Thái Hà -
Một chiếc điện thoại có thể nói cho bạn biết loại muỗi nào đang bay quanh bạn, qua việc nhận biết tiếng kêu vo ve của nó, đây là ứng dụng hữu ích cho việc phòng chống các dịch bệnh do muỗi gây ra.
Công nghệ nhận diện âm thanh của Shazam đã đình đám trên thế giới vài năm qua.
Ứng dụng này do Viện Nghiên cứu Bio-X thuộc trường Đại học Tổng hợp Stanford ở Mỹ phát triển, có thể ghi lại chính xác những kiểu đập cánh của các loại muỗi đủ để phân biệt đâu là dòng muỗi Culex gây ra vi rút Tây sông Nile, hay đâu là dòng muỗi Aedes gây ra dịch Zika. Ngay cả với những dòng điện thoại cũ kỹ được sử dụng ở nhiều nước châu Phi vẫn đủ nhạy để thực hiện việc phân biệt này.
Viện Bio-X dự tính sau khi hoàn thiện sản phẩm sẽ gửi đến những người dùng điện thoại trên toàn thế giới để vẽ lên một bản đồ về muỗi trên toàn cầu nhằm giúp các nước và các tổ chức y tế chủ động hơn trong việc phòng chống dịch bệnh do muỗi gây ra. Và tiến tới là có thể phát triển các loại bản đồ côn trùng khác nữa.
Theo nhóm chuyên gia thuộc Viện Bio-X, dù là cá thể lớn hay nhỏ nhưng một loại muỗi chỉ có một kiểu đập cánh đặc trưng, sinh ra một loại âm thanh vo ve đặc trưng, đặc biệt là khi chúng đang đi tìm bạn tình. Các thử nghiệm ở bang California của Mỹ và ở nước châu Phi Madagascar đã chứng minh khái niệm này là đúng.
“Shazam cho thực vật”, là ứng dụng PlantNet nhận biết được hơn 400.000 loại hoa lá cây trồng bằng cách chụp hình từ camera của smartphone.
Brian Foy, chuyên gia các bệnh về muỗi ở trường Đại học Tổng hợp bang Colorado, cho rằng ý tưởng này rất hay nhưng nó chưa có khả năng phân biệt được đâu là cá thể muỗi mang dịch bệnh. Tuy nhiên, Joseph Conlon, chuyên gia từ Hiệp hội Kiểm soát muỗi Mỹ, cho rằng qua cách đập cánh của muỗi có thể phân biệt được nhiệt độ, độ ẩm ở nơi muỗi sinh sống, tuổi và chế độ sinh dưỡng của chúng cũng như nhiều tham số khác.
Ứng dụng của Viện Bio-X được nhiều người gọi là “Shazam cho muỗi” để dễ hiểu khi họ giới thiệu với người khác, vì công nghệ nhận diện âm thanh của Shazam đã đình đám trên thế giới vài năm qua. Shazam thành lập năm 1999 nhưng chỉ nổi lên khi smartphone xuất hiện.
Tải ứng dụng Shazam về smartphone, mở ứng dụng lên, nó có thể nhận biết được các bài nhạc phát ra ở quanh bạn, từ một đoạn nhạc quảng cáo trên ti vi, đoạn nhạc chơi trong quán bar, hay trên radio… và nói chính xác cho bạn đó là tên bài hát, nghệ sĩ trình bày, nơi trình diễn, đưa cho bạn lời bài hát và dẫn bạn đến những video tương tự trên YouTube. Nó cũng ghi nhớ lại mỗi lần bạn nghe bài hát nào đó trên smartphone của bạn và từ đó hình thành một dữ liệu lớn về thị trường âm nhạc: mở Shazam lên là bạn có thể biết bài hát nào đang được nghe nhiều trên thế giới, nghệ sĩ nào đang nằm trong dòng chủ lưu.
Tháng 12-2013, Shazam nằm trong tốp 10 ứng dụng được tải về nhiều nhất trên thế giới. Tháng 10-2014, công ty này công bố ứng dụng của họ định danh được 15 tỉ bài hát. Tháng 1-2015, tạp chí Forbes ước tính trị giá của công ty này là một tỉ đô la Mỹ (USD). Tháng 10-2016, công ty công bố ứng dụng di động của họ đã được tải trên một tỉ lần và đã có hơn 30 tỉ lượt người dùng Shazam.
“Shazam” dần trở thành một động từ với người nghe nhạc, khi ai đó không biết bài nhạc hoặc âm thanh nào, họ “shazam” nó. Và “shazam” trở thành từ mượn cho những ứng dụng nhận biết phát triển sau này. Giờ đã có “Shazam cho chim”, là ứng dụng Warblr nhận biết loài chim qua tiếng hót. “Shazam cho thực vật”, là ứng dụng PlantNet nhận biết được hơn 400.000 loại hoa lá cây trồng bằng cách chụp hình từ camera của smartphone. MovieQu là ứng dụng kiểu “Shazam cho phim ảnh”, khi xem một đoạn phim nào đó mà không biết là phim gì thì có thể dùng ứng dụng này quét lên để nhận biết.
Rồi có “Shazam cho thời trang”, là ứng dụng có tên ASAP54 nhận biết về phong cách thời trang. Khi bạn nhìn thấy một cô gái không quen biết mặc bộ đồ đẹp đứng trên đường, bạn ngại ngùng trong việc hỏi họ mua ở đâu, hiệu gì thì bạn có thể giơ điện thoại lên chụp tấm hình cô gái đó, phần việc còn lại để ASAP54 xử lý. Tương tự như vậy có các ứng dụng Snap Fashion, The Hunt, Trendabl…
Rồi lại có “Shazam cho nghệ thuật”, là ứng dụng Magnus cũng dựa trên nguyên lý chụp hình tác phẩm và khối dữ liệu lớn để cho người thưởng thức hoặc mới bước chân vào sưu tập biết tác giả là ai, thực hiện tác phẩm khi nào, trên chất liệu gì, đã triển lãm ở đâu, lịch sử giá cả. Còn những người mê rượu sẽ không thể bỏ sót các ứng dụng như Drync: chụp nhãn chai rượu, ứng dụng sẽ chỉ ra cho bạn những điểm bán, giá bán, thực hiện lựa chọn hàng, thanh toán trên ứng dụng, và rượu sẽ được mang đến tận nhà.
Những gì bạn không biết, bạn có thể tra Google, bằng những con chữ. Nhưng những thứ bạn không thể mô tả bằng những con chữ như âm thanh, hình ảnh, vậy thì đã có cả một hệ sinh thái “kiểu Shazam” giúp bạn.