(SGTT) - Nhằm tiếp nhận, phân loại người bệnh Covid-19 theo đúng mức độ lâm sàng, UBND TPHCM vừa có quyết định tổ chức lại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 14 thành Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 trực thuộc Sở Y tế.
- TPHCM: Nhu cầu nhân lực tăng cao trong đầu năm 2022
- Sắp hết tình trạng rao bán thuốc phòng, điều trị Covid-19 với giá “cắt cổ”
Theo Sức khỏe & Đời sống, Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 trực thuộc Sở Y tế từ ngày 15-12-2021 với tên gọi là Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14, có địa chỉ tại khu đất số 2 đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú.
Về quy mô, bệnh viện có sức chứa 1.600 giường bệnh, trong đó: 600 giường hồi sức tích cực; 1.000 giường thu dung, điều trị người bệnh không có triệu chứng và mức độ nhẹ, vừa, nặng với 1.350 nhân viên y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính khác.
Cũng theo quyết định trên, Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 được xếp hạng I theo hạng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, sử dụng danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Sở Y tế bổ sung các kỹ thuật cần thiết.
Ba doanh nghiệp sản xuất thuốc có hoạt chất Molnupiravir được đề xuất cấp giấy đăng ký lưu hành
Tối 5-1, Bộ Y tế đã có thông tin về Phiên họp Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế về hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc Molnupiravir. Theo đó, dựa trên nội dung cuộc họp chiều cùng ngày, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế đồng ý đề xuất Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir có chỉ định điều trị Covid-19.
Theo đó, một số tiêu chí để doanh nghiệp sản xuất thuốc điều trị Covid-19 có chứa hoạt chất Molnupiravir được cấp phép là phải thực hiện kiểm tra chất lượng nguyên liệu đạt yêu cầu trước khi sản xuất; cơ sở sản xuất phải tiếp tục theo dõi, kiểm tra chất lượng thuốc hàng tháng sau khi được cấp giấy đăng ký lưu hành.
Ngoài ra, cần nghiên cứu độ ổn định của thuốc và nộp dữ liệu nghiên cứu, hồ sơ cập nhật hạn dùng để thẩm định theo hướng dẫn. Đối với các hồ sơ chưa được duyệt thì cần bổ sung một số yếu tố nêu trên để hội đồng xem xét cấp phép khi đủ điều kiện.
Liên quan đến thuốc Molnupiravir, đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ hơn 300.000 liều cho 51 địa phương đang triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát cho F0 mắc Covid-19 thể nhẹ tại cộng đồng.
Sáng 6-1: Hơn 1,43 triệu ca Covid-19 đã khỏi bệnh
Theo bản tin sáng 6-1 của Bộ Y tế, kể từ khi dịch lần 4 bùng phát đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi bệnh cho 1.433.229 trong tổng số 1.811.863 ca mắc Covid-19. Nếu tính luôn từ khi có đại dịch Covid-19 tại nước ta thì cả nước ghi nhận 1.817.721 ca mắc.
Về các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TPHCM (505.971), Bình Dương (291.127), Đồng Nai (98.286), Tây Ninh (79.699), Hà Nội (56.735). Đáng lưu ý, Hà Nội là địa phương có số ca mắc liên tục tăng và hiện là một trong năm tỉnh, thành có số ca F0 cao nhất cả nước.
Liên quan đến các ca nặng đang điều trị theo thống kê sơ bộ cho thấy có 6.257 ca, trong đó, thở oxy qua mặt nạ là 4.364, thở oxy dòng cao HFNC là 938, thở máy không xâm lấn là 141, thở máy xâm lấn là 795 và điều trị ECMO là 19 ca. Số ca tử vong tính đến nay là 33.475 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca mắc.
Phúc An tổng hợp