(SGTT) – Sau những ngày tiệc tùng cuối tuần, bữa trưa đầu tuần chọn một món dễ ăn từ nguyên liệu cho đến cách chế biến là lựa chọn của một số người. Theo đó, bún gạo cật heo đáp ứng tiêu chí này, kèm theo hai kiểu nấu để mọi người chọn lựa.
- Trưa nay ăn gì: Bữa trưa quốc tế với món Gaeng Keow Wan Kai của người Thái
- Trưa nay ăn gì: Thưởng thức bánh canh khô, món ăn dân dã vùng miền
- Trưa nay ăn gì: Mì xào thanh cua – món ăn đơn giản mà tròn vị cho trưa giữa tuần
Tuy không phổ biến bằng sợi bánh phở, hủ tiếu hay bánh canh nhưng bún gạo lại có những “ưu điểm” của những sợi bánh vừa kể. Bún gạo có sợi bánh nhỏ, giòn sần sật và để lâu trong các món nấu kiểu nước bánh không bị bở. Thế nên, quán ăn cũng dần đưa bún gạo vào thực đơn chế biến thành nhiều món ăn.
Về cật heo, đây là một phần bộ phận trong con heo, có độ giòn và vị thơm đặc trưng. Tuy nhiên, cách sơ chế cật quan trọng bởi không làm kỹ sẽ còn mùi khai đặc trưng hoặc nhớt. Cơ bản cần dấm rượu khử mùi và lấy sợi dây khai ở giữa cật. Tiếp đến, cắt cật heo thành những lát vừa ăn.
Đối với món ăn hôm nay, nó gồm hai kiểu chế biến là món nước và món xào (khô). Với món nước, mọi người có thể tìm thưởng thức ở các tiệm mì người Hoa với đặc trưng nồi nước hầm từ xương heo, có thêm rau xà lách, tóp mỡ ăn kèm. Quy trình chế biến món ăn gồm trụng bún gạo cho vào tô, chan nước lèo, cho rau củ và cật heo vào rồi dọn lên cho khách.
Còn kiểu nấu thứ hai là làm dạng món xào (khô), tức là quán ăn không cần nấu nồi nước dùng mà chỉ cần pha sốt để xào bánh và cật heo. Hỗn hợp sốt gồm nhóm gia vị cơ bản trong gian bếp như muối, tiêu, đường, hạt nêm, dầu hào… Quy trình chế biến món ăn ở bước đầu tiên là xào bún gạo, cho gia vị vào cùng cật heo xào đến gần chín. Lúc này, cho ít rau củ như cải thảo, cải ngọt vào xào chung thêm vài phút là tắt bếp.
Giờ trưa đầu tuần gần đến, mọi người thử đặt qua bún gạo cật heo và thưởng thức cùng đồng nghiệp, người thân.
Theo amthucmonngon, monanviet, congthucmonan, shopeefood