Nguyễn Tịnh Thạch -
Sống ở Mỹ, đã từng được công chúng biết đến là một dịch giả truyện kiếm hiệp, nhưng lần này ông Nguyễn Duy Chính về nước trong một tư cách khác: một nhà nghiên cứu, chuyên gia phân khúc sử triều Tây Sơn nói riêng, lịch sử Việt Nam từ thế kỷ 18 đến đầu 19 nói chung.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính.
Có chín đầu sách của ông Chính được ra đời trong thời điểm này, tập trung xoay quanh trục Tây Sơn. Trong đó, bảy cuốn là do Nhà xuất bản (NXB) Văn hóa-Văn nghệ ấn hành, gồm Vó ngựa và cánh cung, Phái đoàn Đại Việt và lễ bát tuần khánh thọ của Thanh Cao Tông, Đại Việt quốc thư, Núi xanh nay vẫn đó, Giở lại một nghi án lịch sử – “Giả vương nhập cận” – có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không?, Việt-Thanh chiến dịch và Thanh-Việt nghị hòa – tiến trình công nhận triều đại Quang Trung. Hai cuốn khác, một do Phương Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành: Đàng trong thời chúa Nguyễn và một do Dtbooks và NXB Khoa học xã hội: Lê Mạt sự ký – sự suy tàn của triều Lê cuối thế kỷ XVIII.
Nguyễn Duy Chính sinh 1938, là cựu học sinh Chu Văn An, cựu sinh viên Quốc gia hành chánh (Sài Gòn trước 1975). Sau đó ông lấy bằng cử nhân khoa học quản trị kinh doanh, thạc sĩ quản lý hệ thống thông tin và là tiến sĩ quản trị kinh doanh ngành quản lý và ứng dụng khoa học máy tính ở Mỹ. Ông tự nhận mình là “dân quản trị, một tay ngang trong nghiên cứu lịch sử, không được đào tạo chuyên ngành, chính quy, bài bản về phương pháp nghiên cứu”. Nhưng lợi thế của “dân quản trị”, với ông là: “Tôi đã dùng cỗ máy quản trị để đi vào sử”.
Từ những thắc mắc về một triều đại chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, được phủ vây bởi nhiều sương mù huyền thoại, nhưng cũng quá nhiều sự thật bị chìm khuất, khó minh giải, ông Nguyễn Duy Chính tự đặt ra các câu hỏi và đi tìm các câu trả lời về triều Tây Sơn. “Với tôi đó là một khúc quanh lịch sử. Chúng ta có quá nhiều thông tin về nhà Tây Sơn nhưng rất mơ hồ, ít người biết nó thực sự là gì. Thực ra trước đây đã có những nhà nho đặt ra câu hỏi vì sao không đưa nhà Tây Sơn trở lại trong lịch sử, nhưng do bối cảnh, rất nhiều vấn đề đặt ra không phải dễ giải quyết, nhất là tư liệu”, ông Chính nói trong buổi tọa đàm sáng 25-10 tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM.
Ông chọn ba hướng khai thác tài liệu: tài liệu thời nhà Thanh từ Đài Loan, Bắc Kinh, tài liệu bang giao Đại Việt-Trung Hoa, văn thư ngoại giao từ Việt Nam và tài liệu những nhóm chống Tây Sơn (ở dòng tư liệu này thì thông tin về chính trị triều đình ít, nhưng những mô tả đời sống xã hội thì có nhiều điều đáng lưu tâm).
Ông nhận ra qua quá trình sưu tập tài liệu, có những điều ở Việt Nam khó khăn và hạn chế, nhưng ở nước ngoài thì việc tiếp cận dễ dàng, đôi khi rất rộng. Ví dụ thư viện ở Mỹ cũng có thể có những tài liệu hay về thời kỳ này, tuy nhiên, lại nằm trong rất nhiều thứ khác, phải chịu khó thâm nhập. Trong khi đó, việc kiếm tìm văn bản, tư liệu gốc là điều tối quan trọng với một nhà nghiên cứu.
Trong bộ sách về Tây Sơn lên đến vài ngàn trang, ông Nguyễn Duy Chính không chỉ giải quyết vấn đề Tây Sơn hay Đại Việt, nhưng quan trọng, đã đặt vị trí của một vương triều, quốc gia trong tương quan với vùng, khu vực Đông Nam Á. Ông nói: “Nếu nhìn đất nước mình 200 năm trước, sẽ thấy vấn đề lãnh thổ, chính nghĩa, tà phái... rất khó xác định. Mọi thứ còn quá hỗn mang. Rộng hơn, cả vùng Đông Nam Á như thế. Các nhóm chính trị tìm đủ mọi cách để nổi lên, giành sức ảnh hưởng và lịch sử thời này thường được bên thắng cuộc ghi chép lại. Cho nên, ngay cả trong chuyện bang giao giữa quốc gia với quốc gia, đôi khi vì quan điểm nào đó chi phối, người ta có thể kể lại một cách thiếu nghiêm túc, khôi hài. Nhưng lịch sử thì tôi nghĩ không đơn giản như vậy. Lịch sử là sự tiếp nối và thúc đẩy liên hồi của nguyên nhân-hệ quả. Ngay trong chuyện vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long, có thể thấy sự tự tôn dân tộc, nhưng nếu nhìn vào sử liệu gốc, thì ta thấy rằng, đó là nghi thức tiếp đón đầy long trọng của nhà Thanh với Đại Việt, là nghi lễ ngoại giao quan trọng giữa hai quốc gia, chẳng có gì thấp kém hay bị coi nhược tiểu cả. Đây càng không phải là vấn đề ngẫu nhiên, mà là một trong những di sản ngoại giao từ triều Lê để lại. Vì thế cần được nhìn nhận lại cẩn trọng. Trong sử, hiển nhiên không thể có kiểu Trạng Quỳnh hay Ba Giai Tú Xuất...”.
Chỉ riêng vấn đề có phải vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Thanh hay không nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính viết cặn kẽ trong một cuốn sách 236 trang khổ lớn.