Ngọc Ánh -
Nhà tuyển dụng nhân sự trực tuyến VietnamWorks vừa đưa ra bản báo cáo tổng quát về nhu cầu tuyển dụng, mức thu nhập và chính sách phúc lợi của ngành công nghệ thông tin (CNTT) trong năm nay, dự đoán về các xu hướng công nghệ cũng như các kỹ năng mà các doanh nghiệp sẽ yêu cầu trong thời gian tới.
Theo VietnamWorks, những lời nhận định được đơn vị này đưa ra trong bản báo cáo là kết quả tổng hợp, phân tích từ cuộc khảo sát ý kiến hơn 2.400 ứng cử viên và 73 nhà tuyển dụng ngành CNTT vào cuối tháng 11, đầu tháng 12-2016 cùng hơn 50.000 dữ liệu về việc làm đăng tải trên trang VietnamWorks.com trong năm năm từ 2012 đến 2016.
Lợi thế của trào lưu công nghệ
Nhân sự làm trong ngành CNTT nếu nắm được thông tin về các trào lưu công nghệ mới sẽ có lợi thế khi tìm kiếm việc làm. Ảnh: Bùi Dũng
Bản báo cáo của VietnamWorks cho biết 10 kỹ năng được các nhà tuyển dụng cần nhất ở nhân sự ngành CNTT trong năm nay gồm có JavaScript, PHP, C#, HTML5, Java, C++, SQL, CSS, C và Objective-C.
Trong đó, nhu cầu về JavaScript đang tăng mạnh, với hơn 50% số công ty tham gia cuộc khảo sát đều đã đưa JavaScript vào kế hoạch tuyển dụng năm nay của họ. Các chuyên gia nhân sự của VietnamWorks cho biết JavaScript là kỹ năng có nhiều vị trí tuyển dụng nhất, đồng thời là từ khóa tìm kiếm phổ biến nhất trong năm 2016 vừa qua. Do đó, có thể nói năm 2017 này là năm của JavaScript. Xếp ngay sau đó, bốn kỹ năng PHP, C#, HTML5 và Java cũng đều được hơn 40% các nhà tuyển dụng chọn đưa vào danh sách những kỹ năng được ưu tiên.
Cùng với đó, các nhân sự có kiến thức và kỹ năng về Angular.JS – một trang web framework mở dựa trên JavaScript, kỹ năng về Mobile Native Platforms (lập trình các nền tảng gốc cho thiết bị di động) cũng đang được các nhà tuyển dụng “săn đón” nhiều trong năm nay.
VietnamWorks cũng dự đoán các xu hướng công nghệ mới như điện toán đám mây (Clould), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (Internet of Things), giải pháp ảo hóa nguồn mở (Docker)… sẽ có những tác động đến thị trường CNTT trong nước trong năm nay. Chính vì vậy, nhân sự làm trong ngành nếu nắm được thông tin về các trào lưu công nghệ này sẽ có những lợi thế nhất định khi tìm kiếm việc làm mới.
Trong ngành CNTT, các chứng chỉ chuyên môn được xem như quy chuẩn để đánh giá kiến thức của ứng cử viên. Theo ý kiến của các nhà tuyển dụng tham gia cuộc khảo sát của VietnamWorks, chứng chỉ quản lý dự án (Project Management Professional – PMP), chứng chỉ quy trình Agile, Cisco, Microsoft (MCSA/MCSE bao gồm Cloud Platform, Web Applications, Infrastructure, SQL Server…) và chứng chỉ Amazon Web Service là những chứng chỉ có giá trị nhất. Có tới 54% nhà tuyển dụng sẵn sàng trả mức lương cao hơn cho những ứng cử viên có chứng chỉ chuyên môn phù hợp với nhu cầu công việc.
[box] Theo bản báo cáo của VietnamWorks, TPHCM tiếp tục là trung tâm công nghệ lớn nhất nước, chiếm 53% số lượng vị trí đăng tin tuyển dụng nhân sự. Hà Nội cũng có những bước phát triển vượt bậc và tiềm năng cạnh tranh trong lĩnh vực này khi chiếm đến 43% số lượng vị trí đăng tuyển trong năm 2016.[/box]
Hỗ trợ nhân viên về mặt đào tạo
Về chính sách đào tạo, đa số các công ty đều có chính sách hỗ trợ nhân viên tham gia các khóa học và thi lấy chứng chỉ liên quan đến công việc. Theo kết quả cuộc khảo sát, các khoản hỗ trợ mà doanh nghiệp dành cho nhân viên chủ yếu tập trung vào mảng tiếng Anh (31%), kỹ năng CNTT (30%), thi lấy chứng chỉ (25%), kỹ năng lãnh đạo (24%) và kỹ năng quản lý dự án (22%).
Bên cạnh việc được cung cấp các khóa học chuyên môn, có đến 79% người tham gia cuộc khảo sát chia sẻ rằng họ tự học các kỹ năng mới thông qua hình thức tự nghiên cứu tài liệu trên mạng là chủ yếu. Các ứng cử viên tìm việc trong ngành cũng cho biết, việc tải (download) tài liệu, các bài báo cáo, tham dự các cuộc hội thảo, các diễn đàn trực tuyến (web seminars) và hệ thống học trực tuyến e-learning cũng là những cách thức phù hợp để học các kỹ năng mới phục vụ cho công việc, giúp họ bắt kịp với xu hướng phát triển của thị trường công nghệ.
VietnamWorks đề xuất các cổng thông tin trực tuyến hữu ích dành cho những người làm trong nghề, bao gồm Medium, với hàng ngàn người đọc, viết và chia sẻ những câu chuyện công nghệ mỗi ngày; Coursera với hàng ngàn khóa học trực tuyến giúp trau dồi các kỹ năng; Quora, chuyên trang hỏi đáp các vấn đề liên quan đến công nghệ; Techstacks.io, khám phá những điểm nóng công nghệ, từ những nhóm khởi nghiệp đến phần mềm ứng dụng nổi tiếng; Amazon, cổng thư viện lớn và mới nhất thế giới.
Các số liệu thống kê của VietnamWorks cũng cho thấy nhu cầu tuyển dụng của ngành đang ở mức cao nhất từ trước đến nay và sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm sắp tới. Trong khoảng ba năm trở lại đây, từ năm 2013 đến 2016, số lượng việc làm được đăng tải trên trang web này đã gia tăng hơn gấp đôi. Cụ thể, số lượng việc làm trong ngành được đăng tải trong năm 2013 là 6.792 việc làm thì trong năm 2016 con số này đã lên tới 14.997.
Các chuyên gia nhân sự cũng nhận định, nếu như cách đây 15 năm, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu phục vụ cho mảng gia công phần mềm thì hiện nay xu hướng này đang chuyển dịch sang mảng dịch vụ, thông qua việc có khá nhiều các công ty chuyên cung cấp các dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO) đi vào hoạt động.
Và cuối cùng, từ việc thống kê dữ liệu việc làm đăng tải trên trang VietnamWorks.com trong năm 2016 và việc khảo sát các ứng cử viên trong ngành, cho thấy một kỹ sư lập trình ở Việt Nam có thể đạt mức thu nhập từ 1.300 đô la Mỹ (gần 30 triệu đồng) lên đến hơn 2.000 đô la Mỹ (hơn 45 triệu đồng) mỗi tháng nếu bắt kịp kiến thức về những công nghệ mới nhất trên thị trường hiện nay, đứng đầu là ứng cử viên có kinh nghiệm với ngôn ngữ lập trình Objective-C.
81% nhà tuyển dụng tham gia khảo sát đã có kế hoạch tăng lương cho nhân viên trong năm 2017, mức tăng sẽ vào khoảng 6-20%.