gần một năm chuẩn bị và hợp tác một số viện trường. “Nông dân hiểu biết” hiện có ba gói thông tin là gói lúa, gói thủy sản và gói rau màu nhằm cung cấp thông tin về giá cả, dịch vụ và chính sách nông nghiệp, giá cả các mặt hàng nông sản cũng như tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân và đối tượng trực tiếp hưởng lợi là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Sau vùng đồng bằng, VMA cũng đưa ra gói thông tin về chăn nuôi cho khu vực miền Đông Nam Bộ, nơi có những tỉnh, thành có thế mạnh về chăn nuôi như Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước. “Nông dân hiểu biết được kỳ vọng sẽ tạo cầu nối cho sự hợp tác bốn nhà là nhà nông, nhà tài chính, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Nguyên chia sẻ.
Phục vụ tiêu dùng xanh
Cách đây gần sáu năm, được sự hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Facility – GCF) của Chính phủ Đan Mạch, các nhà nghiên cứu của Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ Sắc ký Hải Đăng (TPHCM) đã lập dự án truy xuất nguồn gốc điện tử (TraceVerified). Năm 2015, dự án kết thúc và một năm sau đó Công ty cổ phần Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc (TraceVerified) được thành lập, chuyên về tư vấn giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các chuỗi sản xuất nông sản thực phẩm Việt Nam, hướng tới một thị trường thực phẩm (cả nội địa và xuất khẩu) minh bạch nhờ truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, TraceVerified đã có hệ thống truy xuất điện tử ứng dụng cho các chuỗi tôm, trái cây, rau củ, cá tra và sẽ phát triển ứng dụng sang toàn bộ chuỗi thực phẩm của Việt Nam.
Ông Bùi Huy Bình, Giám đốc điều hành TraceVerified, chia sẻ rằng từ việc đưa thông tin minh bạch về thực phẩm của Việt Nam sẽ tạo chiếc cầu nối về thông tin giữa nhà sản xuất và người mua. TraceVerified xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử dựa trên công nghệ của Microsoft. Hệ thống này có thể cung cấp thông tin về đường đi của sản phẩm, từ quá trình sản xuất, nhập vào kho bãi, khi thông quan qua cửa khẩu, tới khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Doanh nghiệp khi tham gia vào hệ thống sẽ được cấp tài khoản và mật khẩu riêng. Tại đây, doanh nghiệp có thể tùy chọn mẫu báo cáo truy xuất dành cho thị trường phù hợp của mình, phân quyền người sử dụng trong nội bộ về việc đưa thông tin và quyền truy cập xem thông tin cho các khách hàng của mình. Mỗi sản phẩm xuất khẩu sẽ được dán những con tem truy xuất nguồn gốc điện tử TraceVerified. Nhà nhập khẩu, cơ quan hải quan và người tiêu dùng có thể nhận được báo cáo truy xuất bằng cách dùng điện thoại thông minh chụp mã QR (QR code) trên các con tem truy xuất, sẽ có đường dẫn (link) đến báo cáo truy xuất của lô hàng đó.
Một trong những nỗ lực của TraceVerified hiện nay là thường xuyên thẩm tra thông tin truy xuất nguồn gốc, nhằm bảo đảm tuân thủ quy tắc của hệ thống, kết hợp với việc kiểm chứng hoặc phân tích kiểm nghiệm nhằm xác thực thông tin. Đối với nhà sản xuất thực phẩm, TraceVerified là một bên độc lập thứ ba giúp truyền tải thông tin về sản phẩm một cách đáng tin cậy, là công cụ tiếp cận thị trường quan trọng, giúp cho sản phẩm được đánh giá đúng. Với nhà nhập khẩu thực phẩm, nó là công cụ giúp tăng khả năng quản lý chuỗi cung cấp và chất lượng hàng hóa. Trong thời gian tới, TraceVerified sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập liên minh thực phẩm sạch để kết nối các nhà sản xuất thực phẩm có trách nhiệm trong nước.
Đi theo dòng thời sự về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, những ngày cuối tháng 12 vừa qua, nhiều người tiêu dùng sẽ có phần ngạc nhiên khi nhận được tin nhắn từ Sở Công Thương TPHCM mời gọi sử dụng chiếc điện thoại của mình để kiểm tra nguồn gốc của thịt heo. Phần mềm ứng dụng về kiểm tra nguồn gốc thịt heo Te-food này do Công ty TNHH Chế tạo máy và Dịch vụ công nghệ cao TE phát triển, được cung cấp miễn phí trên các kho ứng dụng phổ biến như App Store, Google Play Store. Đây là đề án thuộc dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020, do UBND TPHCM giao cho Sở Công Thương thực hiện với sự tham gia và hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y và Hội Công nghệ cao.
Theo quy trình, heo xuất chuồng sẽ được đeo vòng nhận diện có khắc mã QR chứa các thông tin về trang trại chăn nuôi, và các thông tin ở những công đoạn tiếp theo (đến cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, chợ, siêu thị bán lẻ). Thịt khi bán ra thị trường sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc. Tem được dán lên các khoanh thịt bán ra thị trường là tem sử dụng công nghệ colorgram theo tiêu chuẩn châu Âu, có khả năng chống giả. Hệ thống quản lý Te-food có thể lưu trữ tất cả thông tin về nguồn gốc thịt heo 5-10 năm. Bên cạnh đó, hệ thống còn cung cấp bản đồ địa điểm bán thịt heo đã được kiểm soát theo quy trình, để người tiêu dùng thuận tiện mua sắm.
Để kiểm tra thịt heo, người tiêu dùng tại TPHCM có thể lên App Store hay Google Play Store để tải về ứng dụng Te-food, từ đó tìm hiểu được nguồn gốc sản phẩm từ nơi chăn nuôi, giết mổ đến điểm bán, và sau đó có thể lựa chọn được những sản phẩm thịt heo sạch, an toàn.