(SGTT) – Từng cọng bánh canh trắng thơm, dẻo ngập trong phần nước dùng thanh ngọt, điểm thêm vài con sò điệp tươi, vị biển cả. Đó là những điểm nhấn hấp dẫn của món ăn gợi ý cho bữa trưa đầu tuần – bánh canh sò điệp.
- Trưa nay ăn gì: Dậy vị cơm thịt xào lá hương nhu kiểu Thái
- Trưa nay ăn gì: Đặc sắc món phở bò, nhìn hoài không thấy nước lèo
- Trưa nay ăn gì: Món cơm văn phòng ‘quốc dân’ nay cho thêm thịt tôm làm mới
Tuy cùng là bánh canh chế biến từ hải sản như bánh canh cua, bánh canh tôm tít, bánh canh mực… nhưng vị của sò điệp lại mang đến trải nghiệm ẩm thực thú vị hơn. Do là nguyên liệu chính nên sò điệp phải mua hàng tươi ngon, tốt nhất là còn sống, nằm trong vỏ. Những sò điệp tách vỏ dạng hàng đông lạnh khi nấu cho các món nước thịt thường bở, cảm giác không ngon miệng.
Ngoài sò điệp nguyên con, thị trường thực phẩm còn bày bán còi sò điệp. Theo đó, nguồn gốc đa dạng, từ Việt Nam cho đến Mỹ, Pháp và phổ biến hơn là Nhật Bản. Giá sò điệp quốc tế cao gấp đôi sò điệp trong nước, vị thơm, thịt nhiều hơn nên các nhà hàng sang trọng hay dùng loại này. Còn quán ăn bình dân vẫn chuộng sò điệp trong nước.
Do sò điệp tích trữ nước trong thịt nên sau sơ chế, mọi người nên để ngoài cho ráo nước. Nếu bỏ qua bước này thì tổng thể hương vị món ăn không còn chuẩn, nhất là phần nước dùng bánh canh còn vị tanh đặc trưng hải sản.
Sợi bánh canh nấu cho món ăn này cũng tùy thuộc nguyên liệu chọn mua và phong cách chế biến của đầu bếp. Thực khách nào ưa vị dẻo, dai thì chọn sợi bánh bột lọc, khách nào thích độ mềm, thơm mùi gạo thì họ chọn sợi bánh canh làm từ bột gạo. Đặc biệt, một số đầu bếp còn tự chế biến sợi bánh canh kết hợp cùng khoai lang tím trông rất bắt mắt.
Về nước dùng, có hai loại là nước dùng trong, bán được cho cả món hủ tiếu, mì hoặc nước dùng sền sệt đặc trưng riêng của bánh canh với màu đỏ cam. Dù là loại nước dùng nào thì xương heo vẫn là nguyên liệu cơ bản để hầm lấy nước. Kết hợp thêm ít củ cải, dầu điều để tạo vị ngọt thanh và màu sắc bắt mắt.
Không chỉ phục vụ bánh canh sò điệp, các quán ăn còn bán kèm thêm hải sản để thực khách có nhiều sự lựa chọn dùng bữa. Thông thường là tôm, tôm tít, mực, bạch tuộc, chả cá, chả cua. Nếu bạn dùng bữa tại quán bánh canh cua truyền thống thì sẽ không có rau ăn kèm, chỉ có thêm bánh chả cá chiên giòn. Còn bánh canh sò điệp tại các quán hủ tiếu mì thì họ dọn lên thêm đĩa rau xà lách, giá sống, hẹ. Nước chấm đi kèm cho bánh canh là nước tương, điểm thêm vài lát ớt lấy vị cay và trông bắt mắt.
Gia Hân tổng hợp