UBND TPHCM vừa có ý kiến kết luận về công tác thiết kế cảnh quan và tái lập tuyến đường Lê Lợi (đoạn từ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành), ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành và công tác cải tạo chỉnh trang chợ Bến Thành.
- Phát triển giao thông công cộng gắn với quy hoạch đô thị và phương tiện xanh
- Doanh nghiệp, chuyên gia cùng hiến kế quy hoạch cho thành phố Thủ Đức
- Đề xuất về thẩm quyền triển khai đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành
Theo đó, UBND TPHCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì đề xuất thành lập tổ công tác gồm Sở Giao thông Vận tải, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý đường sắt đô thị, UBND quận 1 để tổng hợp các ý tưởng tối ưu nhất từ các cuộc thi về ý tưởng phát triển quy hoạch không gian đô thị khu vực trung tâm thành phố.
Đồng thời, định hướng phát triển về giao thông, bến bãi đậu xe, các trung tâm thương mại ngầm, việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với không gian ngầm khi giao nhà cho nhà đầu tư khai thác vào các mục đích thương mại, đậu xe.., đề xuất hình thức kêu gọi đầu tư, nguồn vốn đầu tư, kế hoạch thực hiện, phân kỳ đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng..
Trên cơ sở đó, làm việc với đơn vị tư vấn để nghiên cứu đề xuất phương án định hướng thiết kế đô thị tổng thể khu vực trung tâm thành phố tại các trục đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ – Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi, công viên 23/9, khu vực nhà ga Bến Thành, chợ Bến Thành bao gồm định hướng phát triển giao thông, quy hoạch xây dựng không gian trên mặt đất và phát triển không gian ngầm.
Yêu cầu đặt ra cho đơn vị tư vấn là: nghiên cứu lịch sử văn hóa, kế thừa các nghiên cứu quy hoạch trước đây và việc phân luồng giao thông tại khu vực trung tâm thành phố để đề xuất tái lập nút giao thông tại giao lộ đường Nguyễn Huệ – Lê Lợi.
Bên cạnh đó, đề xuất phương án quy hoạch xây dựng lại bùng binh trước chợ Bến Thành, theo đó, di dời tượng Trần Nguyên Hãn về vị trí cũ, đề xuất thêm phương án làm mới tượng Trần Nguyên Hãn bằng chất liệu bền vững hơn, nghiên cứu tỷ lệ kích thước bệ tượng và tượng cho phù hợp, hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành.
Ngoài ra, đơn vị tư vấn được yêu cầu nghiên cứu, đề xuất thêm phương án đặt tượng Quách Thị Trang hiện đang đặt tại công viên Bách Tùng Diệp, quận 1. Báo cáo đề xuất trình UBND thành phố trước ngày 15-7.
Về cải tạo chỉnh trang chợ Bến Thành, UBND TPHCM thống nhất với phương án trùng tu cải tạo chợ Bến Thành dựa trên hiện trạng hình thức kiến trúc mang tính biểu tượng là tháp đồng hồ và bốn cổng chính (Đông, Tây, Nam, Bắc) cần được trùng tu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích kiến trúc nghệ thuật.
Phương án nâng mái, vươn mái để lấy sáng, tạo thông thoáng và lợp mái ngói thay thế tôn giả ngói phải đảm bảo tính an toàn cho hệ kết cấu chịu lực của chợ Bến Thành. Việc nâng cao độ cốt nền chợ cần đồng bộ với hạ tầng xung quanh và hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc của chợ Bến Thành.
Trước đó vào năm 2014, TPHCM đã di dời tượng Trần Nguyên Hãn về công viên Phú Lâm, quận 6 để phục vụ dự án xây dựng nhà ga Bến Thành, thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Minh Hoàng
Theo Kinh tế Sài Gòn Online