Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

TPHCM: Gần 50.000 học sinh, giáo viên nghi nhiễm Covid-19 trong 2 tuần đi học trở lại

(SGTT) - Theo lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM, sau dịp Tết Nguyên đán đến nay, số ca nghi nhiễm Covid-19 trong ngành giáo dục trên địa bàn đang có dấu hiệu tăng dần.
Số ca Covid-19 tăng cao, trẻ mầm non chưa thể đến trường

Ngày 4-3, Ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân TPHCM đã có buổi họp với Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM, Sở Y tế TPHCM, phòng giáo dục và trường học về công tác tổ chức dạy học trực tiếp trong thời gian vừa qua trên địa bàn.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM, cho biết từ ngày 18-2 đến 4-3, số học sinh đi học trực tiếp có tăng. Cụ thể với bậc học mầm non có 2.584/3.028 trường, mẫu giáo, lớp/nhóm mầm non, mẫu giáo độc lập tổ chức dạy trực tiếp (85,34%) với số trẻ đến trường đạt 70,51%.

Ngoài ra, khối tiểu học có 510/510 trường dạy học trực tiếp với số trẻ đến lớp đạt 96,01%; Bậc THCS có 285/285 trường dạy học trực tiếp với số học sinh đến lớp đạt 96,89%, khối THPT có 203/203 trường dạy học trực tiếp với 98,93% học sinh đến lớp.

Lý do một số trường thuộc khối mầm non chưa tổ chức dạy trực tiếp vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo và nhân sự chưa đủ, đặc biệt ở trường mầm non ngoài công lập. Số học sinh đến lớp học trực tiếp chưa đạt 100% do phụ huynh chưa đồng thuận; nhiều em chưa trở lại TPHCM và bị F0, F1.

Buổi họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu của các cơ sở giáo dục ở TPHCM.

Về ca nghi nhiễm trong trường khi tổ chức học trực tiếp từ sau Tết Nguyên đán đến nay, ông Trịnh Duy Trọng cho biết, số ca nghi nhiễm trong ngành giáo dục TPHCM từ ngày 7-2 đến 4-3 tăng dần.

Số cán bộ, giáo viên, nhân viên nghi nhiễm Covid-19 là 3.689 ca, phát hiện tại trường 381 ca. Số học sinh nghi nhiễm là 45.380 ca, phát hiện tại trường 2.160 ca.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn như cơ sở y tế nhiều nơi không phối hợp kịp thời trong việc kiểm soát dịch tại các trường. Phần lớn các trường khó khăn về thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch, xử lý tình huống khi có ca nghi hoặc đã nhiễm và tầm soát F1 trong trường học.

Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM đã phối hợp Sở Y tế TPHCM cấp kit xét nghiệm nhanh đợt 1 về các trường công lập, nhưng chỉ được dùng để tầm soát F0. Việc xét nghiệm cho F1 vẫn còn là vấn đề lớn, vì nhiều nơi y tế cơ sở chưa thực hiện đúng theo quy định việc sử dụng kít xét nghiệm của cơ sở y tế để xét nghiệm F1.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM, hiện một số trường thuộc khối mầm non tại TPHCM chưa tổ chức dạy trực tiếp vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo và nhân sự chưa đủ. Ảnh: Minh Thảo
Đề xuất nhân viên y tế trường học được chủ động lấy mẫu

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, từ ngày 7-2 đến 2-3,  các địa phương có số học sinh và giáo viên nghi nhiễm F0 cao nhất, gồm quận 1 (4.005 ca), Bình Thạnh (3.483 ca), thành phố Thủ Đức (3.303 ca), quận 12 (3.222 ca) và quận Tân Phú (2.871 ca).

Số lượng và tỷ lệ ca nghi nhiễm gặp nhiều ở nhóm học sinh khối THPT, THCS và tiểu học. Tổng số trường hợp nghi nhiễm F0 ở học sinh chung toàn thành phố trong 2 tuần là 2,3%.

Biểu đồ ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 hằng ngày tại trường học. Nguồn: Sở Y tế TPHCM

Sở Y tế TPHCM cũng nêu khó khăn hiện nay là số ca nghi F0 tại trường học gia tăng. Số trường học trên địa bàn xã, phường khá nhiều đã tạo áp lực công việc cho trạm y tế trong việc theo dõi F0, F1 và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Một số trường có sĩ số học sinh quá đông trong một lớp cũng khiến công tác phòng dịch khó đảm bảo. Ngoài ra, phụ huynh thực hiện xét nghiệm tầm soát cho các học sinh không có triệu chứng, dẫn đến lãng phí nguồn lực để xử lý những trường hợp dương tính giả.

Từ tình hình trên, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đề xuất Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM cùng tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát chủ động và thực hiện các quy trình xử lý các trường hợp nghi nhiễm F0 trong trường học.

Các cơ sở giáo dục cần tăng cường các biện pháp truyền thông cho phụ huynh học sinh; đảm bảo việc báo cáo kịp thời cho Sở Y tế thành phố về những trường hợp cần hỗ trợ đặc biệt. Chẳng hạn như chùm ca F0 hoặc những trường hợp bệnh nhi cần nhập viện chăm sóc y tế… để Sở Y tế có cơ sở và thông tin, chủ động thực hiện các biện pháp xử lý dịch và điều trị kịp thời.

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cũng đề xuất nhân viên y tế trường học được chủ động tham gia phòng chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm và hỗ trợ trạm y tế xử lý dịch tại trường học.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bộ Y tế lo ngại bệnh truyền nhiễm tăng cao trước...

0
So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số ca mắc ho gà tăng hơn 25 lần... Bộ...

Hà Nội: Bế mạc giải bóng đá dành cho học sinh...

0
(SGTT) - Ngày 18-8-2024, tại TP Hà Nội đã diễn ra lễ bế mạc giải bóng đá Grifted Students Cup 2024, giải đấu dành...

Nhu cầu xe đạp, xe máy điện của học sinh, người...

0
(SGTT) - Doanh thu của các cửa hàng phân phối xe máy, xe đạp điện trong năm nay có sự tăng trưởng tích cực...

Khắc phục việc quên học sinh trên xe đưa đón: sao...

0
(SGTT) - Năm 2019, một học sinh tiểu học ở Hà Nội đã thiệt mạng vì bị bỏ quên trên xe đưa đón. Hôm...

Trường dạy nghề gặp khó trong nỗ lực ‘theo kịp’ thị...

0
(SGTT) – Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM đang gặp không ít vướng mắc trong quá trình xây...

‘Cối xay gió’ của một thầy giáo dạy văn

0
(SGTT) -  Bộ phim “Thầy dạy thay” cho thấy cuộc chiến đơn độc của một thầy giáo dạy văn trong thời hiện đại. Cuộc...

Kết nối