Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Trồng bông giấy trong chậu… ế!

(SGTT) - Từ những chậu bông giấy thông thường, qua bàn tay của ông Mạnh Thế Bình (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), giá trị của chúng đã tăng nhiều lần, tạo sự hứng thú với nhiều người.

Ông Bình được xem là một trong những người có niềm đam mê đặc biệt với mô hình này. Những chậu bông giấy trải dài từ trước sân đến sau hè, từ đó có nguồn thu nhập thêm nhờ ghép bông giấy.

“Công trình” bông giấy trong chậu ế của ông Chín Bình. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

“Công trình” trồng bông giấy trong chậu… ế!

Trước đây ông làm nghề đúc chậu. Ông thứ 9 nên người quanh vùng gọi Chín chậu. Giờ ông trồng bông giấy, “công trình” hàng trăm chậu bông giấy từ trước sân ra đến sau hè, người quanh vùng gọi Chín Bình bông giấy. Ông Chín Bình cười khà, bình thì phải đơm bông mà là bông giấy mới lạ.

Ông Chín Bình kể về nghề đúc chậu, cả năm ngồi đúc chậu, đến tháng Chạp, "đánh phấn, son môi" cho chậu (sơn vành chậu, quét vôi thành chậu rồi vẽ hình trên chậu), để người ta mua về vô cây chưng tết. Ngồi cong lưng làm đẹp chậu, vậy mà năm 2020 vừa qua, chậu... ế bày một sân. Năm trước thanh niên làm ở TPHCM, tháng Chạp về đứng chật sân mua chậu, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên ít người ghé.

Có người đến nhìn chậu, góp ý: “Quét nước xi măng là được rồi. Chậu trồng hoa để dưới đất chứ có để trên trang ông Táo đâu mà quét vôi, sơn nước chi cho giá thành cao, ế là phải". Tận dụng chậu ế, đầu năm 2021, ông trồng bông giấy.

Bông giấy đủ sắc màu. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Mặc dù gia đình không có truyền thống trồng cây cảnh, nhưng đối với ông Chín Bình, đó là một niềm đam mê đặc biệt. Ông đã sử dụng diện tích đất từ trước sân chạy qua đường luồng (khoảng trống bên hông nhà) rồi chạy ra sau hè, trồng bông giấy. Sau thời gian học hỏi trên mạng và những người đi trước, không ít lần thất bại trong việc ghép cây, nhưng nhờ sự kiên trì mà đến nay, ông Chín Bình đã thành công và sở hữu khu vườn gần 300 chậu bông giấy ghép.

Những cây bông giấy thông thường sẽ chỉ có một màu duy nhất nên giá trị không cao lại ít người ưa chuộng. Do đó, để nâng giá trị cho cây, ông đã tiến hành ghép lên nhiều màu khác nhau trên cùng 1 cây như: trắng, đỏ, hồng, vàng, cam… Theo ông Bình, để đánh giá về giá trị của chậu bông giấy thì phải xem xét nhiều yếu tố như bộ gốc, dáng thế, độ tuổi và số lượng màu hoa được ghép trên cây. Có những cây lâu năm, dáng thế và hoa đẹp có giá lên đến một triệu đồng. Tuy nhiên, việc ghép cây cũng đòi hỏi kỹ thuật bởi không phải lúc nào việc ghép cũng thành công.

Nói về kỹ thuật ghép cây hoa giấy, ông Bình chia sẻ bí quyết "Tôi chọn cây ghép xong thì bỏ hết lá trên thân cây, sau đó tìm những nhánh nhỏ để ghép, cắt thân cây dạt xéo, nhánh ghép cũng dạt xéo tương tự rồi quấn băng keo lại, dùng ni lông bọc lại và buộc kín. Sau khoảng 10 ngày thấy nó ra chồi thì rút bọc ni lông ra, là bắt đầu nánh bông giấy tự sống".

Do đòi hỏi tính công phu nên việc ghép bông giấy rất ít người theo đuổi, cũng từ đó mà hiện nay các sản phẩm bông giấy ghép còn khá khiêm tốn. Ngoài những cây bông giấy giá vừa túi tiền vài trăm ngàn đồng đến gần một triệu đồng phù hợp với nhiều khách hàng lựa chọn.

Những cây bông giấy lâu năm, dáng thế và hoa đẹp có giá lên đến một triệu đồng. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Sau thời gian tham quan tại vườn và lựa chọn cho mình một cây hoa giấy ưng ý, ông Bùi Văn Tuấn một khách hàng ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) nhận xét "Trong sân vườn của ông Bình có rất nhiều bông giấy, đặc biệt là bông giấy ghép nhiều màu nhìn rất đẹp mắt, có nhiều loại, kích thước cũng đa dạng để người mua lựa chọn theo túi tiền của mình. Tôi cũng đi nhiều nơi, ở huyện Đồng Xuân chưa có vườn bông giấy đẹp như vườn bông giấy này. Thời gian gần đây bông giấy được nhiều người yêu thích và mua về trang trí trong không gian sống".

Giá trị kinh tế cao từ việc trồng bông giấy

Bông giấy được ông Bình mang ra chợ bán dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Dịp tết vừa qua, ông Bình bưng chậu bông giấy rực rỡ chở đến chợ Xuân Phước, thị trấn La Hai bán. "Ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 các loại hoa khác bán không chạy nhưng tôi vẫn bán được. Hàng trăm chậu bông giấy còn lại như "của để dành", giá trị của nó bèo lắm trên 50 triệu đồng, ở nhà quê khó làm ra số tiền như vậy", ông chia sẻ.

Những ngày qua, ông dùng dây kẽm chuyên dụng uốn nhánh theo ý người trồng, đồng thời dùng thanh tre buộc thành chùm, hình tháp nhọn cố định, có chậu dáng thác đổ thì ông “chống gậy” giúp cây tránh ngã đỗ, hư hỏng.

Ông Trần Huy Hoàng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Xuân Quang 3, nói "Ông Bình đam mê, không ngừng sáng tạo và tìm tòi học hỏi ghép bông giấy, bước đầu giúp ông thành công trong hướng đi của mình. Không chỉ góp phần kiếm thêm thu nhập cho gia đình mà công việc ghép bông giấy của ông còn tạo thêm nhiều sản phẩm độc đáo, đa dạng, phong phú, thu hút người yêu hoa"

Mạnh Hoài Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du xuân gieo mầm xanh

0
(SGTT) - Vườn Quốc gia Côn Đảo là điểm đến nổi tiếng với những bãi biển hoang sơ, bờ cát trắng mịn và những...

SeABank tặng 28.000 cây tràm cừ cho Khu bảo tồn Đất...

0
(SGTT) - Vừa qua, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã trao tặng 28.000 cây tràm cừ, với tổng kinh phí hơn 200...

Bức tranh vùng đất có hai núi Một ở Phú Yên

0
(SGTT) - Hai bên bờ sông Trà Bương, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên có hai núi Một. Núi Một thôn Phước Hòa, xã...

Du học sinh Lào chung tay bảo vệ môi trường trong...

0
(SGTT) - Ngày 24-7, Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á phối hợp với kí túc xá sinh viên Lào tại quận...

Ngắm ‘nghìn đảo trên non cao’ đẹp mơ màng trong sương...

0
(SGTT) - Hồ Tà Đùng thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Với cảnh sắc độc đáo, nơi đây được mệnh...

Đến Phú Yên, khám phá vẻ đẹp thanh bình ven sông...

0
(SGTT) - Sông Trà Bương hợp nguồn từ huyện Sơn Hòa chảy qua hai xã Xuân Phước, Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân, tỉnh...

Kết nối