Ở Việt Nam, nhiều người thường nghĩ nghe nhạc là chuyện “dễ như ăn kẹo” và không phải tốn tiền. Thế nhưng cũng có người mỗi tháng chịu tốn thêm vài chục ngàn chứ không sử dụng dịch vụ miễn phí. Không phải họ có vấn đề, mà đơn giản đó là một trải nghiệm khiến bạn không thể quay về chế độ “nghe chùa” được nữa.
Lý do thu phí
Khi chưa có Internet, việc nghe nhạc chủ yếu qua băng, đĩa mua từ các cửa hàng băng đĩa nhạc. Nguồn thu từ việc bán băng, đĩa này được xem như “tiền bản quyền” mà người nghe trả cho ca sĩ, nhạc sĩ để sở hữu một sản phẩm âm nhạc chất lượng cho riêng mình. Internet xuất hiện đã khiến ngành sản xuất băng đĩa nhạc đau đầu vì tình trạng xâm phạm bản quyền. Bởi, mọi người chỉ cần lên mạng là có thể tìm và nghe được các ca khúc yêu thích, vốn do những người đã sở hữu trước đó tự tải lên các kênh chia sẻ nhạc.
Năm 2012, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã có quyết định mạnh tay hơn trong việc thu phí bản quyền. Một số trang chia sẻ âm nhạc lớn bắt đầu mở song song hai dịch vụ nghe nhạc miễn phí và thu phí – điều này thì thế giới đã làm từ rất sớm. Số tiền thu được từ việc mua nhạc trên trang sẽ được trích một phần để chi trả bản quyền cho nghệ sĩ. Ban đầu do tâm lý thích dùng miễn phí nên đã không được nhiều người hưởng ứng, nhưng sau một thời gian, lượng tài khoản VIP (trả phí hàng tháng) tăng lên rõ rệt.
Trải nghiệm “không thể quay đầu”
Đầu những năm 2000, thời “nhạc chùa” còn phổ biến với máy nghe nhạc mp3, người nghe phải ra các tiệm Internet để tải nhạc về rồi lưu vào máy. Tìm trang web cho tải miễn phí và nhanh đã khó; tìm file nhạc “tử tế” còn khó hơn bởi có khi tải bài này nhưng lại ra bài nọ, nghe được nửa bài thì… hết, giữa bài có giọng quảng cáo “Bạn đang nghe nhạc tại website…”. Những thứ như bản nhạc chất lượng cao 128 Kbps trở lên, đầy đủ thông tin ca sĩ, album là điều quá xa xỉ. Nhưng ngày nay, người nghe sẽ dễ dàng tìm thấy bài hát mình cần ở chất lượng tốt chỉ sau vài giây tìm kiếm. Và cũng giống như sau ăn no là ăn ngon, nghe nhạc không bị “sạn” rồi thì người ta còn muốn nghe nhạc chất lượng cao hơn nữa.
Những người ghiền nhạc đã dần biết đến dịch vụ nghe nhạc có thu phí Spotify, với lượng người dùng áp đảo toàn cầu. Khi Spotify chưa hoạt động chính thức tại Việt Nam, khá đông người yêu nhạc đã tìm cách để sử dụng nó, dù là không dễ dàng.
Những tính năng thu hút người nghe ở dịch vụ này là tốc độ tải và cập nhật bài mới nhanh, chỉ vài giây đã có thể tìm và phát chính xác bài nhạc người nghe đang cần, bài mới lên sóng ngay khi nghệ sĩ phát hành. Spotify còn hợp tác với nghệ sĩ để tạo ra những bản thu độc quyền, tăng lượng tương tác giữa họ với khán giả. Nên dù nguồn thu bản quyền không nhiều, nghệ sĩ vẫn cộng tác với Spotify bởi đó là cách rẻ nhất, nhanh nhất lôi kéo người nghe nhạc. Khả năng gợi ý, tìm đúng “gu” nhạc của người thường sử dụng dịch vụ này cũng khá ổn.
Tuy vậy, gói nghe nhạc miễn phí của Spotify cũng như nhiều dịch vụ cung cấp âm nhạc khác đều kèm theo khá nhiều quảng cáo, một số bài “hot” sẽ không cho nghe với gói này. Chất lượng âm thanh tối đa chỉ là 96 Kbps hoặc 160 Kbps trên thiết bị di động, 160 Kbps trên trang web và máy tính.
Ngược lại, nếu chi trả mức phí 59.000 đồng/tháng (tương đương một ly trà sữa) – mức phí rất rẻ so với thế giới là 10 đô la Mỹ/tháng, nghĩa là hơn 200.000 đồng – là bạn có thể thả mình nghe nhạc mượt mà, không quảng cáo, nghe trực tuyến lẫn ngoại mạng với bất kỳ bài hát nào có trong kho nhạc, trong khi chất lượng từ 320 Kbps trở lên. Cũng phải nói thêm, nghe nhạc ở chất lượng 128 Kbps khác rất nhiều so với 320 Kbps – về tốc độ, độ mượt mà và sống động.
Ở Việt Nam, một số trang như Nhaccuatui.vn, Mp3.zing.vn… cũng có những tính năng này. Gói VIP của Zing sẽ loại bỏ hoàn toàn quảng cáo, cho phép tải nhạc không giới hạn, nghe và xem video ca nhạc chất lượng cao chỉ với 30.000 đồng/tháng. Gói VIP của Nhaccuatui.vn cũng đem lại những tiện ích tương tự, kèm theo giá ưu đãi cho người dùng muốn mua gói dịch vụ theo quý hay năm.
Một khi đã sử dụng gói có trả phí, người dùng thường rất khó chịu khi quay lại gói miễn phí bởi những “ổ gà” làm tuột cảm xúc khi thưởng thức nhạc. Ở góc độ kinh doanh, việc trả một khoản phí để mua sự thoải mái thưởng thức âm nhạc rõ ràng là giao dịch sòng phẳng cần có giữa nghệ sĩ và khán giả, nhằm giúp họ có thể tái đầu tư cho sản phẩm tiếp theo.
Hà Bi