Cách đây khoảng hơn 10 năm, hình ảnh cả gia đình cùng quây quần trước một chiếc ti vi và cùng xem một chương trình là rất phổ biến do họ không có nhiều sự lựa chọn. Ngày nay, việc xem truyền hình đã khác đi khi mỗi thành viên trong gia đình đều có thể xem được chương trình mình yêu thích trên các thiết bị di động. Sở dĩ có sự thay đổi đó là nhờ vào các ứng dụng OTT.
OTT (viết tắt của cụm từ Over - the - top) được sử dụng để chỉ những ứng dụng chuyên cung cấp các nội dung như âm thanh, video qua nền tảng Internet. Nhờ các ứng dụng OTT, người dùng có thể lựa chọn và xem, nghe nội dung video hoặc âm thanh bất kỳ lúc nào họ muốn (TV/Video on demand) thay vì phải xem vào một thời gian phát sóng cụ thể. Trong mấy năm gần đây, nội dung TV/VOD ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Số liệu nghiên cứu từ phòng thí nghiệm Bell của tập đoàn Nokia cho thấy hơn 70% người trẻ trong độ tuổi 15-34 xem truyền hình qua Internet và hơn 66% trong số này lựa chọn xem lại các nội dung giải trí thay vì xem trực tiếp.
Trong xu hướng đó, các hãng truyền hình lớn trên toàn thế giới như CBS và HBO đang tích cực khám phá nền tảng OTT, đồng thời tìm cách cạnh tranh với những nhà cung cấp dịch vụ VOD trên toàn cầu đang ngày càng có sức thu hút lớn như Netflix, Youtube hay Amazon.
Ngay tại Việt Nam, cơ cấu dân số trẻ và nhu cầu sử dụng Internet cao đã biến TV/VOD thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà dịch vụ khai thác. Số liệu do Kantar Media Việt Nam cung cấp cho thấy thời gian của người Việt Nam dành cho Internet đã vượt qua thời gian dành cho truyền hình. Số lượng thuê bao truyền hình cáp đang giảm và truyền hình OTT đang cạnh tranh trực tiếp với truyền hình truyền thống.
Đối tác hơn đối đầu
Tại hội thảo “OTT - Tương lai của truyền hình” do Trung tâm tin tức VTV 24 Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Phim và Công nghệ truyền hình - Telefilm 2018 gần đây, các chuyên gia đã bàn thảo về mô hình kinh doanh OTT dưới những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng. Một vấn đề nổi bật trong buổi hội thảo là TV/VOD sẽ là miếng bánh lớn mà khó ai có thể chiếm được một phần nếu không thể làm chủ được nguồn cung nội dung có chất lượng lẫn nền tảng để phân phối hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Thanh Mai, Giám đốc điều hành công ty Kantar (TNS) Media Vietnam, cho rằng sức mạnh của truyền hình trong thời đại này là sự kết hợp giữa năng lực sản xuất nội dung và nền tảng về công nghệ viễn thông - Internet. Sở dĩ có nhận xét này là do khi thị trường TV/VOD trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư, các đài truyền hình truyền thống lẫn các doanh nghiệp tay ngang như các tập đoàn công nghệ - viễn thông đều muốn nhanh tay có được thị phần. Điều này làm cho tính cạnh tranh trong mảng phát hành qua OTT, như lời bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Cty BHD, là “vô cùng khủng khiếp”.
Đối với các nhà đài truyền thống, câu hỏi đặt ra là làm sao phải xây dựng được đội ngũ công nghệ viễn thông có năng lực mạnh mẽ để có thể làm chủ và quảng bá tốt được kênh phân phối OTT của mình. Ngược lại, vấn đề của các tập đoàn công nghệ viễn thông như Viettel, FPT đó là làm sao để có được những nội dung đặc sắc và định hình được vị trí trong lòng khán giả. Vấn đề cuối cùng và nhức nhối nhất là nạn sử dụng nội dung không được cấp bản quyền của những ứng dụng OTT lậu, thuộc những trang web chuyên đăng lậu video.
Trong nội dung hội thảo lần này, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Trung tâm tin tức VTV 24 và đại diện Ban Tổ chức, đã nêu ra một điển hình mới về sự bắt tay hợp tác giữa nhà đài và nhà mạng. Đó là trường hợp của Onme - ứng dụng OTT được phát triển bởi VTV và tập đoàn Viettel. VTV là đài truyền hình quốc gia, có ưu thế rõ ràng trong việc đảm nhiệm khâu sản xuất nội dung trong khi Viettel là nhà mạng Internet lớn với 50 triệu người dùng. Ứng dụng Onme, thành quả của sự hợp tác, là ví dụ điển hình của xu hướng chuyển từ đối đầu sang đối tác giữa các ông lớn đang tham gia vào cuộc chơi OTT mới mẻ này.
Hơn nữa, các doanh nghiệp kinh doanh OTT cũng cần phải ngồi lại với nhau và có tiếng nói chung thì mới giải quyết dứt điểm được vấn đề web lậu, nội dung không bản quyền. Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) khẳng định đã có biện pháp và đầy đủ cơ sở để ngăn chặn vấn nạn này. Câu chuyện ở đây là cơ quan quản lý không thể tự nhiên đứng ra bảo vệ các bên chịu thiệt hại khi họ còn chưa có đề xuất, kiến nghị nào. Thêm vào đó, các nhà sản xuất bị “ăn cắp” nội dung bởi các ứng dụng OTT lậu bao gồm cả doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài nên giữa họ cần có sự tham vấn và thống nhất với nhau để phối hợp hành động cùng cơ quan quản lý.
Cơ hội cho các nhà đài nhỏ
Tại hội thảo, đại diện Đài PTTH tỉnh Bình Dương nêu một vấn đề trăn trở rằng liệu truyền hình OTT có là cuộc chơi không có chỗ cho nhà đài nhỏ. Phần hỏi đáp đã cho thấy xu hướng hợp tác giữa nhà đài và nhà mạng cũng mở ra cơ hội tưởng chừng như không thể đối với các đài truyền hình nhỏ ở địa phương vốn khó có đủ nguồn lực để cạnh tranh với các đài lớn. Lý do là một đài nhỏ cũng có thể thuê hạ tầng công nghệ để làm truyền hình OTT, điểm cốt yếu nằm ở sự sáng tạo đặc trưng và phù hợp trong nội dung để chiều lòng thị hiếu của một bộ phận khán giả, đặc biệt là khán giả địa phương.
Nói như bà Thu Trang đại diện của nền tảng ứng dụng FPT Play thì “năng lực sáng tạo nội dung của các đài dù lớn hay nhỏ đều ngang nhau”. Ngoài ra, các đài nhỏ hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề cơ sở vật chất, thiết bị bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông có sẵn nền tảng. Ngay tại phiên hỏi đáp, đại diện của FPT cũng đã mở lời mong muốn được hợp tác, cung cấp nền tảng cho các nhà đài có những sản phẩm nội dung mang bản sắc địa phương như Đài Bình Dương.
Vũ Hoàng