Với việc siêu thị, trung tâm thương mại do doanh nghiệp lớn đầu tư mở ra ngày càng nhiều, những cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ truyền thống như lâu nay hiện chịu sức ép buộc phải thay đổi. Họ đã mở hoặc nâng cấp cửa hàng tạp hóa của gia đình lên thành siêu thị mini, đi theo mô hình cửa hàng tiện lợi; đồng thời chọn thị trường ngách để giảm bớt áp lực cạnh tranh.
Lối đi dưới chân mình
Theo thống kê sơ bộ, tính đến tháng 9-2014, trên địa bàn TPHCM đang có hơn 700 cửa hàng tiện lợi. Nếu so sánh với năm 2012 thì con số hiện nay đã tăng gần gấp ba lần.
Các cửa hàng tiện lợi do hộ gia đình thành lập chủ yếu tập trung ở vùng ven, khu đô thị vệ tinh. Có cửa hàng vẫn còn quy mô khá nhỏ, với diện tích mặt bằng chỉ vào khoảng 60 m2, nhưng cũng có cửa hàng đã mở rộng diện tích lên đến trên dưới 1.000 m². Các cửa hàng tiện lợi đi lên từ hộ gia đình này cũng kinh doanh đủ thứ hàng hóa, từ thực phẩm, đồ dùng nhà bếp, cho đến mỹ phẩm, giày dép, quần áo, sách báo, dụng cụ học tập... Hàng hóa trong các cửa hàng này được bài trí gọn gàng, khoa học, có cả máy lạnh; giá được niêm yết rõ ràng trên sản phẩm và tính tiền bằng thiết bị chuyên dụng giống như siêu thị hay trung tâm thương mại. Về cung cách phục vụ, nhân viên tại các cửa hàng tiện lợi cũng được đào tạo khá chuyên nghiệp. Một số cửa hàng có thể kể đến như Thanh Hà (quận 7), Titanmart (huyện Bình Chánh), Bình An (quận Bình Thạnh), Thảo Nguyên (quận 12, quận Tân Phú), Thái Bình (quận Phú Nhuận)...
Một trong những ưu điểm của mô hình cửa hàng tiện lợi là mang đến sự thuận tiện, nhanh gọn cho người tiêu dùng. Thay vì mất thời gian gửi xe, chờ đợi tính tiền như tại các siêu thị, cửa hàng lớn đông người, khách tới các cửa hàng tiện lợi có thể hoàn thành việc mua sắm chỉ trong vài phút. Trong khi tại các cửa hàng này sản phẩm bày bán cũng phong phú, đa dạng không kém so với các hệ thống siêu thị và giá cũng không mắc hơn.
Vừa chọn hàng tại cửa hàng tiện lợi Thanh Hà (khu đô thị Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7), chị Ngọc Bích vừa cho biết chị thường xuyên mua đồ tại cửa hàng này vì không phải đi xa, hàng hóa cũng phong phú và nhân viên khá hòa nhã. “Đôi khi đang nấu ăn, thiếu một ít đồ gia vị, chỉ cần gọi điện xuống cửa hàng là có nhân viên mang lên ngay”, chị nói.
Bà Thanh Hà, chủ cửa hàng Thanh Hà, cho biết mô hình cửa hàng tiện lợi là một phân khúc thị trường ngách mà những cá nhân kinh doanh nhỏ như bà hay các cửa hàng tạp hóa truyền thống có thể trụ lại trước sự đổ bộ rầm rộ của các tập đoàn nước ngoài cũng như sự phát triển của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi của doanh nghiệp lớn trong nước. “Mình khó có thể chen chân ở những khu vực trung tâm, đông dân cư, nên phải tìm đến những nơi mà doanh nghiệp lớn chưa kịp tới, phục vụ nhu cầu của người dân ngay tại đó”, bà nói.
Hiện tại, ông Vũ Văn Trình đã là tổng giám đốc một “hệ thống siêu thị” có tên gọi Titanmart. Nhưng trở lại thời gian trước, hồi năm 2006, ông chỉ mới mở một cửa hàng tiện lợi đầu tiên ở huyện Bình Chánh, TPHCM chuyên kinh doanh sách báo, văn hóa phẩm và thực phẩm... Mô hình cửa hàng tiện lợi đã được ông phát triển dần, và đến nay, hệ thống Titanmart đang có hai cửa hàng ở Bình Chánh và một số cửa hàng khác ở tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Thách thức và cơ hội
Theo bà Thanh Hà, bên cạnh những thuận lợi như đáp ứng nhu cầu tiết kiệm thời gian của khách hàng hay sự tinh gọn trong cách thức quản lý, vận hành thì mô hình cửa hàng tiện lợi cũng gặp không ít khó khăn.
Đầu tiên, do phải thanh toán bằng tiền mặt cho nhà cung cấp ngay khi nhập hàng nên chủ cửa hàng phải trường vốn mới chịu đựng được. Kế tiếp là chi phí thuê mặt bằng khá cao nhưng vẫn phải tìm cách có được nguồn hàng chất lượng với giá cạnh tranh để bán cho người tiêu dùng. Nếu hàng lấy về bán không chạy thì thua lỗ, phá sản là chuyện bình thường.
Để có sản phẩm là hàng nhập khẩu bán cho người tiêu dùng, bà Hà phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Không thể lấy được nguồn hàng trực tiếp từ nhà cung cấp, bà phải tìm từ nhiều nguồn khác nhau như từ các cửa hàng bán sản phẩm nhập khẩu, các hệ thống siêu thị lớn, thậm chí canh các đợt giảm giá quy mô lớn của các siêu thị lớn để lấy hàng.
Tương tự, ông Trình cũng nói mặt bằng là vấn đề sống còn của mô hình cửa hàng tiện lợi. “Mặt bằng chiếm tới 60% trong thành công của mô hình kinh doanh này, 40% còn lại là các yếu tố khác như vốn, chi phí quản lý...”, ông nói.
Tuy thế, các chủ cửa hàng nói trên đều nhận định mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi của tiểu thương, hộ gia đình vẫn còn nhiều tiềm năng mà nếu biết cách khai thác hợp lý thì khả năng phát triển sẽ rất cao. Theo bà Hà, mua sắm ở cửa hàng tiện lợi thường không có chương trình khuyến mãi, giảm giá hay tặng quà cho khách nhưng đổi lại là sự thuận tiện. Hơn nữa, các cửa hàng cũng dần biết gia tăng các dịch vụ tiện ích như giao hàng tận nơi cho dù chỉ là củ hành, chai nước mắm, gói bột ngọt; làm thêm các loại bánh, đồ ăn nhanh; phục vụ khách hàng tận tình như người thân quen... Điều này giúp người tiêu dùng ngày càng gắn bó hơn với cửa hàng.
“Mỗi món hàng chỉ lời một ít nhưng khách hàng tin tưởng, thường xuyên đến mua thì lấy số lượng bù lại cũng được”, bà Hà nói.
Vũ Yến