(SGTT) - Trong những ngày qua, tình trạng quá tải tại các điểm cấp đổi Giấy phép lái xe (GPLX) ở TPHCM diễn ra liên tục. Nhiều điểm đã phải huy động toàn bộ nhân sự và tăng cường giờ làm việc để giải quyết khối lượng hồ sơ lớn.
Ghi nhận tại trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ (thuộc phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú), từ sáng sớm ngày 17-2, lượng người dân rất lớn đã tập trung đông để làm thủ tục cấp đổi GPLX. Bên trong, cả trăm người ngồi kín các hàng ghế, thậm chí xếp hàng dài ra khu vực bãi đậu xe.Lực lượng bảo vệ túc trực, đảm bảo trật tự và hướng dẫn người dân các thủ tục trong bối cảnh quá tải.Khu vực nộp hồ sơ đông kín người xếp hàng chờ làm thủ tục.Trong lúc chờ đợi, nhiều người đã tranh thủ xem hướng dẫn về thủ tục cấp đổi Giấy phép lái xe.Bà Trần Thị Bích Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Giao thông Tiến Bộ, cho biết những ngày qua, lượng hồ sơ cấp đổi giấy phép lái từ 400 hồ sơ/ngày lên khoảng hơn 700 hồ sơ/ngày.Để hỗ trợ người dân, nhà trường đã huy động thêm nhân lực, bao gồm cả lực lượng bảo vệ, để làm việc tăng ca và hướng dẫn người dân. Thậm chí, có những ngày cán bộ, nhân viên trung tâm phải làm việc đến 21 giờ.Theo quan sát, nhiều người đến muộn sau 8 giờ 30 sáng đã không còn số thứ tự và phải hẹn ngày hôm sau quay lại.Người dân phải vật vã chờ đợi.Anh Tuấn (ngụ quận 7) có mặt tại cơ sở từ 6 giờ sáng, vất vả lắm mới nhận được số thứ tự 210 để làm thủ tục chuyển đổi giấy phép lái xe từ hạng B2 sang C1. Tuy nhiên, dù đã đợi đến hơn 10 giờ, anh vẫn chưa được gọi đến lượt.Anh Nguyễn Minh Hoàng (ngụ Long An) đã phải dậy từ sớm để có mặt tại cơ sở lúc 5 giờ sáng, mong kịp bốc số thứ tự sớm. Tuy nhiên, khi đến nơi, anh vẫn phải xếp hàng dài mới đến lượt.Một số người khác cũng cho biết đã thử làm thủ tục trực tuyến nhưng không thành công, vì vậy họ phải đến trực tiếp để giải quyết.Theo báo cáo của Sở GTVT TPHCM, trung bình mỗi năm, thành phố cấp mới và cấp đổi khoảng 60.000 phôi giấy phép lái xe, chiếm 20% tổng số cả nước. Tuy nhiên, từ tháng 10/2024, số lượng người dân đăng ký cấp đổi tăng đột biến, với gần 890.000 phôi giấy phép được yêu cầu, tính đến cuối tháng 12-2024. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân chính khiến công tác cấp giấy phép bị tồn đọng là việc thiếu hụt phôi giấy phép và vật tư in ấn. Trong ảnh là tại điểm trả GPLX tại trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ cũng thông báo hết nguyên liệu in giấy phép lái xe...
Về việc chuyển giao việc sát hạch, cấp GPLX từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), cho biết Bộ đã giao Cục tiếp nhận và thực hiện các nhiệm vụ tương ứng với Cục Đường bộ Việt Nam; cấp tỉnh giao Phòng Cảnh sát giao thông tiếp nhận và thực hiện các nhiệm vụ tương ứng Sở Giao thông vận tải; cấp xã thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp lại giấy phép lái xe để phục vụ nhân dân ngay tại cơ sở.“Hiện công an các đơn vị, địa phương đang khẩn trương tổ chức tập huấn cấp thẻ sát hạch viên đảm bảo đủ số lượng, đáp ứng trình độ và tập huấn sử dụng phần mềm quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe để đảm phục vụ ngay khi tiếp nhận”, Đại diện Cục Cảnh sát giao thông thông tin.Định hướng thời gian tới khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp giấy phép lái xe, ông Nhật cho biết, người dân có thể nộp hồ sơ đổi giấy phép lái xe ngay tại địa bàn xã, phường, thị trấn và có thể đăng ký tham gia sát hạch tại bất cứ địa phương nào trên toàn quốc sau khi tốt nghiệp các khoá đào tạo lái xe, không phụ thuộc vào địa giới hành chính và nơi đào tạo như hiện nay.Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã thông báo đến Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chuẩn bị bàn giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Theo đó, việc bàn giao nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an dự kiến hoàn thành trước ngày 19-2.