(SGTT) – Trong khi người Việt chuẩn bị đón cái Tết Nguyên đán thì cũng như nhiều nơi khác ở châu Á khác, Hồng Kông cũng đón Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, xứ “Cảng thơm” có những truyền thống rất riêng trong dịp lễ lớn này.
Ăn cá cho sung túc
Giống như người Việt, người Hồng Kông cũng có các món ăn dịp Tết Nguyên đán, giúp mang đến may mắn cho cả năm. Theo đó, trong bữa chính, người Hồng Kông ưa chuộng các món ăn làm từ cá bởi vì từ “cá” trong tiếng Quảng Đông tương tự như từ “dư”, có nghĩa là sung túc dồi dào. Một số món ăn làm từ cá có thể kể đến như cá khói kiểu Giang Tô, cá hầm Quảng Đông, cá kho rau dền…
Một món ăn đặc biệt khác dịp Tết Nguyên đán tại Hồng Kông là “poon choi”. Để chế biến đặc sản này, mỗi thành viên trong gia đình đóng góp một nguyên liệu, có thể là thịt lợn, măng, hàu hay bào ngư. Các nguyên liệu này sau đó được xếp thành từng lớp khi trình bày. Hành động đóng góp nguyên liệu tượng trưng cho tình đoàn kết của các thành viên trong gia đình.
Bên cạnh đó, những món ăn nhẹ ngày Tết ở đây cũng rất giàu ý nghĩa tượng trưng. Chẳng hạn như quýt (sự thành công), nin gou - bánh nếp (sự phát triển), tang yuan- canh bột gạo nếp (sum họp), bánh bao chiên (thịnh vượng) , bánh quy mè (hạnh phúc).
Chưng hoa lan cho thịnh vượng
Nếu người Việt Nam trang trí nhà cửa bằng hoa đào hoặc hoa mai thì người Hồng Kông yêu chuộng hoa lan. Ở Hồng Kông, hoa lan được coi là biểu tượng cho gia đình “nhiều con” hoặc sự sinh sôi và thịnh vượng. Hoa lan cũng mang lại sự sang trọng cho ngôi nhà.
Một số loài hoa và cây có ý nghĩa khác cũng được người Hồng Kông ưa chuộng bao gồm cây quýt (sự đơm hoa kết trái, lương thiện, thịnh vượng và may mắn), mẫu đơn (thịnh vượng), đào (lãng mạn và trường thọ), cúc (trường thọ). Những loài hoa và cây mùa xuân đều bày bán tại chợ hoa nổi tiếng Hồng Kông ở khu Prince Edward (quận Cửu Long). Là một trong những khu chợ đường phố rực rỡ và huyên náo nhất Hồng Kông, chợ hoa ở Cửu Long, nơi muôn loài hoa đua nhau khoe sắc, là nơi người dân sống ở đây và du khách có thể cảm nhận được sự tươi mới và sức sống của mùa xuân. Trước Tết Nguyên đán, các gia đình đến đây để thưởng lãm hoa, thư giãn sau một năm làm việc vất vả và mang về nhà một vài cành hoa ưng ý.
Không chỉ có hoa, trên tường hoặc bên ngoài cửa chính, người dân ở đây thường treo Fai Chun - những bức thư pháp mang bao ước vọng của gia chủ. Người ta thường viết lên Fai Chun những lời chúc may mắn, phú quý hoặc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Truyền thống này cũng tương tự như phong tục xin và treo câu đối đỏ của người Việt Nam vậy.
Một số gia đình còn treo đèn lồng đỏ để thu hút năng lượng may mắn vào nhà. Truyền thuyết kể rằng màu đỏ - màu của lửa là khắc tinh của con quái vật “Nian” thường phá hoại mùa màng, ăn thịt vật nuôi và dân làng.
Chạy ba vòng quanh cây hoa đào
Truyền thống Hồng Kông cũng có những điều cần tránh trong ngày mồng 1 Tết, tương tự như ở Việt Nam.
Dịp Tết Nguyên đán, người dân ở đây tránh mua giày hoặc sách mới vì từ “giày” đồng âm với từ "hung" và từ “sách” đồng âm với từ "mất", đều là những điều không tốt trong khi với người Việt, mua sách, đọc sách, đọc báo Tết đầu năm lại ngược lại.
Những ai còn độc thân mong muốn gặp được nửa kia trong năm mới có thể chạy ba vòng quanh một cây hoa đào lớn đang nở rộ để kích hoạt vận may tình cảm.
Các truyền thống khác ở Hồng Kông tương tự như ở Việt Nam như vệ sinh nhà cửa trước đêm giao thừa, mặc đồ đỏ, không cắt tóc, dọn dẹp sau Tết Nguyên đán…
Tết Nguyên đán là thời điểm để các thành viên trong gia đình và bạn bè quây quần bên nhau, chia sẻ với nhau về một năm đã qua. Tuy nay đã là một trong những điểm đến hiện đại của thế giới, Hồng Kông vẫn duy trì những truyền thống văn hóa dịp Tết Nguyên đán như một cách để người dân nâng niu cội nguồn và các di sản quý giá của họ.
Tâm Lê