Thứ năm, Tháng mười một 7, 2024

Trẻ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có thể tiêm cùng các loại vắc-xin khác được không?

(SGTT) -  Theo chuyên gia y tế, khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trẻ nên giữ khoảng cách ít nhất là 2 tuần để tiêm các loại vắc-xin khác. Mục đích giảm phản ứng cho trẻ khi tiêm cùng một lúc 2 loại vắc-xin khác nhau.
Đồng thời để tạo miễn dịch tối ưu nhất và hiệu quả phòng bệnh cao nhất, các bác sĩ cũng khuyến cáo trẻ cần được tiêm các loại vắc-xin như sởi, quai bị, rubella…  theo lịch hẹn sớm nhất giúp phòng ngừa các dịch bệnh nguy hiểm.

Hôm nay (27-10), Sở Y tế TPHCM bắt đầu tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em ở quận 1 và huyện Củ Chi. Việc khởi động này nhằm tổng kiểm tra, rà soát theo hướng dẫn Bộ Y tế. Khi việc tiêm chủng cho trẻ ở hai địa phương này diễn ra an toàn, nhịp nhàng, thành phố sẽ triển khai tiêm đại trà.

Dự kiến trẻ được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 trong vòng 5 ngày, tiêm vét trong 2 ngày. Khi trẻ đến hạn tiêm mũi 2, thành phố tiếp tục tiêm trong vòng 7 ngày; ưu tiên tiêm trước cho trẻ thuộc lứa tuổi 16-17 và sau đó hạ dần độ tuổi.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh cũng đang băn khoăn về các vấn đề liên quan đến tiêm chủng cho trẻ em. Trong đó có những câu hỏi lo lắng như “Trẻ em không may bị chó/mèo cắn, phải tiêm vắc-xin phòng dại thì có thể tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được không? Hoặc trẻ em tiêm vắc-xin ho gà, uốn ván, rubella trong vòng 5 ngày; vậy sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khoảng cách thời gian bao lâu thì có thể tiêm các loại vắc-xin khác một cách an toàn và bảo vệ bản thân của trẻ?

Giải thích về khoảng cách an toàn khi tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ và các loại vắc-xin khác, BS. CKII. Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), cho biết tiêm vắc-xin là một hình thức đưa kháng nguyên của virus vào cơ thể con người; từ đó cơ thể tạo ra được kháng thể, chống lại kháng nguyên của virus giúp bảo vệ cơ thể.

Theo BS Minh Tiến, về nguyên tắc khi tiêm chủng, khoảng cách tiêm vắc-xin sống giảm độc lực ít nhất tối thiểu cách nhau 1 tháng. Với các vắc-xin ngừa Covid-19 như hiện nay không thể sử dụng loại vắc-xin sống giảm độc lực. Vì loại vắc-xin này phải nuôi cấy nhiều lần, thậm chí có những tác nhân phải nuôi cấy 200 lần để giảm độc lực, do đó cần rất nhiều thời gian. Trong khi, hiện các nước phải nhanh chóng nghiên cứu và sản xuất vắc-xin để đẩy nhanh tiêm chủng, phòng chống đại dịch Covid-19.

“Tất cả các loại vắc-xin phòng Covid-19 như hiện nay không phải là vắc-xin sống giảm độc lực mà là vắc-xin bất hoạt, vắc-xin tiểu đơn vị hoặc cung cấp các loại vắc-xin qua các nguyên tắc tạo kháng nguyên trong và bên ngoài cơ thể để giúp cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại protein S”, BS Tiến cho biết.

Trẻ em vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 và lây bệnh cho người khác dù nguy cơ tử vong do Covid-19 thấp hơn nhiều so với người lớn. Việc tiêm vắc xin cho nhóm từ 12 tuổi trở lên để giúp trẻ giảm nguy cơ mắc Covid-19, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và không trở nặng. Ảnh: Xinhua

Theo nguyên tắc, “trẻ em có nhu cầu tiêm các loại vắc-xin khác thì vẫn có thể tiêm được”, BS Tiến nói và cho biết vấn đề khi tiêm vắc-xin, trẻ sẽ có những phản ứng tại chỗ (đau nhức, sưng phù ngay tại vị trí tiêm…), cũng như có thể liên quan đến vấn đề tiêm vắc-xin gây bội nhiễm.

Cho đến nay chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc tiêm đồng thời các vắc-xin khác với vắc-xin Covid-19 nhưng dữ liệu hiện tại cho thấy không có mối lo ngại nào về độ an toàn và tính hiệu quả khi tiêm đồng thời hoặc khoảng thời gian gần nhau.

Tuy nhiên, theo BS Tiến, “chúng ta nên giữ khoảng cách ít nhất là 2 tuần để tiêm các loại vắc-xin khác. Mục đích là giảm phản ứng cho trẻ khi tiêm cùng 1 lúc 2 mũi vắc-xin”.

Hiện nay, nhiều loại vắc-xin có thể ghép được vắc-xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 để tiêm trong 1 mũi. Việc làm này sẽ giảm đau, hạn chế tác dụng phụ khi tiêm nhiều mũi cùng một lúc, có thể gây ra phản ứng tại chỗ, cũng như phản ứng toàn thân.

BS Tiến khuyến cáo sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trẻ cần được theo dõi liên tục, không chỉ trong vòng 24, 48 và 72 giờ đầu tiên mà các bậc cha mẹ phải theo dõi khoảng 1 tuần. Vì trong 1 tuần đầu tiên, trẻ có thể xảy ra biến chứng nhưng tỷ lệ rất thấp như biến chứng viêm cơ tim ở trẻ sau khi tiêm vắc-xin Covid-19.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19, nhiều trẻ đã bị trễ lịch tiêm chủng, điều này khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng trẻ em không đủ sức miễn dịch để bảo vệ sức khỏe. Để tạo miễn dịch tối ưu và hiệu quả phòng bệnh cao nhất, chuyên gia y tế khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần chủ động tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ những vắc-xin phòng các bệnh như viêm màng não, sởi, quai bị, rubella, bạch hầu, ho gà, uốn ván… nhằm tăng khả năng bảo vệ cơ thể và chặn đứng các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng do trì hoãn lịch tiêm chủng.

Minh Thảo

Sài Gòn Tiếp Thị thông qua chuyên mục “Thắc mắc mùa dịch” sẽ là cầu nối để bác sĩ, chuyên gia y tế giải đáp các thắc mắc từ bạn đọc một cách nhanh chóng và chính xác. Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp hãy bình luận (comment) ngay dưới các bài viết thuộc chuyên mục này hoặc gửi mail về cho chúng tôi qua email admin@sgtiepthi.vn, hoặc gửi câu hỏi qua fanpage của báo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y...

0
Tối ngày 5-5 (giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại...

Kết nối