(SGTT) – Trong nhiều phiên bản bánh căn, bánh căn mực được lòng thực khách bởi hương vị thanh ngọt, đậm đà vị biển cả. Những bữa trưa ngán cơm hay các món nước, bánh căn mực như gợi ý hôm nay là một lựa chọn đáng để thử qua.
- Trưa nay ăn gì: Bắt vị cơm trưa văn phòng cùng bò xào rau tiến vua
- Trưa nay ăn gì: Bữa trưa thứ Ba lành mạnh cùng salad đậu que
- Trưa nay ăn gì: Bánh canh hàu – chút mới lạ cho món bánh canh thân quen
Theo thông tin trên các trang web ẩm thực vùng miền, bánh căn là món ăn bắt nguồn từ cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận. Rồi xuôi theo dòng chảy văn hóa vùng miền từ Nam ra Bắc, món ăn này có mặt ở Phan Thiết, Đà Lạt hay Phú Yên; rộng hơn là bánh căn đại diện cho một phần ẩm thực miền Trung.
Để có bánh căn ngon, người bán phải chuẩn bị gạo ngon ngâm từ ngày trước, đem xay bột (gạo càng cũ thì bánh càng ngon, khi nạy bánh cũng dễ dàng). Nói là thế chứ mỗi quán ăn, mỗi người nấu tự canh lượng nước pha bột, tự chọn gạo ngâm, tự nạy bánh nên đôi khi hình dáng bánh không cái nào giống cái nào.
Như tên gọi, thành phần tiếp theo là linh hồn, quyết định đến độ ngon món ăn – mực. Theo đó, mực ứng dụng trong món ăn này là mực nhỏ (loại bằng lóng tay). Cứ thế, khuôn bánh lớn thì cho hai con, khuôn nhỏ thì một bánh một con.
Như mọi phiên bản bánh căn, bánh xèo, bánh khọt, phần nước chấm là mẫu số chung quyết định độ ngon món ăn sau thịt mực. Tùy mỗi quán ăn mà có nơi pha nước mắm ớt, tỏi, chanh chua nhẹ. Có nơi thay nước cốt chanh bằng thơm hay cà chua. Đặc biệt, có nơi còn dùng cả mắm nêm để tăng vị giác cho thực khách khi dùng bữa.
Với bánh căn nói chung hay bánh căn mực nói riêng, món ăn hấp dẫn và ngon miệng chỉ khi còn nóng hổi, tốt nhất là lúc vừa đổ bánh xong. Người bán dọn kèm đĩa bánh (định lượng 5-7-10 tùy khẩu phần), thêm ít rau sống cải xanh, xà lách, rau hung quế, diếp cá, xoài chua bào sợi. Cuối cùng, việc còn lại của mọi người chỉ là gắp từng bánh, chấm nước mắm, cuốn ít rau và thưởng thức.