Từ ngày 1-8 tới đây, khách hàng gửi tiền có nhu cầu rút trước hạn sẽ bớt thiệt thòi hơn so với quy định cũ, khi phần tiền còn lại chưa rút vẫn tiếp tục được tính lãi suất như đã thỏa thuận trước đó.
- Điều kiện để người lao động TPHCM được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà
- Đề xuất bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng khi chuyển nhượng bất động sản
- Cú sốc giá vàng – tâm điểm thị trường tài chính tuần qua
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 04/2022 quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cụ thể, nếu rút toàn bộ thì lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng, và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.
Còn nếu rút một phần tiền gửi trước hạn thì phần rút trước hạn tính lãi suất thấp như trên, phần còn lại vẫn tính theo mức lãi suất thỏa thuận trước đó.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 8. Đối với các khoản tiền gửi trước ngày Thông tư có hiệu lực thì hai bên vẫn tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết.
Trước đây người dân khá bối rối và phải cân nhắc khi gửi tiết kiệm với số tiền lớn. Để được hưởng lãi suất cao thì phải gửi kỳ hạn dài, nhưng nếu cần tiền đột xuất thì toàn bộ số tiền gửi chỉ được hưởng lãi suất thấp, gần như ở mức “tượng trưng” với khoảng 0,1-0,3%/năm tùy ngân hàng.
Để tránh tình trạng này, nhiều người phải chia số tiền tiết kiệm thành nhiều phần nhỏ, hoặc gửi các kỳ hạn khác nhau. Với sổ tiết kiệm giá trị cao, thậm chí đã có trường hợp nhân viên ngân hàng tư vấn khách cầm cố sổ để vay vốn khi có việc cần, vì lãi vay còn thấp hơn tiền lãi tiết kiệm.
Do đó, quy định này được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân an tâm gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn dài hơn, từ đó tạo nguồn vốn kỳ hạn dài ổn định hơn cho chính các ngân hàng.
Tuy nhiên, do người dân dễ rút hơn nên có xu hướng rút ngay khi cần thiết, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động có kỳ hạn, đặc biệt là kỳ hạn dài của các nhà băng, vốn được sử dụng để làm các tiêu chí đánh giá an toàn hoạt động.
Đánh giá về chính sách mới này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng chính sách này mang tính “trung hòa” hơn, như trước kia thì bất lợi cho người gửi tiền, còn hiện nay cũng sẽ có phần khó khăn hơn cho ngân hàng.
Mặt khác, vị này cũng cho rằng đây là chính sách cần thiết để cân bằng lại dòng vốn huy động trước đây có xu hướng chảy vào các loại hình tài sản khác. Về phía các ngân hàng tuy sẽ khó khăn hơn trước, nhưng hiện nay cũng có đầy đủ công cụ để kiểm soát và cân bằng nguồn vốn, cũng như tỷ lệ người rút trước hạn cũng không thực sự cao.
Hiện nay, sản phẩm tiết kiệm ở các ngân hàng đa dạng, được gọi tên khác nhau, đôi khi chỉ khác nhau vài khái niệm nhưng mức lãi suất và chính sách là hoàn toàn khác biệt.
Dũng Nguyễn
Theo Kinh tế Sài Gòn Online