(SGTT) - Nếu như trước đây mọi người hay nói "đông như cái chợ" thì thời gian giãn cách xã hội lần thứ ba của TPHCM, câu nói này không còn đúng nữa. Hai đợt giãn cách đầu chưa xảy ra việc chợ truyền thống đóng cửa, thế nhưng lần thứ ba này, 93/234 chợ truyền thống tại TPHCM đã buộc phải đóng cửa để chống dịch. Cuộc sống của bà con tiểu thương lẫn những người buôn gánh quanh chợ theo đó cũng khó khăn, bấp bênh hơn.
Ghi nhận tại nhiều chợ những ngày đầu tháng 7-2021, không còn diễn ra cảnh "kẻ chen, người lấn". Mọi thứ ở các khu chợ trở nên trầm lắng hơn. Ngoài ra, một số chợ dù không có lệnh đóng cửa tạm thời nhưng khoảng 50-60% ki-ốt rơi vào tình trạng nghỉ bán sớm, tạm ngưng hoạt động. Những sạp hàng bày bán các nhu yếu phẩm cần thiết cũng chịu chung cảnh đìu hiu vì không có người mua.
- Đoàn nhân viên y tế Khánh Hòa xuất quân hỗ trợ Phú Yên
- Năng lượng tích cực từ MV của cô sinh viên và các em nhỏ
- Tín hiệu phục hồi của thị trường lao động giữa đại dịch Covid-19
Tiểu thương không kịp trở tay
Theo bà Thu Hoa, tiểu thương chợ Ông Mười (quận Bình Tân), sau khi TPHCM có quyết định tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 nhưng không đưa ra thời hạn đến bao lâu, khiến các tiểu thương buôn bán đứng ngồi không yên.
“Thà đưa ra một mốc thời gian áp dụng Chỉ thị 10, có thể kéo dài vài tuần hoặc đến hết tháng 7 cũng được. Như vậy, chúng tôi có thể chủ động trong việc mua bán, chứ hàng hóa đã nhập trước đó vẫn đang kẹt trong ki-ốt. Giờ chợ đóng cửa, hàng không bán được nên bị tồn ứ, hư hại. Chúng tôi không biết phải xoay xở như thế nào trong thời gian chợ tạm thời đóng cửa”, bà Hoa nói.
Cùng chung cảnh ngộ, chủ tạp hóa Hương Vinh tại chợ Bình Long (quận Bình Tân) cũng khốn đốn suốt hơn 1 tuần nay. Bởi lo sợ mặt hàng bánh tươi để lâu sẽ bị mốc, hư hỏng.
“Trước đó, các mặt hàng mì gói, bánh, gia vị… bán rất chạy, thường xuyên nhập hàng số lượng lớn mỗi tuần. Nhưng bất ngờ khi ngày 24-7, chợ bắt đầu giăng dây, thông báo chặn ở một số lối ra vào. Lượng khách mua đã giảm sút rất nhiều. Đến bây giờ, chợ đóng cửa nên các mặt hàng nhập vào trước kia bị chững lại, vốn đọng rất lớn. Chưa bao giờ rơi vào cảnh buôn bán khó khăn, khổ sở đến thế này!”, bà chủ tạp hóa thở dài.
Ghi nhận tại chợ Tân Phú, khung cảnh đìu hiu, vắng hẳn cảnh mua bán tấp nập thường thấy. “Mấy bữa trước bán cả ngày. Giờ bán chỉ tới 2:00 chiều là về thôi”, một tiểu thương của chợ chia sẻ.
Giờ đây, một số tiểu thương thay vì ngậm ngùi “nằm im” chờ ngày hết dịch, nhiều người tranh thủ nhận hàng gia công về nhà làm, kiếm thêm chút ít thu nhập trong mùa dịch bệnh khó khăn.
Thấp thỏm lo từng miếng ăn
Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát mạnh không chỉ ảnh hưởng đến các tiểu thương kinh doanh cố định, những người bán hàng lề đường cũng đứng ngồi không yên vì buôn bán ế ẩm.
Anh Tư - một người chuyên bán rau củ, tôm cá (chở hàng trên xe và di chuyển qua nhiều điểm bán khác nhau) - đứng tại góc đường Miếu Bình Đông và chợ Bình Long (quận Bình Tân) cho hay “Chợ đã tạm đóng cửa nên không dám lấy hàng nhiều. Mỗi sáng chỉ lấy 10kg rau thêm một ít đồ tươi sống để bán cầm chừng”.
Khi được hỏi về Chỉ thị 10 cấm bán hàng lề đường, anh Tư liền gật đầu nói: “Biết bán hàng như vậy là sai, nhưng nếu không bán sẽ không có tiền để trả tiền trọ, chi tiêu sinh hoạt. Cách đây 1 tuần vì ham bán cho khách, không để ý nên bị trật tự đô thị “hốt” sạch hàng hóa; mất hết số vốn xem như mấy ngày còn lại ăn cơm trắng để sống qua ngày”.
Bà Yến (50 tuổi) quê ở Hà Tĩnh, đang bán trái cây gần đó nghe anh Tư tâm sự cũng tiếp lời: “Chợ tạm thời đóng cửa, chỉ biết ôm gánh hàng ra ngoài vỉa hè bán cho khách vãng lai. Có hôm chỉ bán được 2kg trái cây, thậm chí có ngày không bán được đồng nào. Thu nhập giảm nên hơn hai tuần nay toàn xin cơm từ thiện ăn đỡ”.
Nhiều sạp hàng “cửa khép hờ” bất chấp lệnh cấm
Bên cạnh các gian hàng nghiêm túc thực hiện lệnh đóng cửa, hẹn khách sau thời gian giãn cách, cũng vì kế sinh nhai, nhiều điểm bán vẫn bất chấp lệnh cấm, lén mở cửa khi vắng bóng lực lượng chức năng.
Dọc theo đoạn đường Gò Xoài nối dài đến chợ Ông Mười (quận Bình Tân), không khó để bắt gặp nhiều người bán đứng chào mời trước các cửa hàng. Một số gian hàng khác vẫn mở hờ cửa, chỉ cần khách có nhu cầu mua. Hàng hóa sẽ được mang ra tận xe, không cần đứng lựa chọn như trước.
Mọi hoạt động buôn bán diễn ra nhanh gọn. Trường hợp thấy bóng dáng của đội quản lý trật tự đô thị, người bán lập tức ra hiệu cho khách lảng tránh đi cách 2m.
Theo chị Lành, người bán thịt heo quay đối diện chợ cho biết: “Chúng tôi vẫn có ý thức phòng bệnh khá cao. Dù sạp hàng mở cửa nhưng hạn chế số lượng khách - không tập trung quá 3 người. Lúc trước bán cả ngày, giờ chỉ bán trong vài tiếng xong là nghỉ”.
Minh Thảo
Video: Quỳnh Như
Với chuyên đề “Họ sống thế nào trong đại dịch”, chúng tôi muốn khắc họa một bức tranh cuộc sống mà trong đó, từ những người đang không có một công cụ lao động nào trong tay cho đến những doanh nghiệp quy mô lớn, làm thế nào để duy trì và ổn định được “sức khỏe” của mình trong đại dịch.
Chuỗi nội dung trong chuyên đề này sẽ được đăng tải trên ác ấn phẩm của nhóm Kinh tế Sài Gòn gồm Kinh tế Sài Gòn Online, Sài Gòn Tiếp Thị và The Saigon Times (tiếng Anh).