(SGTT) - Xét nghiệm RT-PCR hay xét nghiệm nhanh kháng nguyên đều là 2 phương pháp tìm dấu vết của virus SARS-CoV-2 trong dịch phết mũi, họng. Theo các bác sĩ, việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 trước khi tiêm vắc-xin không thực sự cần thiết.
- Thắc mắc mùa dịch: Sau tiêm vắc-xin, khi xét nghiệm Covid-19 có gây dương tính giả không?
- Bệnh viện TPHCM phải nhận người cấp cứu, không yêu cầu có xét nghiệm Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TPHCM vẫn đang đẩy nhanh các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin nhằm phấn đấu đạt tỷ lệ người dân được tiêm ngừa Covid-19 mũi 1 cao nhất, đồng thời tăng tốc tiêm mũi 2 để đẩy nhanh mức độ bao phủ vắc-xin. Tiêm vắc-xin là một trong những điều kiện rất quan trọng để khôi phục cuộc sống bình thường mới và mở rộng các hoạt động kinh tế, xã hội trong thời gian sắp tới.
Ngoài những thông tin hướng dẫn chuẩn bị trước và sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhiều người dân vẫn còn một số thắc mắc liên quan đến tiêm chủng cần được giải đáp.
Trước những thắc mắc của cộng đồng, ThS. BS Nguyễn Tiến Hưng, Giảng viên Bộ môn Y học Gia đình, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và TS. DS Nguyễn Quốc Hòa, Giảng viên Bộ môn Dược lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược TPHCM đã có những giải đáp về một số vấn đề được nhiều người quan tâm trong chương trình tư vấn trực tuyến “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho người nhiễm Covid-19” do Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức.
SGTT: Trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có cần thiết phải xét nghiệm Covid-19 không? Nếu không thực hiện, khi xét nghiệm Covid-19 phát hiện bị nhiễm bệnh thì sau khi tiêm vắc-xin có nguy hiểm không?
- BS Tiến Hưng: Việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 trước khi tiêm vắc-xin, hiện nay không thực sự cần thiết. Nếu người bệnh đã có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19, cần xét nghiệm càng sớm càng tốt để có biện pháp xử lý hiệu quả và tránh lây lan cho người khác khi đến các cơ sở tiêm chủng.
Trường hợp phát hiện đã mắc Covid-19, người bệnh không có khuyến cáo tiêm vắc-xin vì cơ thể đã nhiễm và bắt đầu có những phản ứng miễn dịch nhằm chống lại sự xâm nhập của virus.
Vì vậy, việc tiêm vắc-xin với mục đích chính là kích thích cơ thể tạo miễn dịch với virus SARS-CoV-2 là hoàn toàn không cần thiết, nhất là trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin đang còn khan hiếm như hiện nay.
Ngoài các thuốc chứa hoạt chất acetaminophen hay ibuprofen dùng để giảm hạ sốt, đau nhức… người dân còn có thể sử dụng nhóm thuốc trên cho những phản ứng nào sau tiêm?
- DS Quốc Hòa: Paracetamol (còn có gọi tên khác là acetaminophen) là một dạng hoạt chất có tác dụng hạ sốt và giảm đau. Acetaminophen (paracetamol) và ibuprofen hiện chỉ có tác dụng giảm đau nhức cơ và giảm sốt, là các phản ứng thường gặp sau khi tiêm.
Làm thế nào để đối phó với cơn sốt sau tiêm chủng, đặc biệt là để giảm bớt đau nhức hoặc cứng ở cánh tay?
- BS Tiến Hưng: Các phản ứng như sốt, cứng ở cánh tay… là những phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc-xin, không chỉ vắc-xin Covid-19 mà các loại vắc-xin ngừa các bệnh khác cũng đều có thể gặp. Việc có các phản ứng này là những dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể nhận ra các vật lạ xâm nhập và kích thích hệ miễn dịch để tạo ra các kháng thể ở mức độ toàn thân (sốt) và tại chỗ (đau, cứng ở cánh tay sau tiêm). Tuy nhiên, những điều này có thể tạo ra cảm giác lo lắng và khó chịu của người được tiêm vắc-xin.
Nếu các triệu chứng này quá nặng, mọi người có thể sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt ở mức độ vừa như paracetamol (acetaminophen) hoặc các loại thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (như diclofenac, meloxicam) để làm giảm bớt sự khó chịu. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc dù bất kỳ loại nào cũng cần sự tư vấn và thăm khám của bác sĩ, tránh trường hợp lạm dụng thuốc có thể gây nguy hiểm cho người dùng.
Nóng sốt, nhức mỏi cơ thể, đau tại vị trí tiêm… là những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc-xin. Để giảm bớt những tác phụ phụ sau tiêm, một số người thường sử dụng thuốc hạ sốt trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Vậy việc làm này có ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc-xin không? Ngoài ra, thuốc hạ sốt có làm giảm phản ứng miễn dịch sau tiêm?
- DS Quốc Hòa: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không khuyến cáo dùng thuốc hạ sốt trước tiêm vì điều này có thể làm giảm phản ứng miễn dịch sau khi tiêm, cần thiết cho việc tạo kháng thể.
Ngoài ra, dùng thuốc trước tiêm đôi khi không hiệu quả mà còn gây tác dụng phụ. Sau khi tiêm, phản ứng miễn dịch tạo ra có thể gây sốt; trường hợp sốt cao trên 38,5 độ C hoặc cơ thể có biểu hiện mệt mỏi thì có thể dùng hạ sốt vào thời điểm này.
Minh Thảo
Sài Gòn Tiếp Thị thông qua chuyên mục “Thắc mắc mùa dịch” sẽ là cầu nối để bác sĩ, chuyên gia y tế giải đáp các thắc mắc từ bạn đọc một cách nhanh chóng và chính xác. Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp hãy bình luận (comment) ngay dưới các bài viết thuộc chuyên mục này hoặc gửi mail về cho chúng tôi qua email admin@sgtiepthi.vn, hoặc gửi câu hỏi qua fanpage của báo.