Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Tôi đi tiêm vắc-xin Covid-19

(SGTT) – Ông Lê Nguyễn, một nhà khảo cứu về lịch sử - văn hóa, cộng tác viên của Sài Gòn Tiếp Thị, sang Mỹ thăm người thân trước khi dịch bệnh Covid-19 nổ ra toàn cầu và trong thời gian ở nước này, ông bị nhiễm Covid-19 vào tháng 1-2021 nhưng tự khỏi. Tòa soạn xin giới thiệu bài viết ghi nhận câu chuyện ông đi tiêm vắc-xin và cách tiêm vắc-xin ở Mỹ.

Tôi tạm gọi đó là “đoạn kết có hậu” khi một bệnh nhân Covid-19 như tôi đã tự khỏi bệnh, có được một thời gian miễn dịch tự nhiên, nay vừa được tăng cường mũi vắc-xin thứ nhất trong người. Tất nhiên mọi thứ sẽ không còn ý nghĩa nếu ta chủ quan, không tiếp tục cẩn trọng trong sinh hoạt, giao tiếp của mình.

Ngày 18-2 vừa qua, tôi được đưa tới một địa điểm tiêm vắc-xin Covid-19 của thành phố Louisville theo thông báo trước đó hai ngày của cơ quan y tế thành phố này. Thủ tục duy nhất áp dụng cho người đến tiêm là một tờ giấy in sẵn với những câu hỏi mà mình chỉ cần trả lời Yes hay No, đại khái như bạn có cảm giác khó chịu trong người không, bạn có cảm cúm không, cơ thể bạn có bị dị ứng không… Sau những Yes và No đó, cô y tá bụp cho một phát là xong.

Chiếc thẻ bằng giấy cứng, mặt trước ghi ngày tiêm lần đầu, mặt sau hẹn ngày tiêm mũi thứ hai.

Những ai tiêm xong được yêu cầu ra một gian phòng rộng rãi, khang trang, ngồi trong 15 phút để xem có những phản ứng tức thời nào của cơ thể không, sau đó mới tạm yên tâm ra về. Trong căn phòng dành cho các lão ông, lão bà này, luôn có 2 cô nhân viên y tế túc trực, ai vừa đứng dậy bỏ đi là có ngay một cô đến xịt nước sát khuẩn lên mặt ghế và dùng giấy thấm lau khô. Ngay cả chuyện này, người Mỹ cũng rất tinh tế, họ chọn loại ghế ngồi đơn giản nhất, gọn nhẹ nhất, không có tay dựa và những thứ lỉnh kỉnh khác để dễ sát khuẩn và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Hiện người ở Mỹ đang được tiêm vắc-xin của hai hãng dược là Moderna và Pfizer. Hãng kể sau từng là cứu tinh của quý ông khi điều chế và phổ biến ra khắp thế giới loại “thần dược” Viagra.

Hai loại vắc-xin này cũng có cái khác nhau. Loại của Pfizer dung lượng rất nhỏ, chỉ 0,3 cc (mililit), còn của Moderna là 0,5 cc; tiêm 2 lần cách nhau 3 tuần (vắc-xin của Moderna cách nhau 4 tuần). Theo tôi biết, vắc-xin chưa được sự chuẩn y (unapproved) của FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc lưu hành và sử dụng thực phẩm và dược phẩm. Điều này cũng dễ hiểu, vì thông thường, một vắc-xin được điều chế lần đầu phải trải qua một thời gian thử nghiệm rộng lớn và kéo dài trên dưới 2 năm. Đàng này, trước nhu cầu chống dịch khẩn cấp, chính quyền Mỹ phải sử dụng sớm vắc-xin sau một thời gian ngắn thử nghiệm, với khoảng gần 20 ngàn người tham gia.

Vì lý do trên, những người được tiêm vắc-xin đủ liều cũng không đảm bảo được miễn nhiễm 100%. Theo một số thông tin không chính thức, với vắc-xin Pfizer, sau mũi tiêm thứ nhất, khả năng miễn nhiễm đạt trên 60%, sau mũi tiêm thứ hai đạt trên 90%.

Người được tiêm vắc-xin không phải trực tiếp thanh toán một khoản tiền nào. Nhà cung cấp có thu một khoản phí quản lý, nếu người được tiêm có bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi trả, nếu là người không có gì (như tôi chỉ là một người khách sang Mỹ thăm thân nhân), quỹ bảo trợ của nhà nước sẽ lo.

Những ai được tiêm và không nên tiêm?

Sảnh rộng nơi các lão ông, lão bà ngồi nghỉ trong 15 phút sau khi tiêm vắc-xin. Phía trong cùng là nơi các nhân viên y tế đứng tiếp xúc với người mới đến.

Không nên tiêm vắc-xin (mũi thứ hai) là những người bị dị ứng nghiêm trọng sau mũi tiêm thứ nhất, và chỉ những người này mà thôi.

Riêng các trường hợp sau đây cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn cần thiết trước khi tiêm: người thường bị dị ứng; người đang bị sốt; người bị rối loạn về máu, máu loãng; người đang sử dụng thuốc tác động đến hệ miễn dịch; người đang có mang hay dự định mang thai; người đang cho con bú; người đã được tiêm một loại vắc-xin Covid-19 khác.

Phản ứng phụ có thể có sau tiêm

Người được tiêm vắc-xin có thể bị một hay nhiều phản ứng phụ sau đây:

Đau nhức chỗ tiêm – sưng chỗ tiêm – ửng đỏ chỗ tiêm – mệt mỏi – nhức đầu – đau nhức bắp thịt – đau khớp – ớn lạnh – sốt – nôn ói - cảm thấy khó chịu – sưng, nổi hạch.

Riêng về dị ứng, trong vòng từ vài phút đến một giờ sau khi tiêm vắc-xin, những phản ứng nghiêm trọng có thể xảy đến như: khó thở, sưng mặt, sưng cổ họng, tim đập nhanh, nổi mày đay cả người, chóng mặt.

Chuyện vui sau tiêm vắc-xin Covid-19

Có trường hợp một vị linh mục sau khi tiêm vắc-xin xong thì bị đột quỵ nhẹ, dẫn đến bị lệch một con mắt (lệch thế nào không rõ). Qua tìm hiểu, nhà tu hành được biết cứ 10.000 người được tiêm vắc-xin Covid-19 thì có khoảng 4 người gặp những phản ứng không mong muốn như ông.

Nhắc đến đó, ông hóm hỉnh nhận xét về mình: “với tỷ lệ xui xẻo 4/10.000, tôi kể như mình là người vừa … trúng số”.

May mắn là tôi đã không bị "trúng số" như ông linh mục. Hơn 24 giờ sau khi tiêm, cơ thể tôi không xảy ra một phản ứng nào, dù là rất nhẹ. Chỉ nghe cảm giác ê ở vết tiêm mỗi khi giở tay cao lên thôi, kể như thêm một cái may.

Hầu hết chúng ta đều nghĩ một cách khá hợp lý rằng, với những người từng mắc Covid-19, điều kiện tối thiểu để được tiêm vắc xin là phải xin tái xét nghiệm và có giấy ghi kết quả âm tính. Song với cơ quan y tế Mỹ, điều kiện ấy không cần thiết. Để được tiêm vắc-xin, bạn chỉ cần không có triệu chứng cảm cúm nào trong vòng 14 ngày trước ngày tiêm, dù cho trước đó bạn từng là bệnh nhân Covid-19 và chưa đi tái xét nghiệm lần nào.

Câu hỏi chính đáng mà chúng ta sẽ đặt ra là con virus tiềm phục trong cơ thể người bệnh trong 14 hay thậm chí 21 ngày, vậy thì khi một người đến tiêm vắc-xin, tuy bề ngoài chưa có biểu hiện của bệnh, song bên trong, con Covid-19 đã tiềm phục rồi, liệu tiêm vắc-xin sẽ gặp những phản ứng nghiêm trọng nào?

Trường hợp người viết bài này cũng là một ví dụ cụ thể, sau khi hồi phục, chưa từng tái xét nghiệm, tiêm xong không bị phản ứng nào. Tôi còn biết trường hợp khác: một cô nhân viên y tế của một bệnh viện ở Louisville xét nghiệm dương tính với Covid-19, tự khỏi nhanh và đã đi làm trở lại chỉ hơn 10 ngày sau đó và sau đó mấy ngày, cô được tiêm vắc-xin.

Điểm đáng nói trong kế hoạch tiêm ngừa Covid-19 của Mỹ hiện nay là không có một sự phân biệt đối xử nào, dù người được thụ hưởng là công dân chính gốc, thường trú nhân, khách du lịch, hay thậm chí thành phần nhập cư bất hợp pháp. Mặt khác, trong kế hoạch thực hiện, người Mỹ sắp xếp ưu tiên trên tiêu chuẩn thành phần cư dân nào có nguy cơ nhiễm bệnh cao (nhân viên y tế), tỷ lệ tử vong cao (người già), thì được ưu tiên tiêm vắc-xin trước.

Lê Nguyễn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tiêm chủng chưa đủ, số ca mắc sởi tại TPHCM vẫn tăng cao

0
(SGTT) - Theo Sở Y tế TPHCM, mặc dù chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng việc bỏ sót nhiều trẻ và thông tin tiêm chủng không chính xác đã khiến việc kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn với số ca...

Nghiên cứu đưa vắc-xin sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng quốc gia

0
(SGTT) - Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để đánh giá hiệu quả của vắc-xin phòng sốt xuất huyết, nhằm mục tiêu đưa vắc-xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho người dân. WHO sơ duyệt...

Việt Nam bắt đầu tiêm vắc-xin sốt xuất huyết

0
Hệ thống tiêm chủng VNVC vừa chính thức triển khai tiêm vắc-xin sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn tại gần 200 trung tâm trên toàn quốc.  Dịch sốt xuất huyết đang vào giai đoạn cao điểm Bạch hầu, sốt...

Số ca mắc bệnh sởi tăng cao, Bộ Y tế khuyến cáo đi tiêm phòng

0
(SGTT) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, số ca phát ban nghi sởi từ đầu năm đến nay đã tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Dự đoán, trong thời gian tới, các ca mắc phát ban nghi sởi, các ổ dịch sẽ còn tăng,...

TPHCM có đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng

0
(SGTT) - Theo Sở Y tế TPHCM, các cơ sở thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn đã có đủ các loại vắc-xin để tiêm cho trẻ em. Bổ sung quy định về nguồn kinh phí cho hoạt động tiêm chủng Sắp có thêm 2,8...

Bổ sung quy định về nguồn kinh phí cho hoạt động tiêm chủng

0
(SGTT) - Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 104 quy định về hoạt động tiêm chủng. Trong đó có việc bổ sung quy định về nguồn kinh phí cho hoạt động tiêm chủng. Nghị định có...

Kết nối

Cùng chuyên mục