Để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh khẩn cấp của người dân trong tình trạng giao thông đông đúc, TPHCM đã có nhiều loại hình xe cấp cứu hơn.
Xe cấp cứu cao cấp
Hiện nay, không chỉ có xe cứu thương ở các bệnh viện công, nhiều phòng khám, bệnh viện tư cũng đầu tư các loại xe cấp cứu tiêu chuẩn cao. Chẳng hạn, phòng khám Family Medical Practice (quận 1, TPHCM) trang bị xe cấp cứu trị giá 150.000 đô la Mỹ/xe (tương đương 3,3 tỉ đồng), chứa các loại máy móc như một phòng cấp cứu thu nhỏ và có nhiều tiện ích công nghệ để dễ dàng nắm bắt tình trạng bệnh nhân.
Chính vì xe cấp cứu đạt chuẩn với nhiều công nghệ hiện đại như máy ECMO - hỗ trợ tim phổi nhân tạo khi các chức năng này của bệnh nhân ngưng hoạt động, nên xe cấp cứu của phòng khám kể trên được gia đình bệnh nhân lựa chọn khi muốn chuyển viện quốc tế hay chuyển viện đường dài. Bác sĩ Rafi Kof, Tổng Giám đốc chuỗi phòng khám Family Medical Practice, cho biết đã có nhiều ca chuyển viện từ TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng đi Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… thành công nhờ hệ thống xe dịch vụ cấp cứu *9999 của phòng khám. Thông thường dịch vụ sẽ đảm trách việc di chuyển bệnh nhân từ giường bệnh ra sân bay và cử đội ngũ cấp cứu cùng máy móc theo cho đến khi việc nhập viện phía bệnh viện nước ngoài hoàn tất.
Bên cạnh dịch vụ cấp cứu tư nhân của phòng khám Family Medical, hiện 44 bệnh viện tư tại TPHCM mỗi đơn vị có khoảng một đến hai xe cứu thương. Nhiều phòng khám cũng trang bị xe cấp cứu.
Xe cấp cứu hai bánh
Cuối tháng 11/2018, Sở y tế TPHCM đã sơ kết giai đoạn một thí điểm cấp cứu bằng xe hai bánh của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn và tiếp tục thí điểm thêm 5 quận huyện: quận 1, quận 2, quận 4, quận 5, quận 10 và quận Thủ Đức. Theo thông tin từ hội nghị sơ kết, sau khi nghe tin báo, trung bình chỉ từ 3 đến 5 phút, xa hơn thì không quá 15 phút là đội ngũ cấp cứu bằng xe hai bánh đã tiếp cận được người bệnh. Đặc biệt, vào các giờ cao điểm, giao thông ùn ứ, xe cấp cứu hai bánh cũng vẫn đến với người bệnh một cách nhanh nhất.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (quận 1), cho biết trong các trường hợp cấp cứu chỉ cần có y bác sĩ cấp cứu xuất hiện trên chiếc xe máy hai bánh, người bệnh đã có thể yên tâm về tính mạng của mình. Việc cấp cứu bằng xe hai bánh vào giờ cao điểm hoặc đến nhà những bệnh nhân gần bệnh viện giúp tận dụng thời gian cho bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng cơ hội được cứu sống.
Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, mô hình xe cấp cứu hai bánh là một trong nhiều loại hình xe cấp cứu trên thế giới đã sử dụng. Tại TPHCM, trong trường hợp hẻm nhỏ, kẹt xe, người cần cấp cứu chỉ cần gọi Trung tâm cấp cứu 115 thì lực lượng cấp cứu hai bánh sẽ cố gắng có mặt nhanh nhất có thể.
Phải có cơ chế rõ ràng
Mô hình sử dụng xe hai bánh trong việc sơ cấp cứu ban đầu đã được một phòng khám thuộc Công ty TNHH Vạn Khang SOS ứng dụng từ năm 2016. Tuy nhiên mô hình này đã tạm ngưng hoạt động vì không có nhiều người sử dụng, ít người dân hiểu rõ nên chưa tin tưởng nhiều. Hơn nữa, nếu xe cấp cứu hai bánh đến trước, xe cấp cứu truyền thống đến sau người nhà bệnh nhân sẽ phải trả thêm chi phí.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và Quản trị bệnh viện TPHCM, cho rằng việc sử dụng xe hai bánh để cấp cứu là việc làm cần thiết, các nước khác cũng áp dụng mô hình này giúp người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với sự không đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Cụ thể, một số nước dùng cả hệ thống xe cảnh sát hoặc xe nhân viên y tế của phòng khám bác sĩ gia đình, họ có quyền mở còi hụ khi cần được ưu tiên để cấp cứu khẩn cấp, còn ở Việt Nam chưa được ưu tiên điều này.
Hơn nữa, khi sử dụng dịch vụ cấp cứu bằng xe máy, người dân còn băn khoăn về sự đầy đủ của các thiết bị cấp cứu như máy thở, máy trợ tim, thuốc men, việc di chuyển bệnh nhân… Ông Thuận cho rằng Trung tâm cấp cứu 115, nơi điều phối xe cấp cứu cụ thể là người trực tổng đài phải giải thích để người dân hiểu rằng dịch vụ xe hai bánh chỉ để sơ cứu, nếu bệnh nặng sẽ được bác sĩ duy trì cho đến khi xe cấp cứu của bệnh viện đến. Hơn nữa, trung tâm cần có phần mềm để điều động xe gần nơi người bệnh gọi cấp cứu để không bị trùng lắp khi nhiều xe đến cùng một lúc.
Hiện nay nhiều bệnh viện tuyến quận đã đăng ký được thí điểm mô hình này nhưng còn thắc mắc về cách thức thu số tiền cấp cứu. Do đó ngành y tế cũng cần phải có quy định chi phí cụ thể trong mỗi lần đi cấp cứu bằng xe hai bánh như tiền thuốc, tiền khám, tiền sử dụng xe, kể cả chi phí rủi ro khi di chuyển thuốc men trên quãng đường xa mà không được bảo quản lạnh…
Anh Minh