(SGTT) - Sở Xây dựng TPHCM vừa kiến nghị UBND thành phố phê duyệt danh mục 22 tuyến sông, kênh, rạch cần vớt rác, rong cỏ, lục bình nhằm khơi thông dòng chảy, giảm ô nhiễm và nâng cao hiệu quả tiêu thoát nước đô thị.
- Cầu Rạch Miễu 2 sẽ hoàn thành vào dịp Quốc khánh 2-9
- Phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt như thế nào mới đúng luật?

Sở Xây dựng TPHCM vừa đề xuất UBND Thành phố phê duyệt danh mục 22 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng tiêu thoát nước cần được vớt và thu gom chất thải rắn, TTXVN đưa tin.
Cơ quan này đề xuất 22 tuyến kênh, rạch cần vớt rác gồm 3 đoạn rạch Hàng Bàng, rạch Bàu Trâu, rạch Ruột Ngựa (đoạn 2), rạch Nhảy, rạch Nhỏ (Bà Lựu nối dài), rạch Bà Tàng - Cầu Sập, rạch Ông Tư Dinh, rạch Bà Lựu (rạch Năng), sông Phướng.
Ngoài ra, sông Cái Trung, kênh 19-5, rạch ranh quận Bình Tân - quận 8, rạch Lăng 2, hai đoạn rạch Xếp Sâu, kênh Trần Quang Cơ, rạch Cầu Dừa, kênh Ranh, rạch Bồ Đề và đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (từ cầu Lê Văn Sỹ đến Út Tịch) cũng được cơ quan quản lý đề xuất.
Các tuyến kênh rạch có tổng chiều dài khoảng 40km, trong đó dài nhất là kênh Trần Quang Cơ (5,5km), sông Cái Trung (gần 5,1km), rạch Bà Tàng - Cầu Sập (4,5km) và kênh 19-5 (hơn 3,6km).
Chất thải rắn, lục bình và rong cỏ trôi nổi trên các kênh rạch gây ô nhiễm và cản trở tiêu thoát nước, cần được vớt, thu gom và xử lý để khơi thông dòng chảy.
Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM đã khảo sát hiện trạng các tuyến và đề xuất vớt, thu gom rác tối thiểu 1 lần mỗi tuần.
Sở Xây dựng TPHCM cho biết rác, lục bình và chất thải sinh hoạt tồn đọng lâu ngày gây ô nhiễm môi trường, phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đời sống người dân và cản trở tiêu thoát nước trên địa bàn.
Từ năm 2013, TPHCM đã thí điểm vớt rác, rong cỏ, lục bình trên các tuyến kênh Đôi, Tẻ, Bến Nghé, Tàu Hủ và Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Năm 2019, mở rộng thêm kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Đến nay, hoạt động này đã giúp giảm rác và cải thiện môi trường tại các tuyến kênh thí điểm.