(SGTT) – Từ món bánh cuốn thân quen, nhiều hàng quán đã biến tấu thêm nguyên liệu gạo lứt, từ đó, tạo nên bánh cuốn gạo lứt vừa bảo đảm tiêu chí ngon miệng vừa dinh dưỡng.
- Trưa nay ăn gì: Biến tấu gà rô ti theo phong cách nhanh, gọn
- Trưa nay ăn gì: Salad cá hồi sốt cam, phiên bản thú vị cho món ăn từ thịt cá hồi
- Trưa nay ăn gì: Mộc mạc, bình dị bánh đa cá rô đồng
Với nhiều người, bánh cuốn thường là món ăn sáng thân quen, thế nhưng, theo thời gian, xu hướng ẩm thực đa dạng hơn, không còn phân loại về thời gian thưởng thức thì bánh cuốn có thể thưởng thức cả ngày. Nhắc đến yếu tổ ẩm thực vùng miền thì đất Hà thành có món bánh cuốn Thanh Trì nổi tiếng khắp nơi, đậm đà vị truyền thống. Rồi theo dòng chảy địa lý, bánh cuốn có mặt ở khắp nơi, có thể kể đến như bánh mướt tại miền Trung hay bánh cuốn thập cẩm gồm nhiều thức ăn kèm khi vào miền Nam.
Ngày nay, món ăn không chỉ được chú trọng về trình bày mà nguyên liệu chọn lựa cũng rất quan trọng. Thế là các hàng quán đã thay thế bột gạo thông thường bằng gạo lứt để tạo nên món bánh cuốn gạo lứt bắt mắt, thơm ngon, lành mạnh.
Một số loại bánh cuốn nổi tiếng tại Việt Nam: Bánh cuốn Thanh trì, Hà Nội; Bánh cuốn chả bò Sài Gòn; Bánh cuốn tôm Thanh Hóa; Bánh cuốn chả mực Quảng Ninh; Bánh cuốn gà phố cổ Hà Nội; Bánh cuốn trứng Thái Nguyên…
Có hai cách để làm vỏ bánh cuốn gạo lứt: đơn giản nhất là mua bánh tráng gạo lứt, khi có nhân thì cuộn lại rồi đem hấp. Kỳ công hơn thì dùng bột gạo lứt, pha với bột năng theo một tỷ lệ nhất định rồi đem tráng, hấp để tạo nên lớp vỏ. Theo các đầu bếp chuyên nghiệp, những người nội trợ bận rộn, chưa tự tin nhiều khâu nấu nướng thì có thể chọn báng tráng gạo lứt và ngược lại cho những ai muốn tự tay tráng bánh. Ngoài cách tráng bánh bằng lò hấp như ở các tiệm ăn thì hiện cách tráng báng bằng chảo không dính cũng trở nên khá phổ biến, tiện dụng hơn.
Về nhân bánh, phổ biến nhất vẫn là thịt băm heo, trộn cùng nấm mèo, hành tím, củ hành tây cắt nhuyễn. Cứ thế, lấy vỏ bánh cuộn nhân bánh theo độ to, nhỏ tùy thích và đem hấp là có thành phẩm bánh cuốn thơm ngon. Ngoài nhân thập cẩm, nhiều hàng quán hiện nay còn có bánh cuốn gạo lứt chay với nhân là các loại rau củ như cà rốt, nấm mèo, măng tây, đậu xanh.
Thông thường, nước chấm ăn kèm bánh cuốn nói chung hay bánh cuốn gạo lứt nói riêng đều là nước mắm chua ngọt. Có nhiều cách làm nước mắm chua ngọt tùy vào sở thích của mỗi người nhưng có một lưu ý nhỏ để nước mắm chuẩn vị là nên dùng nước mắm nguyên chất để pha.
Cuối cùng, các món ăn kèm của bánh cuốn ngày nay cũng đa dạng để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của thực khách. Ngoài chả lụa, chả bò, chả chiên, bánh chiên thì một số nơi còn bán kèm thịt nướng, món thịt thường thấy trong món bún chả Hà Nội.
Bữa trưa giữa tuần đã gần đến, ý tưởng về một món ăn lành mạnh, gọn nhẹ như bánh cuốn gạo lứt là lựa chọn không nên bỏ qua. Thật sự, các hương vị từ nguyên liệu nấu kèm và ăn chung khiến thực khách gắp hết đũa này sẽ đến đũa tiếp theo.
Gia Hân tổng hợp