Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Trải lòng của các HDV du lịch về chiếc ghế dành cho mình

(SGTT) - "Nhiều người mặc định hướng dẫn viên phải ngồi ghế phụ, ghế xếp nhưng thực tế chúng tôi không có nghĩa vụ về điều này", HDV Mai Hữu Khôi chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị.

Anh Mai Hữu Khôi, 36 tuổi, sống tại TPHCM, gắn bó cuộc đời mình với nghề hướng dẫn ngót nghét cũng được 14 năm. Cứ mỗi lần dẫn tour phải ngồi ghế phụ do khách đông, hay có bất kỳ khách nào cảm thấy không khỏe xin anh ngồi ở vị trí đáng lý ra là của mình, anh chỉ biết ngậm ngùi chấp nhận để chuyến đi suôn sẻ. Và có khi từ ngày đầu đến ngày cuối của tour, nhân vật được cho là linh hồn của tour chỉ biết hết đứng, hoặc đến ngồi ngay chiếc ghế phụ trên xe.

Chiếc ghế phụ (ghế dành cho phụ xe) đã quá quen thuộc với anh em hướng dẫn viên. "Nhiều người mặc định đây là ghế dành cho chúng tôi, nhưng thực tế không phải vậy. Điều này một phần do các công ty tour chuyên bán khách lẻ, thường bán luôn 4 ghế đầu cho khách, hoặc khách yêu cầu được ngồi vì lý do say xe, ngắm cảnh. Công ty thì muốn được lòng khách, nên thường mặc kệ hướng dẫn viên chúng tôi tự tìm chỗ ngồi. Vì vậy, nhiều lúc, chúng tôi đành ngồi ghế phụ, ghế xếp, thậm chí là ngồi trên thùng rác...", anh Khôi trải lòng về nghề.

Người giữ lửa cho tour xứng đáng được tôn trọng thật sự, theo lời anh Mai Hữu Khôi, hướng dẫn viên 14 năm kinh nghiệm. Ảnh: NVCC

Ngồi ở vị trí đó chúng tôi thật sự không thoải mái kể cả về tinh thần lẫn ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là những tour đi đêm thậm chí nguy hiểm đến tính mạng do không gian chật chội, khó thoát hiểm khi có sự cố, anh Khôi nói thêm.

Để minh chứng cho điều này, anh kể lại vụ tai nạn xảy ra ngày 5-8. Xe chở 48 hành khách từ Cần Thơ đi Nha Trang để du lịch, nhưng đến km28, QL1, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, thì xảy ra tai nạn. Trong 28 người bị nạn, chàng hướng dẫn viên trẻ của tour đó đã không còn được nhìn thấy bàn chân trái nguyên vẹn của mình nữa. Một trong những lý do dẫn đến tai nạn thương tâm và tàn tật suốt đời cho hướng dẫn viên là ngồi chiếc ghế dành cho phụ xế.

Trên thực tế, nhiều đoàn có số lượng khách chỉ lấp 3/4 xe nhưng công ty vẫn bán luôn ghế đầu, sau đó xác nhận với khách số ghế khi bán tour nên hướng dẫn viên luôn trong trạng thái bị động. Ngoài ra, nhiều công ty đặt ưu tiên chiếc ghế đó cho trưởng đoàn, phó đoàn, rồi đến người thân của họ.

"Cũng có khi hướng dẫn viên đã ngồi ở ghế đầu, song khi rời ghế để cầm micro thuyết minh, khách thấy ghế trống nên vô tư "chiếm chỗ". Khi chúng tôi mời khách về vị trí ban đầu, người chịu chuyển chỗ, người không chịu, thậm chí gọi về công ty than phiền rằng hướng dẫn viên tỏ ra "thái độ" với họ. Khi ấy, chúng tôi buộc phải chịu lỗi là không nhường khách", anh Khôi bộc bạch.

Đối với xe đi ban ngày thì còn tạm chấp nhận, còn đi đêm, anh Khôi không dám ngủ vì cảm thấy không an toàn, dù biết thức xuyên đêm thì buổi sáng sẽ lờ đờ, khó làm tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, nhiều tài xế cũng không thông cảm. Vì vậy, anh cũng phải tranh thủ ngủ một ít, rồi đến khoảng 1:00 sáng dậy, trò chuyện với tài xế để họ không buồn ngủ.

"Dù không đánh đồng hết tất cả nhưng tôi mong muốn du khách và các công ty lữ hành không mặc định anh em hướng dẫn viên phải ngồi ghế xếp hoặc ghế phụ. Hãy bố trí cho chúng tôi vị trí ghế đầu an toàn, để chúng tôi có sức khỏe hoàn thành công việc, chứ không vì mưu sinh hay giữ thể diện cho khách hàng hay công ty mà đánh cược sức khỏe, tính mạng của mình", anh Khôi giải bày.

Anh Lư Mê Li (thứ tư, từ phải sang) cùng các đồng nghiệp trên tour. Ảnh: NVCC

Là một hướng dẫn viên kinh nghiệm 12 năm, cũng là đại diện công ty Vietguide, anh Lư Mê Li, khẳng định hướng dẫn viên nào khi làm việc trên xe cũng mong muốn có chỗ ngồi tốt nhất. Với họ, ghế đầu tiên là vị trí tốt nhất vì gần tài xế để dễ trao đổi công việc, linh hoạt sắp xếp trong những trường hợp cần xử lý nhanh. Khi ngồi ghế trên gần micro nhất nên có thể cầm hay điều chỉnh tốt nhất.

Hơn nữa, vị trí này quan sát tốt nhất về cảnh quan, điểm đến, tình hình giao thông để có sự chuẩn bị tốt nhất, giữ không gian riêng tư cho khách vì dù sao khách và hướng dẫn viên cũng là người mới quen biết. Đây cũng là vị trí mà hướng dẫn viên dễ lên xuống xe và di chuyển trong thời gian ngắn nhất.

Trong trường hợp có sự cố hay trường hợp xấu xảy ra, một người nhanh nhạy và thường ít ngủ như hướng dẫn viên sẽ dễ dịch chuyển và hỗ trợ khách. Một lý do tế nhị khác nữa là nếu để khách ngồi vào vị trí đó, có khi họ sẽ làm bác tài phân tâm vì hay nói chuyện to tiếng hoặc thực hiện những cuộc gọi riêng tư.

Anh Li bày tỏ, nếu khách nào cũng hiểu được tầm quan trọng của chiếc ghế dành cho hướng dẫn viên sẽ không có trường hợp hướng dẫn viên phải ngồi ghế phụ hay ngồi trên thùng rác.

"Sau vụ tai nạn hồi đầu tháng 8, chúng tôi mong đợi quý công ty lữ hành và khách hàng hiểu đúng về vị trí ghế ngồi của họ và vai trò thực sự của những người được cho là ngọn lửa của một cuộc hành trình", anh Li tâm sự.

Thanh Thu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngắm hoàng hôn trên quảng trường ‘sông bốn mặt’ ở Campuchia

0
(SGTT) - “Quảng trường sông bốn mặt là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia”, nhiếp ảnh gia...

Kinh nghiệm đi cắm trại gần TPHCM vào cuối tuần

0
(SGTT) - Những ngày nghỉ cuối tuần, anh Võ Công Danh phượt một mình vào rừng sâu và hạ trại để tìm cảm giác...

Băng rừng, vượt núi chinh phục ‘một thế giới khác’ ở...

0
(SGTT) - Giữa tháng 11-2022, nhóm 5 người của anh Trần Linh đã có chuyến đi bốn ngày ba đêm cùng nhau khám phá...

Vườn Nong Nooch, điểm check-in độc đáo tại Thái Lan 

0
(SGTT) -  Sau khi vườn thú lớn nhất Thái Lan, Sriracha Tiger Zoo đóng cửa vĩnh viễn, vườn thực vật Nong Nooch trở thành...

Đến Đài Loan, khám phá vẻ đẹp kỳ thú của công...

0
(SGTT) - Với những hình thù kỳ lạ của các mỏm đá như nấm, nến, chiếc hài, đầu rồng... công viên địa chất Dã...

Vi vu đất Thái, phải thử sườn cay

0
(SGTT) - Sau Covid-19, Thái Lan là lựa chọn quay lại của nhiều khách Việt. Đặc biệt, nhiều du khách truyền tai nhau “lần...

Kết nối