(SGTT) - Từ một chợ ve chai, anh bắt đầu hành trình với niềm đam mê cổ vật, rồi anh mở quán cà phê mang tên Cổ Ngoạn và được xác lập kỷ lục Việt Nam.
Có dịp đến Cần Thơ, du khách có thể ghé Cổ Ngoạn để thưởng thức ly cà phê, tìm chút hoài niệm trong không gian của những món đồ xưa xũ và nghe anh chủ quán kể những câu chuyện từ cổ vật.
Đó là quán cà phê của anh Phạm Văn Hai, sinh năm 1985, quê ở Hậu Giang, đang sinh sống và làm việc tại Cần Thơ. Công việc chính của anh là làm chủ một công ty phân phối xi măng ở Cần Thơ. Anh còn có một nghề tay trái là “cổ ngoạn" (cách gọi hoa mỹ của thú chơi đồ cổ) như chính tên quán cà phê của anh.
Đam mê khởi đầu từ một chợ ve chai
Nhiều năm trước vào khoảng thời gian cuối 2015, anh Hai đến một cái chợ ve chai ở Cần Thơ dịp cuối tuần, vô tình mua được vài món đồ cổ. Từ đó, anh thấy thích thú rồi bắt đầu nghiên cứu, tìm mua và sưu tầm cổ vật nhiều hơn từ những người quen biết và các anh em trong hội chơi đồ cổ.
Có những lúc anh về nhà bà con ở quê thấy mấy món đồ xưa bị bỏ lăn lóc, đóng đầy bụi. Anh mua chúng về, lau chùi và giữ gìn vì những món đó rất đẹp và có ý nghĩa lịch sử với anh.
Từ khi bước vào con đường sưu tầm cổ vật, anh đã lặn lội đi nhiều nơi để săn tìm cho được những món đồ mà mình yêu thích. “Có lúc đi từ Cần Thơ đến tận Cà Mau, Bạc Liêu chỉ để mua một cái bình nhỏ. Đi muốn thở ra khói luôn nhưng mà mua được một món ưng ý là vui lắm”, anh Hai kể về những hành trình của mình.
“Nhiều món ban đầu người ta nói bán, mình đi mấy trăm cây số đến nơi thì người ta đổi ý không bán nữa cũng phải trở về tay không. Rồi có những món mà mình đi đến gặp cả chục lần thì người ta mới chịu bán”, anh tiếp.
Chia sẻ về lý do với niềm đam mê đồ cổ, anh Hai cho biết: “Tôi yêu cái nét thời gian trên cổ vật cùng với giá trị văn hoá, lịch sử của chúng. Mình phải yêu thật sự thì mới bỏ công ra sưu tầm được". Ban đầu anh chỉ muốn mua cổ vật về trưng bày ở nhà cho bạn bè, khách khứa đến chiêm ngưỡng, từ đó tạo cảm hứng cho mọi người giữ gìn những món đồ cổ xưa. Có nhiều anh em cùng đam mê đến thưởng lãm, luận đàm về mấy món đồ cổ và anh Hai xem đó như cái thú vui của mình vậy.
Sau một thời gian, anh Hai có nhiều cổ vật để trong nhà, con cái hay chơi đùa vô tình làm bể. Anh nảy ra ý tưởng kiếm một nơi để trưng bày cho thoả niềm đam mê đồng thời giảm được thiệt hại khi để lung tung trong nhà. Anh tìm mua một mặt bằng ở thành phố Cần Thơ để thực hiện ý tưởng của mình. Tháng 7-2020 quán cà phê Cổ Ngoạn ra đời.
Ở Cổ Ngoạn, anh Hai trưng bày hàng ngàn cổ vật từ những món đơn giản như cái chén, cái dĩa đến những món có trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Anh kể: “Nhiều khách đến quán, thấy ở nhà mình cũng có mấy món đồ cổ giống ở đây mà trước giờ không biết quý, rồi về nhà họ trân trọng và giữ gìn chúng tốt hơn.”
Không dừng lại ở đó, anh còn tạo ra nét độc đáo trong việc trang trí quán cà phê bằng cách gắn nhiều chiếc dĩa và bình gốm sứ trên tường. Trong tháng 12-2020, tổ chức Kỷ Lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục cho quán cà phê Cổ Ngoạn với nội dung: "Quán cà phê gắn dĩa và bình gốm sứ trên tường có số lượng nhiều nhất Việt Nam". Anh cho biết, riêng số lượng dĩa nam bộ mà anh gắn trên tường là 3.000 chiếc.
Kết nối đam mê, chung tay giúp đỡ cộng đồng
Một điều đặc biệt ở Cổ Ngoạn là anh Hai sẽ không bắt đền khách nếu họ có lỡ tay làm bể hay hư đồ trong quán. “Đa phần với đồ cổ thì mọi người chỉ dám ngắm thôi vì người ta sợ bể với hư hao lắm. Ở đây, tôi trưng bày cho mọi người đến xem có thể cầm lên sờ chạm món đồ và cảm nhận nó. Từ đó họ sẽ có tình yêu với đồ cổ. Tình yêu mà có cái cảm nhận tốt thì người ta sẽ biết gìn giữ và trân quý hơn”.
Anh Hai vừa cười vừa kể tiếp: “Từ hồi mở quán cà phê này, tôi đi săn mua đồ cổ khó hơn cả lúc trước vì nhiều người đến quán thấy ở nhà họ cũng có mấy món giống với đồ trưng bày ở đây. Xong về nhà họ cất kỹ và bán giá cao hơn chứ không còn bỏ lăn lóc chỗ này chỗ kia nữa.”
Từ khi ra đời, quán cà phê của anh Hai trở thành cầu nối cho những người cùng đam mê cổ ngoạn đến gặp gỡ và giao lưu. Anh nói: “Có nhiều người chơi đồ cổ chưa ‘xuất hiện’, chưa biết đến tôi. Mở quán cà phê thì người ta đến đây, làm quen với tôi. Rồi tôi biết nhu cầu tìm cổ vật của họ. Tôi đã đi nhiều nơi, biết chỗ này chỗ kia có món gì nên tôi có thể tìm mua và bán lại cho mấy anh em nhờ tôi giúp đỡ.”
Anh Hai cho biết nếu chỉ bán cà phê thì thật sự chi phí không đủ duy trì quán nhưng nhờ săn tìm và bán mấy món đồ cổ theo yêu cầu của khách mà anh kiếm được vài trăm triệu đồng mỗi tháng.
Bên cạnh việc tìm mua cổ vật cho anh em, anh Hai cũng giúp bán những món đồ cổ giá trị của họ. Mạng lưới quen biết rộng trở thành lợi thế trong “nghề" cổ ngoạn của anh. “Có nhiều khách muốn tìm những món đồ cổ hiếm, khó tìm. Tôi quen anh em trong cộng đồng chơi cổ vật cả nước nên tôi kiếm dễ hơn và tôi giúp họ”, anh Hai kể.
Không dừng lại ở đó, anh Hai còn thường xuyên tổ chức các buổi đấu giá cổ vật để tạo nguồn cảm hứng cho anh em cùng đam mê cổ ngoạn. Anh cũng trích số tiền thu được từ các buổi đấu giá để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Mỗi khi có cơ quan báo chí nào thực hiện các chương trình thiện nguyện, anh thường xuyên dự phần, đóng góp cổ vật của mình để tổ chức đấu giá gây quỹ.
“Tôi sở hữu nhiều cổ vật nên muốn sử dụng chúng để đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện vì tôi thấy những công tác này rất ý nghĩa. Nhiều anh em cùng chơi cổ vật biết mình tham gia công tác thiện nguyện cũng chung tay góp tài chính hoặc các món đồ cổ những lúc tôi đứng ra tổ chức đấu giá gây quỹ. Khi làm được cái gì đó có ích thì mình thấy vui lắm”, anh Hai nói.
Trong tháng 11-2020, anh Hai đã phối hợp với báo Gia Đình Việt Nam tổ chức một buổi đấu giá gây quỹ được hơn 100 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung.
Người kể chuyện từ cổ vật
Anh Hai thường xuyên có mặt ở quán để gặp gỡ và giao lưu với khách. Ai tò mò muốn tìm hiểu về những món cổ vật nào, anh sẽ chia sẻ những kiến thức mình biết và kể câu chuyện của món đồ đó cho họ nghe.
“Mỗi món đồ mình mua đều có câu chuyện riêng của nó. Nói một cách nào đó là mình đang bán những câu chuyện đó”, anh Hai nói.
Chia sẻ về món đồ mà anh Hai yêu quý và có nhiều tình cảm trong cả kho tàng cổ vật giá trị của mình, anh kể về cái thố bằng gốm có ghi năm sản xuất 1937 trên đó. Đây là sản phẩm đầu tay của một nghệ nhân đi học nghề. Anh ta làm cái thố để đựng tiền dành dụm cưới vợ. Năm 1937, người thợ đó xin vô học nghề. Làm được cái thố rồi anh ta bỏ tiền xu vào tích luỹ bốn năm năm thì đầy cái thố, mới đủ tiền đi cưới vợ. Cái thố đó lưu lạc nhiều đời về tới Trà Vinh thì anh Hai vô tình mua được. Con cháu người nghệ nhân này qua mấy đời truyền miệng câu chuyện lại rồi kể cho anh Hai nghe khi anh mua cái thố.
“Người ta bán cái thố đó không nhiều tiền nhưng họ nói món này của ông bà để lại nên quý và trân trọng lắm. Mấy món đó thì như vô giá, kiếm cái thứ hai cũng không có”, anh Hai chia sẻ.
Anh Hai luôn hào hứng kể về những món đồ cổ được trưng bày trong quán từ cái chén, cái dĩa, đèn dầu, máy hát, lư đồng, tiền cổ cho đến cái bình, cái chậu bằng gốm... Anh cho biết mỗi nét vẽ trên từng cái bình gốm đều có một câu chuyện riêng. Anh chia sẻ tỉ mỉ về thời kỳ, niên đại lịch sử của món đồ, nước men trên sản phẩm gốm đó phản ánh từng giai đoạn của gốm như thế nào, hoa văn trên đó có tích gì, món cổ vật đó có câu chuyện ra sao.
Anh Hai sở hữu đa dạng đồ cổ, trong đó nhiều nhất là gốm. Tất cả món đồ anh sưu tầm đều là cổ vật Việt Nam, rơi vào niên đại từ 1930 đến trước 1975. Anh thường xuyên dành thời gian tìm tòi nghiên cứu về cổ vật và các giai đoạn lịch sử của chúng. “Có những món tuổi đời vài ngàn năm, vượt quá sự hiểu biết của mình thì tôi không chơi. Tôi chỉ muốn làm những gì gần gũi và trong khả năng của mình”, anh Hai chia sẻ.
“Anh Hai đã góp phần gìn giữ cổ vật xưa cho các thế hệ sau được chiêm ngưỡng và trân trọng những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam. Từ lúc khai trương, quán cà phê Cổ Ngoạn của anh đã góp phần vào hoạt động du lịch của thành phố, trở thành một địa điểm thu hút du khách khi ghé thăm Cần Thơ. Ngoài nét đặc sắc về cổ vật thì quán Cổ Ngoạn còn đạt yêu cầu tốt về phong cách phục vụ lịch sự từ nhân viên đến chủ quán. Anh Hai thường có mặt để trò chuyện và giải đáp những thắc mắc của khách về các món đồ cổ trưng bày trong quán”, ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ, chia sẻ.
Trần Duy Minh