Chúng ta đều biết câu chuyện đổi tiền mới cuối năm không phải là chuyện mới. Cứ mỗi năm tết đến xuân về là vấn đề này lại nóng. Vào facebook của một người bạn, thấy cô ấy khoe có mấy xấp tiền mới, gồm nhiều mệnh giá, từ 1.000 đến 50.000 đồng với nội dung "Tiền lẻ mình không thích, nhưng chủ yếu mình thích là không mất phí thôi". Với mức phí đổi tiền mới, nhất là với tiền mệnh giá nhỏ như ngoài thị trường hiện nay thì “niềm vui” tưởng như nhỏ bé của cô bạn tôi thực ra không hề nhỏ.
Vài năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương không in thêm tiền có mệnh giá nhỏ nên lượng tiền mới rất khan hiếm. Ngay các nhân viên ngân hàng cũng không phải ai cũng có thể đổi được. Vậy nhưng chỉ cần mất một mức phí khá cao là bạn đã có thể thoải mái đổi với số lượng bao nhiêu cũng được, mệnh giá nào cũng có, chỉ có điều là mệnh giá càng nhỏ thì phí đổi càng cao. Bạn có thể tìm trên mạng sẽ có số điện thoại liên hệ. Nếu đổi nhiều, người ta sẽ mang đến tận nơi cho bạn. Hoặc bạn có thể đổi ở các quầy đổi tiền ngay tại cửa đền, chùa. Dù pháp luật có quy định cấm đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch nhưng càng cấm thì chỉ khiến phí càng cao, chứ không ngăn được hoạt động này.
Việc kinh doanh này cũng có thời vụ. Bởi lẽ nó cũng phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng. Thường là vào dịp cuối năm mọi người có nhu cầu đổi tiền mới để mừng tuổi, để đi lễ chùa. Và thêm một nhu cầu cũng khá lớn khác đó là phục vụ cho việc “đi chợ, tán lộc” của các khóa hầu đồng. Bắt đầu từ sau Tết, cùng với các lễ hội tại các đền, chùa thì các khóa hầu đồng khai xuân, rước lộc, cầu may mắn, cầu tài, cầu sức khỏe cũng được tổ chức tưng bừng ở khắp các đền, các phủ, các điện. Từ năm 2016, tín ngưỡng thờ mẫu chủ yếu là lễ Hầu đồng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Trong khóa lễ này thì có nghi thức “đi chợ, tán lộc” bằng cách sử dụng tiền lẻ để tung cho những người tham dự khóa lễ. Tùy vào hoàn cảnh kinh tế của người làm lễ mà lượng tiền lẻ cần dùng là nhiều hay ít. Ít thì cũng vài trăm nghìn đồng còn nhiều thì lên đến tiền triệu, chục triệu,…
Chủ trương không in tiền mới mệnh giá nhỏ để tiết kiệm cho ngân sách của nhà nước là một chủ trương đúng. Nhưng do nhu cầu vẫn có nên dù phải chịu phí đổi cao nhiều người vẫn chấp nhận. Bình thường, mức phí đổi đã ở mức 20-30% nhưng vào dịp cuối năm thì mức phí này đã tăng theo từng ngày với mức chóng mặt. Một facebooker rao: Còn ai chưa đổi được tiền mới lì xì, đi chùa thì alo em ngay nhé. Em chỉ đổi đến ngày 28 Tết là thôi. Nhanh thì còn, chậm thì hẹn các bác năm sau ạ. Phí rẻ nhất thị trường: mệnh giá 1.000-2.000: 40.000 đồng/tệp (100 tờ); 5.000 : 60.000/tệp; 10.000: 10%; 20.000: 9%; 50.000: 8%.
Với mức phí này thì để đổi được một tập tiền 1.000 đồng (tương đương 100.000 đồng) thì người đổi sẽ phải mất 40.000đ. Tiền mệnh giá càng lớn thì phí đổi càng rẻ hơn. Riêng tờ 500 đồng thì rất hiếm và mức đổi thậm chí lên đến 100%, mà cũng không có nhiều. Nếu muốn một mức phí rẻ hơn thì bạn có thể đổi loại tiền lẻ đã qua sử dụng, hay còn gọi là tiền “lướt”. Đây chủ yếu là tiền mọi người dâng tại các cửa đền, cửa chùa, sau đó được chuyển ra cho các cá nhân kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ. Vì đã qua sử dụng nên mức độ mới không đồng đều. Nhưng với mức phí khoảng 10-20% thì đây là một sự lựa chọn hợp lý cho những cá nhân có nhu cầu lớn.
Việc đổi tiền không đúng quy định sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 20-40 triệu đồng. Nhưng có thể đến nay vẫn chưa có ai bị phạt vì việc này nên tình trạng này vẫn diễn ra. Việc mừng tuổi hay dâng giọt dầu khi đi lễ chùa là do tâm mỗi người. Tâm an vạn sự an. Tết Nguyên đán là dịp quan trọng nhất trong năm nên nhà nào cũng muốn chuẩn bị thật đầy đủ để mong cầu một năm mới tốt đẹp. Mỗi người chúng ta sẽ biết cân nhắc để sử dụng đồng tiền một cách hợp lý nhất để sao cho Tết thật ý nghĩa.
Tường Lan (Hà Nội)