(SGTT) - Từng tham gia công tác chống dịch từ tháng 7-2021, Kariem Abdul, 19 tuổi, dân tộc Chăm ở An Giang, hiện đang là sinh viên ngành địa lý, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, không may dương tính với SARS-CoV-2. Sau gần một tháng điều trị (từ ngày 9-8 đến 31-8), Abdul tiếp tục quay trở lại với công việc hỗ trợ cho công tác tình nguyện.
- Xin đừng kỳ thị tình nguyện viên tham gia chống dịch Covid-19
- Tình nguyện viên tham gia chống dịch: Tôi mang về một hành trang nghĩa tình
Tình nguyện viên tích cực
Ở tuổi 19, Abdul cũng như các bạn sinh viên khác, trở thành một tình nguyện viên hỗ trợ công tác chống dịch. Thời gian đầu, anh tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi 2021” tại điểm Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM).
Tại đây, khi được gặp và quen biết nhiều anh chị, anh đã được truyền cảm hứng trở thành một tình nguyện viên hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Kariem tham gia đội hình hoạt động của quận đoàn TPHCM với nhiều công việc như đi chợ giúp người dân, hỗ trợ tiêm vắc-xin trên địa bàn quận 1 và chăm sóc người bệnh ở bệnh viện dã chiến số 6...
Tuy nhiên, trong quá trình tham gia tình nguyện, anh nhận được kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Kariem Abdul đã dành một tháng điều trị tích cực để quay lại với công việc hỗ trợ.
Anh chia sẻ, khi vượt qua cơn bạo bệnh, anh không còn sợ Covid-19 vì đã biết cách phòng tránh và kỹ năng cần thiết để chiến đấu. Hiện tại, anh đang làm công tác hỗ trợ tiêm vắc-xin đợt 5 trên địa bàn quận 1.
“Nếu ai cũng sợ hãi thì ai dám làm việc đó? Lực lượng của thành phố không nhiều, tôi chỉ cố gắng hết sức để mong TPHCM bình yên trở lại”, Kariem chia sẻ.
Giữ vững tinh thần lạc quan
Abdul chia sẻ, lúc tham gia vào các công tác hỗ trợ chống dịch anh cũng có tâm lý lo sợ như mọi người. Tuy nhiên, bên cạnh anh luôn là những người bạn năng động, truyền đi năng lượng tích cực nên Abdul nhanh chóng quên đi nỗi sợ hãi. Giữ được sự lạc quan, anh hoạt động năng nổ trong tất cả công việc.
Trong quá trình điều trị Covid-19 , Abdul vẫn luôn cố gắng giữ tinh thần lạc quan và tích cực nhằm giúp tình trạng bệnh được thuyên giảm. Abdul lựa chọn nghe nhạc, xem phim, đọc sách để giải tỏa những căng thẳng trong khoảng thời gian điều trị bệnh.
Ngoài giữ cho bản thân lạc quan, động lực cũng là thứ giúp anh vượt qua căn bệnh. Anh chia sẻ “tôi còn rất nhiều mục tiêu cần phải làm, rất nhiều bạn cần phải gặp, rất nhiều người cần tôi đến giúp đỡ. Cứ nghĩ như thế là tôi tự động viên bản thân sớm khỏe để có thể trở lại với công việc.”
Kariem cũng cho biết, thời gian chống chọi với căn bệnh là quãng thời gian rất khó khăn. Từ việc mất vị giác cho tới việc không thể thở, phải dùng đến bình oxy đều diễn ra rất nhanh, nếu không có sự lạc quan, sẽ rất khó hồi phục.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Kariem Abdul cho biết bản thân đã học được rất nhiều điều ý nghĩa. Trong tương lai anh vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác chống dịch cho đến khi tình hình ổn định.
Diễm Hạnh
Ảnh: NVCC