(SGTT) - Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại TPHCM, trong khi số lượng học sinh tăng cao với hơn 21.000 học sinh nhưng các cơ sở giáo dục lại thiếu hụt giáo viên dạy chương trình giáo dục mới, cũng như đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất dạy học.
- Năm học mới, TPHCM tăng gần 22.000 học sinh nhưng thiếu giáo viên
- Hơn 300.000 học sinh đầu cấp tại TPHCM tựu trường bước vào năm học mới
- Bản tin 360 độ sống khỏe: Nỗi lo “dịch chồng dịch” khi học sinh tựu trường năm học mới
Gặp khó về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất
Ngày 25-8, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết về tình hình cơ sở vật chất trường lớp, một số vẫn đang gặp khó khăn về áp lực tăng dân số dân số tăng cao nên số trường và số phòng học chưa đủ đáp ứng triển khai dạy học hai buổi/ngày cho tất cả học sinh.
Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia gặp nhiều khó khăn, nhất là khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, nhiều đơn vị gặp khó khăn về trang thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mới. Điều này ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngoài ra, quá trình xây dựng các trường ngoài công lập nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục gặp nhiều khó khăn do các địa phương thiếu quỹ đất, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều vướng mắc.
Về hoạt động dạy học của trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn thành phố, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho rằng các trung tâm vẫn chưa có tinh thần tự giác, cũng như ý thức chấp hành quy định pháp luật ở chưa tốt.
Cụ thể, một số trung tâm chưa quan tâm đến nâng cấp cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đặc biệt là những lao động người nước ngoài. Nội dung quảng cáo chưa đúng theo giấy phép được cấp. Nguyên nhân của tình trạng này là do các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh để chấn chỉnh những sai phạm của các trung tâm ngoại ngữ, tin học khi vi phạm, địa bàn rộng nên chưa kịp thời nắm bắt các sai phạm của các trung tâm.
Đánh giá về tình hình năm học 2021-2022, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, hiện thành phố đã có nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, chăm lo đời sống cho giáo viên, nhân viên ngành giáo dục. Đặc biệt, công tác tuyển dụng giáo viên đã có nhiều đổi mới.
Tuy nhiên, trong năm học vừa qua, công tác tuyển dụng giáo viên vẫn còn chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên; trong đó thiếu các giáo viên dạy môn tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật. Tỷ lệ giáo viên tại các lớp vẫn chưa đủ đáp ứng theo quy định, nhất là đối với loại hình học tập 2 buổi/ngày, ông Nam cho biết.
Đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục
Đối với thực trạng thiếu nguồn nhân lực trong dạy học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục thành phố nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.
Ngành giáo dục thành phố còn chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cùng với đó, ngành giáo dục tiếp tục vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực học sinh, tiếp tục mở rộng mô hình “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”; tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo.
Trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục tiếp tục phát triển các kho học liệu số dùng chung toàn ngành gồm bài giảng điện tử, bài giảng trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác, phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho tất cả các môn học của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Minh Thảo