(SGTT) – Nằm trên tuyến du lịch “Trường ca của nước và lửa” của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, dãy núi lửa Nâm Kar là một trong những núi lửa trẻ, hình thành bởi sự kết hợp giữa phun trào và phun nổ.
- Top 7 Ấn tượng Việt Nam: Kỳ ảo “mặt nước chia đôi” dưới chân thác Bảo Đại
- Top 7 Ấn tượng Việt Nam: Dọc miền đất nước, ngắm Việt Nam xanh
- Chiêm ngưỡng vẻ đẹp 5 miệng núi lửa tại Công viên địa chất Đắk Nông
- Tour chưa từng khai thác: 3 ngày khám phá hang động núi lửa ở Đắk Nông
Vừa qua, hình ảnh núi lửa Nâm Kar từ trên cao đã được độc giả Sài Gòn Tiếp Thị bình chọn vào “Top 7 cảnh đẹp bất ngờ nhìn từ không trung” trong khuôn khổ chương trình “Top 7 Ấn tượng Việt Nam”. Điều đó càng minh chứng cho vẻ đẹp độc đáo, ấn tượng của Nâm Kar, hứa hẹn đây sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, ghi dấu ấn trong lòng du khách khi đến Đắk Nông.
Nằm tại huyện Krông Nô, giáp Huyện Đắk Glong, núi lửa Nâm Kar được đánh giá là một trong những núi lửa đẹp nhất và có năm tuổi trẻ nhất công viên địa chất toàn cầu.
Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông có 5 miệng núi lửa là ngọn núi lửa Nâm Blang (Chư R’luh), núi lửa Băng Mo (Ea Tling, núi lửa Nam Gle (Thuận An), núi lửa Nam Dơng và cuối cùng là cụm núi lửa Nâm Kar.
Cụm núi lửa Nâm Kar quy mô không lớn nhưng có “núi lửa vệ tinh” và hai miệng núi phụ hình thành dưới dạng lỗ thoát dung nham cùng các cây hoá thạch trong quá trình núi lửa phun trào khá ấn tượng.
Ngày 16-7-2020, Kỳ họp Hội đồng Chấp hành UNESCO khoá 209 tại Hy Lạp đã được tổ chức và công nhận Công viên địa chất Đắk Nông là thành viên thuộc mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, xứng danh cùng 14 công viên địa chất khác trên thế giới.
Cụm núi lửa Nậm Kar được hình thành từ 3 ngọn núi gồm một điểm nón than chính và hai điểm nón than phụ, ngoài miệng núi lửa chính còn 2 miệng núi lửa phụ được hình thành để thoát dung nham. Nón than chính có chiều cao 60m, đường kính 200m và có chiều sâu là 20m được tính từ đỉnh núi, được cấu tạo chủ yếu là từ xỉ.
Với hình dạng được bảo tồn khá nguyên vẹn, dãy núi lửa Nâm Kar được xem là núi lửa rất trẻ có niên đại dưới 10.000 năm tuổi. Đây là một điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai yêu thích nghiên cứu, khám phá những giá trị địa chất, địa mạo đặc trưng của vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Nhìn từ trên cao, núi lửa Nâm Kar gây ấn tượng bởi vẻ đẹp xanh mướt, xen lẫn màu vàng hoa dã quỳ, nương rẫy cùng con đường uốn lượn mềm mại bao quanh.
Đồng bào M’nông trong khu vực hiện nay vẫn còn truyền tai nhau về sự tích hình thành núi lửa Nâm Kar. Tương truyền, ngày xưa, trên đỉnh núi có một hồ nước rộng mênh mông và rất nhiều cá, cây cỏ xanh tốt. Biết được điều này, một chàng trai tìm đến bắt cá nướng ăn mà không hề biết đây là cá do thần nuôi.
Vì thế, khi vừa ăn xong con cá nướng, chàng trai cảm thấy ngứa ngáy toàn thân và khuôn mặt dần biến dạng, có đôi tai rất to và cái mũi rất dài, cái bụng phình to, thân hình vạm vỡ như con voi.
Vì là người biến thành voi nên ăn rất khỏe, dân làng không đủ cơm để nuôi. Các già làng, thầy cúng liền nấu cơm nếp, bắp, đậu, củ sắn rải lên lá cây trúc để nhử voi đến ăn. Voi ăn đến đâu thì thầy cúng đọc thần chú đến đó để voi nhớ rằng đó chính là thức ăn của mình.
Ngày nay, trên miệng ngọn núi lửa này vẫn có nước và cá sinh sống rất nhiều và đồng bào trong vùng vẫn giữ nguyên tên gọi của ngọn núi này là Nâm Kar (có nghĩa là núi cá).
Truyền thuyết về núi lửa Nâm Kar cũng chính là sự tích con voi mà người M’nông thường kể trong sử thi để nhắc nhở, giáo dục con cháu không tự ý xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên.