(SGTT) - Thị trường tư vấn du học ngày càng rộng mở nhưng kéo theo đó là tình trạng chất lượng dịch vụ cũng thượng vàng hạ cám. Thêm vào đó, thông tin từ cơ quan quản lý giáo dục lại khá sơ sài khiến người dân càng thêm khó khi muốn tìm các trung tâm có chất lượng dịch vụ tốt.
- 70-80% du học sinh đi học tự túc không về nước sau tốt nghiệp
- Hai cựu sinh viên báo chí ra mắt sách về du học sinh Việt Nam ở nước ngoài
Nhu cầu đi du học nước ngoài của học sinh, sinh viên Việt Nam không ngừng tăng cao trong những năm gần đây. Theo số liệu thống kê vào năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng gần 200.000 du học sinh Việt Nam đi học nước ngoài ở bậc trung học, đại học và sau đại học, tương đương khoảng 40.000 người đi học mỗi năm. Con số này tăng khoảng 2,5 lần so với giai đoạn trước 2013.
Chất lượng dịch vụ thượng vàng hạ cám, có cả lừa đảo
Nắm bắt được nhu cầu đi du học của nhiều người, hàng loạt công ty, trung tâm du học được mở ra. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, hiện vẫn tồn tại nhiều công ty tư vấn du học kém chất lượng.
Đáng nói hơn, thời gian vừa qua, nhiều phụ huynh và học sinh gặp phải tình trạng lừa đảo khi một số đơn vị tư vấn du học không có giấy phép lẫn năng lực nhưng vẫn nhận làm hồ sơ du học. Nhiều ngườibị mất một khoản tiền lớn từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn không thể đi du học được.
Có trường hợp bị đưa đến những trường chất lượng thấp hay nằm ở những nơi hẻo lánh, rơi vào tình trạng tiền mất tật mang, muốn đòi lại tiền cũng không dễ.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị Online, bà Võ Thị Kiều Trinh, nhà sáng lập Công ty tư vấn du học USaS (TPHCM), cho biết hiện thị trường tư vấn du học đang vô cùng sôi động với nhiều sự lựa chọn cho học sinh và phụ huynh Việt Nam từ du học ở các nước châu Á, châu Âu đến châu Mỹ.
Thống kê mới nhất của Cục Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có hơn 2.800 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đang hoạt động, nhiều nhất là tại Hà Nội và TPHCM.
Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên, chuyên gia tư vấn giáo dục độc lập, cho rằng hiện có một số trung tâm tư vấn du học hoàn toàn nghiệp dư. Nhân sự tư vấn không biết rằng họ phải qua lớp đào tạo về tư vấn du học, thậm chí thiếu cả những kiến thức cơ bản về hệ thống tuyển sinh hay hệ thống giáo dục của các nước.
Việc tư vấn sai xảy ra khá nhiều nhưng đôi khi phụ huynh không thể kiểm chứng. Chẳng hạn, thay vì được vào những trường phù hợp nhất, học sinh có thể bị định hướng vào một trường khác hoặc phải trả học phí cao hơn nhiều hay bị dẫn dụ theo những chương trình học bổng mang tính quảng bá hoặc thương mại, không thực sự là chương trình học bổng.
Thông tin từ cơ quan quản lý quá sơ sài
Hoạt động tư vấn du học tại Việt Nam đã được Nhà nước quan tâm và ban hành nhiều văn bản pháp luật để quản lý. Hai văn bản pháp quy quan trọng nhất liên quan đến quản lý dịch vụ tư vấn du học là Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định rõ quyền và nghĩa vụ pháp lý của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về các điều kiện kinh doanh, trách nhiệm của tổ chức tư vấn du học.
Có thể thấy, hai nghị định 46/2017 và 86/2021 đặt ra nền tảng pháp lý khá đầy đủ cho việc quản lý nhà nước và kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Theo điều 108 của Nghị định 46/2017, để được kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp còn phải làm thủ tục để được sở giáo dục và đào tạo địa phương xét duyệt và cấp giấy phép dịch vụ tư vấn du học. Trong thành phần hồ sơ xin phép này bắt buộc phải có danh sách đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học.
Trong khi đó, điều 15 của Nghị định 86/2021 quy định tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học phải thực hiện niêm yết công khai thông tin tại trụ sở và tại trang thông tin điện tử của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học các giấy tờ pháp lý của doanh nghiệp và danh sách nhân viên trực tiếp tư vấn du học và thông tin về các khoản học phí và sinh hoạt phí, các khoản phí dịch vụ.
Cũng theo Nghị định 86/2021, UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm đăng công khai danh sách, hiện trạng các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học tại địa bàn trên cổng thông tin điện tử của địa phương.
Ngoài ra, cả phía đơn vị tư vấn du học lẫn phía quản lý nhà nước đều phải báo cáo định kỳ hàng năm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình, số liệu hoạt động.
Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều đơn tư vấn du học không niêm yết thông tin theo quy định của Nghị định 86/2021. Hầu hết các đơn vị này không công bố những thông tin bắt buộc như danh sách nhân viên tư vấn, mức phí dịch vụ và các thông tin khác liên quan đến học phí như quy định.
Không những vậy, có một số đơn vị không có trong danh sách cấp phép của Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM nhưng vẫn hoạt động bình thường, thường xuyên tổ chức các hội thảo tư vấn du học và đăng quảng cáo dịch vụ. Ngoài ra còn có tình trạng các đơn vị tư vấn du học ở tỉnh này đến tỉnh khác hoạt động mà không đăng ký thì cơ quan chức năng ngành giáo dục địa phương cũng không quản lý được.
Trong khi đó, thông tin về dịch vụ tư vấn du học của hai cơ quan chức năng quản lý nhà nước là trang thông tin dịch vụ giáo dục của Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM và Cổng thông tin tư vấn du học của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ giáo dục và Đào tạo) lại rất sơ sài, không giúp ích bao nhiêu cho người dân cần tra cứu. Ở cả hai website này, danh sách các đơn vị dịch vụ tư vấn du học chỉ được liệt kê vài thông tin tối thiểu như tên đơn vị, địa chỉ, giấy phép kinh doanh, địa chỉ. Một số thông tin quan trọng hơn như giấy phép hoạt động, địa chỉ website bị bỏ trống hoặc ghi “đang cập nhật”.
Số liệu cũng là một vấn đề cần nói đến. Chẳng hạn tại TPHCM, trong khi Cục Hợp tác quốc tế ghi nhận có 780 đơn vị tư vấn du học thì số liệu của Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM là 830 đơn vị khiến người dân không biết đâu mà lần.
Dù là của cơ quan chức năng quản lý nhà nước về du học, thế nhưng trên cả hai trang web này thông tin rất cũ, chẳng hạn tại thời điểm truy cập ngày 25-10-2024, trên Cổng thông tin tư vấn du học ở mục "Tin mới nhất" là bản tin “Cảnh báo du học Nhật Bản” đăng ngày 20-5-2020 và nhiều thông tin cũ hơn. Tương tự, trang thông tin của Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM ngoài danh sách các đơn vị tư vấn du học được cấp phép ra thì không còn thông tin gì khác.
Trong bối cảnh dịch vụ đủ kiểu như một mê hồn trận, tình trạng thông tin sơ sài như vậy từ phía các cơ quan quản lý nhà nước khiến người dân càng gặp khó khăn hơn khi muốn tìm thông tin về các đơn vị tư vấn du học làm ăn đàng hoàng, có chất lượng dịch vụ tốt.
Quản lý hoạt động tư vấn du học thiếu hiệu quảTheo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ tư vấn du học năm 2024, hiện số lượng các công ty công khai báo cáo trên trang web tư vấn du học của bộ còn hạn chế. Nhiều đơn vị chỉ làm báo cáo khi đến kỳ gia hạn giấy phép hoạt động, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và giám sát chất lượng dịch vụ.