(SGTT) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 6:00 đến 19:00 ngày 30-7, Việt Nam ghi nhận thêm 3.635 ca nhiễm mới Covid-19 trong nước, trong đó TPHCM có 1.542 ca. Như vậy, trong ngày 31-7 Việt Nam có thêm 8.622 ca nhiễm trong nước, trong đó TPHCM là 4.282 ca.
- Hoạt động bảo vệ ‘vùng xanh’ tại TPHCM
- Đề xuất tiêm vắc-xin cho shipper tại TPHCM
- Công bố 6 đường dây nóng giải đáp về gói hỗ trợ khó khăn do Covid-19
- Sáng 30-7, Việt Nam ghi nhận 4.987 ca nhiễm mới Covid-19 trong nước
Các địa phương khác như Bình Dương có 636 ca, Long An 448 ca, Đồng Nai 157 ca, Cần Thơ 151 ca, Khánh Hòa 139 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 133 ca, Hà Nội 81 ca, Đồng Tháp 67 ca, Đà Nẵng 65 ca, Trà Vinh 36 ca, Hậu Giang 28 ca, Phú Yên 23 ca, Bến Tre 18 ca, Bình Thuận 17 ca, An Giang 16 ca, Quảng Nam 13 ca, Bình Phước 12 ca, Ninh Thuận 11 ca, Vĩnh Phúc 9 ca, Đắk Lắk 8 ca, Gia Lai 6 ca, Quảng Ngãi 6 ca, Hà Tĩnh 5 ca, Đắk Nông 2 ca, Hòa Bình 2 ca, Lâm Đồng 1 ca, Thanh Hóa 1 ca, Hải Dương 1 ca, Bắc Ninh 1 ca, trong đó có 715 ca trong cộng đồng.
Đến nay có 4 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới là Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
TPHCM phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội
Theo thông tin trên báo Thanh niên, trong buổi làm việc với TPHCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với đề xuất kéo dài thời gian giãn cách xã hội của TPHCM và đánh giá quyết định này là cần thiết.
Báo Thanh niên thông tin thêm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá TPHCM đã có nhiều quyết định kịp thời, đa dạng với mục tiêu sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành đã quan tâm, hỗ trợ thành phố trong thời gian qua. Trong đó ngành y tế đã huy động trên 10.000 nhân viên y tế, sinh viên ngành y vào hỗ trợ.
Về tình hình dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận biến thể Delta rất phức tạp, đang gây nguy hiểm cho nhiều nước trên thế giới, trong đó nhất là những nơi có mật độ dân số cao như TPHCM.
Do đó, mục tiêu trước hết, trên hết và quan trọng nhất vào thời điểm này là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, giảm tối đa số ca tử vong do Covid-19. Chủ tịch nước cũng đề nghị TPHCM cần rút kinh nghiệm sâu sắc khi đường phố vẫn còn đông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Sau khi đánh giá tình hình, Chủ tịch nước đồng tình với đề xuất kéo dài thời gian giãn cách xã hội của TPHCM và đánh giá quyết định này là cần thiết. TPHCM sẽ siết chặt việc đi lại ban ngày, có thể giãn cách 2 tuần nữa để chống Covid-19.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin
Cũng trong buổi làm việc với TPHCM ngày 30-7, theo báo Thanh niên, Chủ tịch nước đề nghị cần tăng cường công tác an sinh xã hội, chăm lo hỗ trợ người nghèo, không được để ai phải thiếu đói.
Theo đó, thời gian giãn cách kéo dài càng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, nhất là những người yếu thế nên cần đa dạng, linh hoạt các hình thức cung ứng để đảm bảo cuộc sống người dân.
Theo Chủ tịch nước, vấn đề lớn nhất của TPHCM là tập trung tài lực, nhân lực, vật lực cho điều trị; trong đó tầng 5 điều trị ca nặng cần chủ động không để thiếu máy thở, thiếu ô xy trong bệnh viện, quản lý chặt chẽ F1 và F0 không triệu chứng tại nhà.
Vấn đề vắc-xin, Chủ tịch nước yêu cầu TPHCM cần triển khai nhanh, nếu chậm là có lỗi với nhân dân, tận dụng thời gian giãn cách xã hội để đẩy nhanh tiêm chủng, đảm bảo an toàn.
Ông Phúc cũng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ xem xét sớm cấp phép cho vắc-xin Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen, nằm trong Khu Công nghệ cao, thành phố Thủ Đức.
Bộ Y tế yêu cầu TPHCM không giới hạn số người tiêm vắc-xin mỗi ngày
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.
Theo kế hoạch tiêm vắc-xin đợt 5 trước đây của TPHCM, các điểm tiêm chủng chỉ thực hiện 120-200 người/ngày để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng và phòng chống Covid-19. Bệnh nhân có bệnh lý nền, người trên 65 tuổi sẽ tiêm tại bệnh viện; các nhóm khác sẽ tiêm tại các điểm tiêm ở phường xã.
Tại nơi phong tỏa sẽ không tổ chức tiêm, nhưng ngay khi gỡ phong tỏa sẽ lập tức tổ chức tiêm cho người dân.
Tuy nhiên mới đây, Bộ Y tế yêu cầu TPHCM cần bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng; không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng.
Bộ Y tế cũng cho rằng, những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng có thể được tiêm tại tất cả cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị.
Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.
Theo báo cáo Sở Y tế TPHCM, tính đến ngày 28-7 đã tiêm được 389.417 liều, trong đó có 32.551 mũi cho người trên 65 tuổi, bệnh nền. Qua số liều tiêm mỗi ngày và tích lũy cho thấy tốc độ tiêm chủng tại TPHCM dần tăng tốc.
Theo số liệu trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, hiện tổng số dân TPHCM là 8,99 triệu dân, trong đó có 6,99 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Tính đến sáng 30-7, tổng số tiêm mũi 1 là 1.242.874 và tổng số tiêm mũi 2 là 66.854.
Đà Nẵng áp dụng chỉ thị 16+ từ 18:00 ngày 31-7
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, chiều ngày 30-7, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã ký ban hành nghị quyết về tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, ông Quảng yêu cầu thực hiện các biện pháp mạnh hơn, cao hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo nội dung chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo phong tỏa, giãn cách và cách ly trên địa bàn toàn thành phố.
Vận dụng các quy định pháp luật để áp dụng các biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và một số hoạt động trong thời gian nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; bắt đầu thực hiện từ 18:00 ngày 31-7.
Nguyễn Nam tổng hợp