(SGTT) - Để cơ bản chống ngập đến năm 2025, thành phố phải cần đến 107.200 tỉ đồng để thực hiện các quy hoạch, dự án cần thiết.
Theo vietnamnet.vn, UBND TPHCM vừa phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải thành phố giai đoạn 2020-2025 và kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030. Đầu tiên là quy hoạch 752 với 16 dự án; tiếp đến là quy hoạch 1547 với gần 29 dự án; cộng thêm 70 dự án cải thiện hệ thống nước; bảy hồ điều tiết và nhiều công trình nạo vét kênh, xử lý nước thải.
Cũng theo đề án, mục tiêu trong 5 năm tới là không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550km2 thuộc giai đoạn 2016-2020. Cần tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm thành phố rộng 106,41km2 và cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, TPHCM sẽ thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước, giải quyết ngập cho 15 tuyến đường gồm Tân Quý, Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng, Hồ Học Lãm, Quốc lộ 13, Đường Ba Vân, Trương Công Định, Bàu Cát, Đặng Thị Rành, Đương Văn Cam, Nguyễn Hữu Cảnh, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân (thuộc danh sách các tuyến đường ngập nước đã xử lý bằng giải pháp cấp bách) và ba điểm ngập phát sinh gồm Nguyễn Văn Khối, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng.
Ngoài ra, TPHCM cũng thực hiện một số nội dung quan trọng như hoàn thiện giai đoạn 1 Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè; nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 3; mời gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải còn lại. Sau khi các dự án hoàn thành, thành phố ước tính tỷ lệ nước thải được xử lý trên toàn địa bàn đạt 88,3%.
Thêm nữa, thành phố cần tập trung đầu tư thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) hay dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải TPHCM (lưu vực Tham Lương-Bến Cát-Nước Lên). Dự kiến hai dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Đồng thời, cơ quan chức năng cần tổ chức nghiên cứu và đưa vào ứng dụng công nghệ mới trong thi công các công trình thoát nước, đê, kè, công nghệ khoan kích ngầm, hồ điều tiết ngầm. Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhân lực, vật lực để tiếp nhận, đưa vào khai thác và bảo quản các công trình xây dựng thuộc dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
TPHCM thuộc nhóm có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu cao nhất thế giớiTheo dự báo khi biến đổi khí hậu diễn ra, diện tích bị ngập của TPHCM đến cuối thế kỷ 21 lần lượt là 128km2, 204km2 và 473km2 tương ứng với các kịch bản nước biển dâng 65cm, 75cm và 100cm). Khả năng kiểm soát ngập ở TPHCM 100% là điều khó thể thực hiện được, kể cả các quốc gia tiên tiến nhất thế giới nên cần phải tiếp tục nghiên cứu triển khai một chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện với môi trường và ít tốn kém nhất, plo.vn đưa tin.
Phúc An tổng hợp