(SGTT) – Tại TPHCM, cộng đồng người Hoa tập trung chủ yếu ở khu vực Chợ Lớn (quận 5, 6, 11). Theo đó, họ đạt được những thành công nhất định về kinh tế, thương mại bởi triết lý kinh doanh được truyền qua nhiều thế hệ.
- Quay về quá khứ với hơn 2.500 kỷ vật người Hoa Sài Gòn – Chợ Lớn
- Đi tìm 10 món ăn tiêu biểu của khu vực quận 5 – Chợ Lớn
- Ghé Chợ Lớn Kitchen trải nghiệm ẩm thực quận 5
Qua tìm hiểu, người Hoa bắt đầu sinh sống ở Sài Gòn từ năm 1698. Khi tướng Nguyễn Hữu Cảnh vào cai quản Gia Định (Nam bộ ngày nay), ông đã lập nên hai xã Minh Hương và Thanh Hà. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của người Hoa từ phong trào phản Thanh phục Minh (triều phong kiến xưa Trung Quốc) và người Hoa từ các vùng Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến...
Sau này, một bộ phận người Hoa từ Cù Lao Phố (thuộc Biên Hòa, Đồng Nai) vì nhiều lý do đã về định cư ở Chợ Lớn. Từ đây, khu Chợ Lớn mới phát triển mạnh mẽ hơn và là nơi tập trung nhiều người hoa sinh sống nhất tại Việt Nam.
Từ năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu đổi mới kinh tế, cộng đồng người Hoa cũng có những phát triển đáng chú ý trong lĩnh vực này. Họ có những nét văn hóa độc đáo, phải kể đến văn hóa trong kinh doanh góp phần đưa đến sự thành công. Nổi bật nhất là hai triết lý kinh doanh “buôn có bạn, bán có phường” và “giữ chữ tín”.
Bộ phim Thương nhân Chợ Lớn ghi lại hành trình chị Quang Mỹ Thiên (30 tuổi, nhà sáng lập Cholon Downtown) gặp gỡ các thương nhân để tìm hiểu hai triết lý kinh doanh của người Hoa. Chị Mỹ Thiên là một người trẻ mong muốn đem nét đẹp văn hóa của người Hoa tiếp cận gần hơn với giới trẻ hiện nay, thông qua các nền tảng mạng xã hội. Tìm hiểu về hai triết lý, chị cảm nhận được sự trân trọng, tâm huyết của những thương nhân đối với việc lưu giữ nghề.
Hiện tại, người Hoa đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền văn hóa kinh doanh truyền thống. Để có thể duy trì thương hiệu, các thương nhân Chợ Lớn đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ trẻ, người sẽ tiếp nối, phát triển những triết lý kinh doanh lâu đời này.
Nhóm OCT