Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hướng đến người tiêu dùng và tài xế, theo Tổng cục Thuế.
Tài xế “rầu” vì mức chiết khấu mới, Grab nói phải tuân thủ luật pháp
Thông tin từ Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế khẳng định quy định tại Nghị định 126/2020 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế và làm tăng giá cước vận tải, do mức thuế giá trị gia tăng 10% áp dụng với dịch vụ vận tải không thay đổi.
Cụ thể, các tổ chức kinh doanh có hợp tác với cá nhân sẽ phải kê khai thuế giá trị gia tăng và xuất hoá đơn trên toàn bộ doanh thu, theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức.
Theo Nghị định 126/2020 có hiệu lực từ 5-12-2020, cách tính thuế giá trị gia tăng với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Gojek, Be sẽ thay đổi.
Theo đó, đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải công nghệ sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế giá trị gia tăng trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán - thay vì để tài xế đóng 3% thuế trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% trên phần chiết khấu như trước, do đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ. |
“Tổ chức chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế, không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân”, cơ quan thuế cho biết.
Như vậy, các tài xế công nghệ có doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm chỉ phải đóng khoản thuế thu nhập cá nhân với mức 1,5% tính trên tổng doanh thu. Còn Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hướng đến người tiêu dùng và tài xế.
“Grab cho rằng do tác động của Nghị định 126/2020 dẫn tới phải điều chỉnh tăng giá cước từ 8% đến 18% với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7% là không đúng”, cơ quan thuế cho biết.
Cũng theo cơ quan thuế, Grab được xác định là đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải do giữ vai trò quyết định về giá cước, chính sách với khách hàng. Ngoài ra, đơn vị này chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng.
Vì vậy, Grab có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực, bao gồm nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp, nếu có.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng khẳng định các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải công nghệ sẽ chịu trách nhiệm thực hiện việc kê khai thuế giá trị gia tăng tính trên tổng doanh thu thu được theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức, do các cá nhân phải hợp tác với tổ chức chứ không được tự kinh doanh.
Còn Công ty TNHH Grab cho rằng các tài xế chỉ đạt được mức doanh thu là 70.800 đồng với mỗi chuyến xe có cước phí 100.000 đồng từ ngày 5-12, khi quy định tại Nghị định 126/2020 có hiệu lực. Trước đó, tài xế sẽ ghi nhận mức doanh thu là 76.400 đồng sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối, cao hơn khoảng 7,3% so với mức doanh thu hiện tại.
Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân cho biết Nghị định 126/2020 là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế giá trị gia tăng.
“Chính sách thuế giá trị gia tăng với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng mức thuế suất là 10% như từ trước đến nay”, cơ quan thuế cho biết.
Hoàng Thắng
Theo TBKTSG Online