(SGTTO) - Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng Đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030” bằng cách nâng cấp xây dựng đề án khám, chữa bệnh chất lượng cao, kỹ thuật cao, khu điều trị quốc tế chất lượng cao... ở các bệnh viện công.
Thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, năm 2018, các bệnh viện trong nước tiếp nhận 300.000 người là Việt kiều, người bệnh ở các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến khám bệnh, 57.000 người trong đó đã điều trị nội trú.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã thực hiện khảo sát nhanh vào tháng 8-2019 tại 329 bệnh viện, cho thấy trong 6 tháng đầu năm có 88.983 lượt người nước ngoài khám bệnh và 10.170 người nước ngoài điều trị nội trú tại các bệnh viện các tuyến.
Bên cạnh đó, ước tính, khoảng 40.000 người ra nước ngoài điều trị với chi phí hơn 2 tỉ đô la Mỹ/năm. Điều này có thể dẫn tới việc “chảy máu” ngoại tệ, người bệnh phải chịu chi phí điều trị, mất nhiều thời gian, tiền bạc…
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết hiện nay Việt Nam đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao, thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị. Điển hình như các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán... tại đa số các bệnh viện công.
Do chưa có bệnh viện công lập đạt chứng nhận quốc tế nên người nước ngoài nếu khám chữa bệnh tại bệnh viện công lập sẽ không được các hãng bảo hiểm của nước ngoài chi trả... Do đó, Bộ Y tế đã đề xuất đề án “dây rút ngược” trong năm 2019 định hướng cho các bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối ưu tiên phát triển kỹ thuật chất lượng cao thay vì tiếp nhận nhiều mặt bệnh như hiện nay.
Chỉ tiêu của đề án, đến năm 2030, tỉ lệ bệnh viện được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 80% và tỉ lệ người nước ngoài khám, chữa bệnh tại Việt Nam tăng trưởng hàng năm từ 1% trở lên…
Hoàng Nhung