(SGTT) – Dù mới ra mắt năm 2022, TikTok Shop đã thu hút lượng quan tâm lớn từ người bán và người mua bên cạnh các sàn thương mại điện tử hay kênh bán hàng quen thuộc khác như Facebook, Lazada, Shopee… Nhiều chủ cửa hàng cho rằng hiện tại, kinh doanh nếu không bắt “trend” (xu hướng) sẽ khó tiếp cận được khách hàng mới, giữ chân khách cũ và TikTok chính là mảnh đất màu mỡ của các shop hiện nay.
- Bếp trưởng U50 làm TikTok, đem công thức nhà hàng về cho bếp nhà
- Đầu bếp bỏ phố về rừng làm TikToker triệu view: Nấu ăn không khó đâu, đừng sợ!
- TikToker “đồ bộ” Huyền Phi kiếm triệu view nhờ tình yêu ẩm thực quê nhà Trà Vinh
- TikTok Shop - kênh bán hàng mới: kẻ khóc, người cười cùng những hệ lụy
Dễ "ra" đơn cho người bán
Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, anh Trần Ngọc Tú, hiện đang kinh doanh và hướng dẫn đào tạo cho các nhà bán hàng mới trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) cho biết TikTok Shop “sinh sau đẻ muộn” so với các nền tảng mạng xã hội và sàn TMĐT khác.
Tuy vậy, qua con số thể hiện lượt quan tâm và tương tác đến TikTok Shop khảo sát từ các hội nhóm, anh Tú nhìn nhận tỷ lệ ra đơn (có đơn đặt hàng - PV) trên nền tảng này ước tính khoảng 10 người bán trên TikTok thì có bảy người ra đơn hàng ngay trong 10 ngày đầu tiên.
Về những ưu điểm của sàn TMĐT TikTok, anh Tú cho hay phải kể đến đầu tiên là tệp khách hàng có sẵn từ ứng dụng TikTok. Đa số người dùng TikTok trước đây ở độ tuổi dao động 12-40, đây là đối tượng khách có sức mua lớn và có hiểu biết, kinh nghiệm mua hàng online ở sàn khác. Họ cũng là những người có thói quen thanh toán online, chuộng tính tiện dụng, không thích chuyển đổi nhiều nền tảng, thích mua sắm dựa vào việc nghe review uy tín chất lượng và đặc biệt là trải nghiệm thật từ các video, livestream.
Các nền tảng mạng xã hội và sàn TMĐT khác cần có một khoảng thời gian để phân tích hành vi, tính cách của người dùng; từ đó hệ thống mới lựa chọn đối tượng phân phối nội dung. Theo anh Tú, thuật toán của TikTok sẽ làm ngược lại. Họ sẽ phân phối thử nội dung cho một lượng người dùng nhất định để kiểm chứng, xem mức độ tương tác của người dùng với video, livestream thế nào và sẵn sàng mở rộng nhanh chóng tập đối tượng được phân phối khi xác nhận được tín hiệu tốt từ các tập được thử nghiệm.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nhà bán hàng mới. Việc trả tiền quảng cáo để nội dung của mình tiếp cận đến nhiều người hơn thì nền tảng nào cũng như nhau. Người bán cũng có thể bỏ phí để chạy quảng cáo trên TikTok. Tuy nhiên, với nền tảng mới này thì các video không trả phí cũng sẽ được phân phối đến tất cả người xem đồng đều, không kể shop mới hay cũ, anh Tú nói.
Chị Đỗ Vân, mới bắt đầu kinh doanh trên sàn TikTok khoảng một tháng nay. Chị cho biết đã từng kinh doanh trên các nền tảng khác như Facebook, Shopee và nhận định rằng TikTok là sân chơi phù hợp cho người mới bắt đầu. Vì mới kinh doanh mặt hàng thời trang trẻ em vài tháng trở lại đây nên chị không thể cạnh tranh với shop có thâm niên trên các nền tảng như Facebook, Shopee.
“Tôi có tìm hiểu ưu và nhược của sàn TMĐT khác thì thấy Shopee có phí sàn quá cao, nhiều đối thủ cạnh tranh nặng ký, đặc biệt là các chủ xưởng, kho sỉ lớn, còn Facebook thì thị trường đâu đó đã bị bão hòa, lượng tương tác mua hàng ngày càng giảm, không hỗ trợ phí ship. Lazada thì ngành hàng thế mạnh không phải là thời trang”, chị Vân nhận xét.
Chị Hồ Thị Hoa hiện đang kinh doanh mặt hàng quần áo thời trang ở Hà Nội cho biết mình vừa thử sức với TikTok khoảng một tuần nay và nhận được những tín hiệu tích cực. “Tôi đã bán ở Shopee, Facebook và Zalo, vì lượng khách quen đông nên đơn ra ổn định hơn. Tuy vậy qua một tuần thử ở TikTok thì lượng đơn đang chiếm tầm khoảng 30% so với Facebook và Zalo. Việc kinh doanh trên nền tảng này cũng dễ hơn so với bên khác, trung bình mỗi ngày trên TikTok tôi có khoảng 30-50 đơn”, chị nói.
Thêm lựa chọn kênh mua hàng cho người mua
Được biết, nhà bán hàng trên TikTok sẽ mất khoảng 1% phí sàn và 0,108% thuế trong một tháng, ví dụ mỗi tháng bán được 100 triệu đồng sẽ mất một triệu phí sàn và 108.000 đồng thuế. Riêng Shopee theo tìm hiểu, tùy đối tượng người bán sẽ tốn một đến hai hoặc ba khoản phí đó là phí thanh toán, phí cố định và phí dịch vụ.
Cụ thể với phí thanh toán thì đây là khoản phí dành cho người bán khi họ có một đơn hàng thành công trên Shopee, phí này chỉ áp dụng cho đơn hàng thành công không tính đơn hàng bị hủy hoặc bị yêu cầu trả/hoàn hàng. Mức phí thanh toán từ 2% đã tăng lên 2,2% kể từ ngày 1-4-2021. Phí cố định là phần trăm hoa hồng trích từ đơn hàng được thực hiện thành công không tính sản phẩm bị hủy hoặc bị trả hàng/hoàn tiền của Shopee Mall, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Phí dịch vụ được áp dụng cho người bán tham gia gói miễn phí vận chuyển Freeship Xtra.
TikTok cũng có những nhược điểm riêng so với các sàn TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada… chính là chuyển đổi không xuất phát từ nhu cầu. Cụ thể, ở các nền tảng mua bán online khác thì người mua khi có nhu cầu tìm sản phẩm, họ sẽ chủ động lên các sàn quen thuộc rồi cân nhắc và ra quyết định. Dựa trên các chỉ số đánh giá mức độ uy tín của nhà bán hàng như lượt bán, tỷ lệ đánh giá, phản hồi, giá cả… điều này giúp shop nhận biết rõ mình cần cải thiện chỉ số gì để tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Về phía TikTok Shop, khách thường mua hàng theo cảm xúc, nhu cầu của người xem sẽ hình thành khi xem video. Việc ra quyết định mua hàng cũng do cảm xúc chi phối trong đúng thời điểm đó. “Như vậy, việc chuyển đổi này phụ thuộc vào cảm xúc, mà đã là cảm giác thì rất khó kiểm soát và chi phối, vì vậy đây cũng là thách thức lớn đối với các nhà bán hàng”, anh Ngọc Tú nói thêm. Gần đây, TikTok Shop mới ra tính năng tìm kiếm, khi người mua có nhu cầu chỉ cần lên thanh công cụ gõ từ khóa sản phẩm, các gian hàng sẽ hiện ra để họ lựa chọn.
Anh V.M.T chuyên bán đồ ăn vặt cho biết trước khi chuyển hướng từ Facebook sang TikTok, anh đã có thời gian tìm hiểu quy định, điều khoản chung. Cụ thể, khi shop muốn đăng bán sản phẩm, tạo gian hàng trên TikTok Shop, người bán sẽ được phía TikTok kiểm duyệt trước khi đồng ý cho đăng tải hàng hóa. Các danh mục đồ ăn uống, thuốc, thực phẩm chức năng, sách báo... là những danh mục có điều kiện, với những mặt hàng liên quan đến thương hiệu thì phải có ủy quyền của thương hiệu hoặc đăng ký thương hiệu.
"Nhà bán hàng chọn bán những loại sản phẩm có điều kiện này cần cung cấp đủ giấy tờ, chứng từ mới được bán, nếu không thì chỉ trong 2-3 ngày live đầu, kênh của tôi sẽ nhận thông báo vi phạm và cảnh cáo từ TikTok, lặp lại nhiều lần thì sẽ bị khóa kênh", anh V.M.T chia sẻ.
Trước vấn đề nhiều người mua lo ngại chất lượng sản phẩm, chị Đặng Trang, khách hàng đã từng mua hàng trên TikTok, Shopee, Facebook cho biết nhìn chung cách mua hàng ở TikTok cũng khá giống sàn TMĐT khác. Người mua được quyền trả hàng hoàn tiền khi nhận hàng thấy không vừa ý, hoặc nếu phát hiện hàng nhái, giả có thể khiếu nại lên shop yêu cầu giải quyết.
Theo chị Đặng Trang, quá trình này khá giống với Shopee, vì người mua hoàn toàn theo dõi được quá trình xử lý đơn hàng của mình, không dừng lại giao dịch giữa người mua và người bán như mạng xã hội Facebook hay Instagram.
An Phú