Ba dì trọng tuổi đi cùng nhau tới lựa đồ nhà bếp. Mấy dì nhờ tôi coi giá vì chữ nhỏ quá, mắt già nhìn không rõ. Có mấy món cùng công dụng nhưng giá chênh nhiều, tất nhiên mẫu mã và độ tiện lợi cũng khác. Đúng kiểu phụ nữ, mấy dì nâng lên, đặt xuống, tự mình thử rồi nhờ bạn thử, hỏi ý kiến nhau rộn ràng cả lên. Tôi cũng được mấy dì hỏi. Vui lây, tôi khuyên dì chọn cái tốt nhất:
- Làm bếp cho sướng dì ơi!
- Hông con ơi, mắc tiền. Mấy bố mấy mẹ cằn nhằn nhức tai lắm.
- Là dì nói con dì đó hả? Bộ nhà dì... khó khăn lắm sao?
Tôi hỏi vậy vì nhìn dì nhẹ nhõm, áo quần không sang trọng nhưng chọn lọc và hài hòa, nước da, bàn tay sáng mịn, không mang màu lam lũ.
- Bả mà khó. Nhà ba bốn tầng lầu, con cái đứa nào cũng giàu hết. Bả kẹo đó con – một dì xen vào giải thích.
- Chớ sao không kẹo? Giờ không kiếm ra tiền nữa, nhà cửa cũng giao sạch cho chúng nó cả thì mình là ô sin thôi. Chúng nó đi làm về chỉ mỗi việc giở lồng bàn ra ăn mà dở một tí là nhăn nhó đấy, cháu ạ.
- Ai bảo bà đem cho chúng nó hết rồi kêu? Như tôi đây này, cho chúng nó ở riêng tuốt, vợ chồng già cứ ở với nhau, tiền gửi ngân hàng lấy lãi ăn tiêu, già rồi ăn mấy, chỉ cần thảnh thơi, tiền của mình cứ giữ đấy bao giờ mình chết hẵng hay – dì khác nói.
- Thì bà bảo, cá chuối đắm đuối vì con, mình cũng có sống mấy nữa đâu, chia sớm để chúng nó có tí vốn.
- Nhưng bà chia cho chúng nó xong là bà trắng tay, chúng nó coi bà là đồ ăn bám.
Rôm rả một lúc các dì kéo nhau sang quầy khác. Món đồ nhà bếp được quyết định không mua.
Nghe chuyện các dì, tôi ngậm ngùi quá. Hình như đa số cha mẹ Việt Nam khi có con thì chỉ biết đau đáu sống cho con tận đến khi nhắm mắt xuôi tay. Cái lẽ sống ấy được nâng thành đạo lý ngàn đời, được xã hội ca tụng, được làm gương sáng soi chung. Nào là nước mắt chảy xuôi, nào là cá chuối... Ai biết là cá hay chỉ còn cái xác mắm?
Một chị giáo viên âm nhạc tôi biết, hai vợ chồng có công ty riêng và ba khu nhà cho thuê, đang xây ngôi nhà to tướng bốn tầng lầu, có ba con. Ngồi trong phòng khách ngôi nhà đang hoàn thiện, chị hãnh diện khoe: “Khu phòng trọ nọ cho gái lớn, khu kia cho gái nhỏ, khu này với ngôi nhà thì của anh giữa nhé. Bố mẹ chỉ ở nhờ anh thôi”. Ơ hay, con mới mười bốn tuổi, cha mẹ đang còn làm quần quật nuôi con, toàn bộ tài sản là của mình mà đã tự định sẵn cái phận ở nhờ con rồi. Trách sao bao nhiêu bi kịch xảy ra khi con trưởng thành rồi quay sang khinh khi cha mẹ. Rồi cha mẹ đang còn sống sờ sờ con cái đã giành giật thừa kế oẳng cả lên. Tình nghĩa trôi theo dòng nước sạch.
Hầu hết cha mẹ đều yêu thương con cái vô điều kiện, nhưng ngược lại, tình con với cha mẹ lại là thứ tình có điều kiện.
Không giống như thứ tình cảm che chở tự nhiên của tàng cây cổ thụ với chiếc mầm non mới nhú, đứa con khi lớn lên luôn luôn thấy cha mẹ đã già, già thì thường yếu, thường lạc hậu, chậm chạp, khó chịu, hay càm ràm, không thông hiểu tâm lý... Nếu cha mẹ bệnh tật hay nghèo khổ thì càng thảm hại hơn. Thành thực mà nói, chỉ trong văn thơ nhiếp ảnh thì những nếp nhăn của người mẹ mới được xem là đẹp, còn trong đời thực, ai cũng mong muốn có cha mẹ khỏe mạnh, trẻ trung, giàu và đẹp nữa thì quá sức hãnh diện. Đó là tâm lý chuộng cái đẹp tốt thông thường của con người, xin nhìn thẳng vào nó chứ đừng né tránh. Thử hỏi đã ai không từng thầm ao ước mình là con của một tỉ phú chứ không phải của người cha nghèo chưa? Lại nữa, khi đứa trẻ còn là mầm sữa, chúng làm gì cũng đáng yêu, chăm sóc chúng tuy vất vả nhưng vẫn mang lại nụ cười. Thậm chí nhiều người xem mục đích và lẽ sống của họ chính là con cái, bản thân xem như không còn. Nhưng đứa con trưởng thành thì khác. Chúng phải dành đa số thời gian cho bản thân và kiếm tiền nuôi gia đình riêng mệt nhoài.
Có bức tranh biếm họa nổi tiếng vẽ người đàn ông ngồi làm việc, trên vai anh ta xếp thứ tự như cái tháp là cha, mẹ, vợ, con trai, con gái, con chó và con mèo. Thực tế khiến tình thương của đứa con với cha mẹ hầu hết mang màu sắc trách nhiệm hơn là thứ tình vô tư chỉ biết cho đi. Cộng với khoảng cách thế hệ khiến cha mẹ và con ngày càng có ít điều để chia sẻ, cái gánh đó càng nặng thì tình con nhiều khi trở nên mệt mỏi và chịu đựng.
Từ lâu pháp luật đã luôn tìm nhiều cách để bảo vệ người làm cha mẹ. Quyền định đoạt tài sản cá nhân là một. Luật pháp nhiều nước quy định rõ cha mẹ chỉ nuôi con đến 18 tuổi, sau đó phải tự lập. Luật pháp nước ta cũng vậy, nhưng vẫn mê ám lắm thứ “truyền thống” ăn quá sâu vào huyết mạch khiến cha mẹ không dám thẳng thắn về đề tài này với chính mình và con cái. Về phía con cái, cũng bám vào “truyền thống” để ăn vạ: “Ông bà đẻ ra tôi thì phải nuôi, tôi khổ ông bà phải chịu trách nhiệm”. Suy nghĩ bệnh hoạn đó khiến không ít thế hệ sau ngày càng còi cọc và ích kỷ.
Thưa các bậc cha mẹ, làm cha mẹ là một vai trò tự nhận chứ không phải là nghĩa vụ nặng nề. Nếu cha mẹ không biết tận hưởng đời sống cá nhân, không biết sử dụng đúng cách công cụ tài chính mà pháp luật đã trao để chủ động đời sống của mình mà cứ khăng khăng nước mắt chảy xuôi một cách mù quáng thì tương lai nhận lại nước mắt vòng quanh chẳng gì là khó hiểu.
Hoàng Xuân