(SGTT) – Cứ vào mỗi thứ Sáu hằng tuần, Trưa nay ăn gì thường gợi ý các món ăn quốc tế, từ Á sang Âu với đa dạng nguyên liệu cũng như cách chế biến độc đáo. Và hôm nay là món mì hải sản cay Hàn Quốc, phù hợp cho các tín đồ ưa thích vị thanh ngọt từ hải sản lẫn vị ớt cay đặc trưng.
- Trưa nay ăn gì: Dinh dưỡng cùng bún gạo lứt thanh cua
- Trưa nay ăn gì: Bình dị cơm văn phòng khô cá dứa, phảng phất nét thôn quê
- Trưa nay ăn gì: Hấp dẫn món “salad” kiểu Thái cho bữa trưa thứ Ba
Trong văn hóa ẩm thực đất nước được mệnh danh là xứ sở kim chi, mì hải sản cay có tên gọi là jjamppong (Champong). Theo một số tài liệu về ẩm thực quốc tế, mì cay hải sản bắt nguồn từ sự giao thoa ẩm thực Trung Quốc – Hàn Quốc nên đã tạo nên một món nước độc đáo từ nguyên liệu và cả cách chế biến.
Khác với mì tương đen (Jjamppong) khi dùng sợi mì cùng tên món ăn, mì hải sản cay chỉ chuẩn vị khi dùng sợi mì ramen. Đây là một trong những loại mì phổ biến tại Nhật Bản và nổi tiếng khắp thế giới, bên cạnh các loại sợi mì khác như udon, soba hay somen.
Cụ thể, mì ramen được làm từ bột lúa mì, muối, nước và khoáng chất kansui giúp sợi mì kết dính và tạo hương vị đặc trưng. Hiện trên thị trường bày bán chủ yếu là mì khô và mì ăn liền, riêng mì tươi chỉ có thể thưởng thức tại một số nhà hàng Nhật Bản với kỹ năng nấu nướng tài tình từ các đầu bếp lâu năm.
Đúng như tên gọi, mì hải sản cay thường gồm nhiều loài hải sản kết hợp cùng nhau để tạo nên nét độc đáo cho món ăn, phải kể đến là tôm, mực, nghêu và đặc biệt là vẹm biển, có độ ngọt và chất lượng thịt đặc sắc hơn cả nghêu. Dù là hải sản nào thì nguyên liệu tươi ngon cũng là đều quan trọng, nếu tìm mua được hàng sống thì chất lượng món ăn sẽ bảo đảm, còn không có thể mua hàng tươi ở siêu thị, cửa hàng hải sản uy tín. Theo đó, các loại hải sản sẽ được sơ chế, khử mùi sạch cùng nước muối.
Cũng giống như Nhật Bản, ẩm thực Hàn Quốc cũng có một số món ăn, thực phẩm chia theo mùa như Xuân (bạch tuộc, cua tuyết, cơm trộn, súp rau củ, dâu tây) - Hạ (mì lạnh, gà hầm sâm, lươn nướng, đá bào kem tuyết) - Thu (bánh Songpyeon, tôm Jumbo, cá mòi, nấm thông, hạt ngân hạnh) - Đông (bánh Hotteok, bánh trứng, bánh cá, bánh gạo, chả cá, thịt ba chỉ nướng, canh màn thầu).
Về nước dùng, đây cũng là điểm nhấn để thực khách nhớ đến hương vị món ăn. Một số nguyên liệu để nấu nước dùng là tảo bẹ khô, cá cơm và đặc biệt là bột ớt Hàn Quốc để tạo nên độ cay thường thấy trong ẩm thực Hàn. Đối với các đầu bếp chế biến món ăn này, cá cơm chỉ dùng để nấu nước dùng nên công đoạn cuối nấu nước dùng mọi người nhớ lược bỏ xác cá.
Rau ăn kèm cho mì hải sản cay gồm hành boaro, cải thìa, bắp cải, hành tây, nấm mèo, đem sơ chế, cắt khúc vừa ăn để nhúng vào món ăn, cân bằng độ ngấy từ đạm hải sản. Ở một số quán ăn, ngoài hải sản, người nấu còn cho thêm thịt ba chỉ heo để tạo thêm chút béo ngậy cho món mì cay nồng.
Vậy là sau những công đoạn tìm mua nguyên liệu, sơ chế và chế biến, thành phẩm tô mì hải sản cay Hàn Quốc đã sẵn sàng đợi thực khách chinh phục. Với những ai dùng qua rồi, hương vị bùng nổ từ các gia vị, thực phẩm nấu cùng sẽ như còn lưu trên đầu lưỡi để chào mời thực khách thưởng thức mỗi khi nhớ.
Sài Gòn những bữa trưa thường đón vài cơn mưa bất chợt, nhâm nhi tô mì hải sản cay Hàn Quốc cùng đồng nghiệp, bạn bè thì thật sự hết sức thi vị.
Gia Hân tổng hợp