(SGTT) - Dựa trên Nghị quyết 60-NQ/TW, TPHCM đề xuất sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn hiện tại thành 102 đơn vị hành chính cấp xã mới, bao gồm 78 phường và 24 xã, giảm 171 đơn vị.
- Sau sắp xếp, TPHCM dự kiến còn 80 phường
- Tên gọi và trung tâm chính trị – hành chính dự kiến của 34 tỉnh, thành sau sáp nhập

Tối 15-4, Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy TPHCM thông tin về kết quả Hội nghị lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, thanhuytphcm.vn đưa tin.
Hội nghị đã thảo luận, thông qua nhiều nội dung quan trọng về tổ chức bộ máy chính quyền, đảng bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính, hướng đến mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Ban Thường vụ Thành ủy đã trình hội nghị dự thảo đề án sáp nhập TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm sắp xếp đơn vị hành chính theo định hướng Trung ương.
Theo đề án, sau sắp xếp, TPHCM mới có diện tích 6.772,65km², dân số hơn 13,7 triệu người với 168 đơn vị hành chính trực thuộc; toàn bộ có 22.878 cán bộ, công chức và 132.110 viên chức. Ngoài ra, thành phố sau sáp nhập sẽ có tổng cộng 168 đơn vị hành chính gồm 102 xã, phường của TP HCM, 36 từ Bình Dương và 30 của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM mới sẽ hợp nhất đại biểu của ba địa phương và hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026, có 4 ban chuyên môn. Kỳ họp đầu tiên do một triệu tập viên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định chủ tọa.
HĐND cấp xã tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ; Chủ tịch HĐND do Thường trực HĐND thành phố chỉ định. Các phường của TPHCM vẫn không tổ chức HĐND phường theo Nghị quyết 131. Việc tổ chức HĐND nhiệm kỳ tới sẽ theo luật mới.
UBND TPHCM sẽ thực hiện theo Nghị quyết 60-NQ/TW, tổ chức 15 sở và cơ quan tương đương. Một số cơ quan được sắp xếp lại như chuyển Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Dương về Sở Ngoại vụ TPHCM; giải thể Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Dương, chuyển nhiệm vụ về Sở Xây dựng TPHCM; sáp nhập các đơn vị sự nghiệp tương đồng; tạm thời giữ nguyên doanh nghiệp, quỹ nhà nước.
Ở cấp huyện, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và trường chuyên biệt chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo; trung tâm văn hóa, thư viện, nhà thiếu nhi, ban quản lý chợ và công viên chuyển về UBND cấp xã nơi trú đóng.
Đài truyền thanh sáp nhập với trung tâm văn hóa huyện; Ban bồi thường giải phóng mặt bằng chuyển về Sở Nông nghiệp và Môi trường; Ban quản lý dự án khu vực chuyển về UBND thành phố; Ban quản lý bến xe về Sở Xây dựng; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp về Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Ban Thường vụ Đảng ủy UBND thành phố trình dự thảo phương án thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Cấp tỉnh TPHCM gồm HĐND và UBND với 4 ban chuyên môn và 15 sở, ban, ngành. Cấp xã gồm HĐND và UBND xã, phường, đặc khu.
Mô hình chính quyền cấp xã sẽ có cơ cấu tổ chức gồm 4 phòng chuyên môn văn phòng, phòng kinh tế hoặc kinh tế - hạ tầng - đô thị, phòng văn hóa - xã hội và trung tâm phục vụ hành chính công.
Căn cứ vào Nghị quyết 60-NQ/TW, TPHCM đề xuất sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn hiện hữu thành 102 đơn vị hành chính cấp xã mới gồm 78 phường, 24 xã, giảm 171 đơn vị, tương ứng 62,64%.
Biên chế cần thiết sau sắp xếp là 6.120 người; biên chế dôi dư là 5.453 người; người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 5.562 người.
Ngoài ra, hội nghị cũng thông qua phương án điều chỉnh địa giới hành chính để hoàn thiện mô hình tổ chức mới.
Trong đó, thành phố Thủ Đức điều chỉnh ranh giới với tỉnh Bình Dương (khu Đại học Quốc gia); quận 8 điều chỉnh ranh với 3 xã của huyện Bình Chánh; quận 1 có đơn vị hành chính mới tên là Sài Gòn; quận 5 có đơn vị hành chính tên là Chợ Lớn; quận 11 đổi tên phường Cây Mai thành Minh Phụng.