Thứ năm, Tháng mười hai 5, 2024

Tiệm tạp hóa mất dần thị phần

Lê Hoàng -

Giới quan sát thị trường ghi nhận, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ đang mất dần thị phần trong bối cảnh các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi liên tục mở rộng.

Hiện đại lấn lướt truyền thống

Bà Hai Thừa có một cửa hàng tạp hóa nhỏ trong một con hẻm ở đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TPHCM. Cuối năm rồi, bà quyết định đóng cửa vì tình hình kinh doanh ngày càng ế ẩm. Bà Thừa cho biết doanh thu sụt giảm mạnh, hàng hóa ứ đọng nhiều, khách quen ngày càng thưa thớt.

“Dường như họ đã chuyển sang mua ở các cửa hàng hiện đại mọc đầy trên các tuyến đường gần nơi tôi bán. Tôi bán thứ gì, các cửa hàng tiện lợi bán thứ ấy, thậm chí còn đa dạng hơn. Họ còn được gắn cái “mác” hàng chất lượng, đã được kiểm duyệt, còn tích lũy điểm cho khách mua để ưu đãi giảm giá thì làm sao mà cạnh tranh được”, bà Thừa cho biết. Sau khi đóng cửa, bà dự định sẽ cho thuê lại mặt bằng cửa hàng để lấy tiền, thay vì bỏ vốn kinh doanh vừa bị thua lỗ mà còn phải đau đầu, mất nhiều thời gian trông nom cửa hàng.

Mô hình cửa hàng tiện lợi đã phần nào “đánh” trúng tâm lý người tiêu dùng là muốn mua sắm nhanh, đầy đủ các loại sản phẩm thiết yếu, dịch vụ khách hàng tốt và cơ sở vật chất tiện nghi. Ảnh: Lê Hoàng

Không riêng gì bà Thừa, nhiều chủ nhiều cửa hàng truyền thống khác cũng cho biết công việc kinh doanh đã bị giảm nhiều kể từ khi những chuỗi cửa hàng hiện đại, cửa hàng tiện lợi, hay cửa hàng thực phẩm như Co.op Food, Satrafood,… mở trên cùng tuyến đường.

Theo kết quả khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) 2018 vừa công bố, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn còn sức hút đối với người tiêu dùng, tuy sức mua có giảm và đã xuất hiện xu hướng chuyển dịch sang các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi ). Xu hướng chuyển dịch xảy ra chủ yếu từ kênh bán lẻ truyền thống là chợ hoặc tiệm tạp hoá nhỏ lẻ, sang các kênh bán lẻ hiện đại. Nếu như năm 2016, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua sản phẩm ở chợ là 31%, thì sang năm 2017 giảm còn 11%. Tiệm tạp hoá nhỏ lẻ cũng đang xuất hiện xu hướng giảm (theo kết quả khảo sát năm 2017 so với 2018 tỷ lệ giảm từ 17% xuống còn 9%).

Khác với những nhận định từ 5 - 10 năm về trước, hiện nay nhiều chuyên gia cho rằng, xu hướng chuyển dịch này là tất yếu, và lý do chính không phải bởi các kênh bán lẻ hiện đại hút khách (tức không phải hoàn toàn do giành được khách hàng của các kênh bán lẻ truyền thống), mà chủ yếu do sự tăng trưởng về độ phủ của các kênh bán lẻ hiện đại, nên số lượng khách hàng tăng theo cơ học, chứ không phải tăng lượng khách tại từng đơn vị.

Theo báo cáo gần đây về nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) từ Kantar Worldpanel, với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới cùng với những mô hình mua sắm mới, thị trường bán lẻ trong nước được kỳ vọng sẽ sôi động hơn trong năm 2018 với mức tăng khoảng 6% tới 7%. Báo cáo cho thấy, trong quí 4-2017, kênh bán lẻ hiện đại tăng tốc với mức tăng trưởng 15%, vượt qua các kênh mua sắm truyền thống là chợ và cửa hàng tạp hóa tư nhân nhỏ lẻ.

Cửa hàng tiện lợi tăng tốc

Theo kết quả khảo sát Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của hãng tư vấn của Mỹ A.T. Kearney thực hiện, mô hình cửa hàng 24 giờ và siêu thị nhỏ (mini-mart) là phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam.

GS Retail, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc, vừa mới tham gia vào thị trường Việt Nam. Lý giải việc chọn thị trường Việt Nam để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, nhà bán lẻ này cho biết họ dựa vào tiềm năng của một nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh và có tỷ lệ người tiêu dùng từ 35 tuổi trở xuống chiếm tới 57% dân số.

Trước GS25, nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi như Circle K, B’s mart, Family Mart, MiniStop, Shop&Go... đã có mặt tại Việt Nam và mỗi thương hiệu đã phát triển hàng trăm cửa hàng. Năm ngoái, chuỗi 7-Eleven cũng đã xuất hiện ở TPHCM và đang đẩy nhanh số điểm bán với mục tiêu cả ngàn cửa hàng.

Mặt khác, việc mở điểm bán theo mô hình này được cho là không bị cản trở về chính sách. Theo Thông tư 08/2013 của Bộ Công Thương, việc lập cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500 m2 tại khu vực đã được các tỉnh, thành trực thuộc trung ương quy hoạch hoạt động mua bán hàng hóa và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng thì không phải thực hiện quy định ENT (quy định về kiểm tra nhu nhu cầu kinh tế).

Mô hình cửa hàng tiện lợi đã phần nào “đánh” trúng tâm lý người tiêu dùng là muốn mua sắm nhanh, đầy đủ các loại sản phẩm thiết yếu, dịch vụ khách hàng tốt và cơ sở vật chất tiện nghi. Tuy nhiên, so với siêu thị và cửa hàng truyền thống, mô hình cửa hàng tiện lợi, theo các nhà bán lẻ, vẫn kém cạnh tranh do giá bán hàng hóa đắt hơn. Hơn nữa, cửa hàng tiện lợi thường không có thực phẩm tươi sống.

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp Việt Nam có mô hình cửa hàng tiện lợi riêng. Không giống như chuỗi cửa hàng 24h giờ, các chuỗi cửa hàng tiện lợi của doanh nghiệp trong nước như Co.opFood, Co.op Smile, SatraFoods, Vinmart+, Hapro, Vissan... có giờ mở cửa ngắn hơn, nhưng dài hơn so với thời gian hoạt động của các siêu thị và trung tâm thương mại. Mô hình kinh doanh này giống như một siêu thị được thu nhỏ nhưng được mở rộng thành chuỗi như các cửa hàng tiện lợi và len lỏi vào các khu dân cư đông đúc.

Sự khác biệt lớn giữa mô hình trong nước và nước ngoài là trong khi cửa hàng của doanh nghiệp ngoại chú trọng cách bày biện, trang trí quầy kệ và tập trung phục vụ thức ăn tại chỗ thì các cửa hàng của doanh nghiệp trong nước tập trung vào những sản phẩm thiết yếu như thịt, rau, củ, quả  bên cạnh một số loại hàng hóa gia dụng thiết yếu như gia vị, chất tẩy rửa, dầu ăn... Chủ các chuỗi cửa hàng này cũng đang nhân rộng cửa hàng kinh doanh.

Theo các chuyên gia bán lẻ, mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi trong nước đã và đang phát huy những lợi thế khi có mạng lưới phân phối khá rộng, đi sâu vào khu dân cư, lan rộng ra vùng ven, ngoại thành với chủng loại hàng phong phú nên thu hút được người tiêu dùng. Dù không theo khuôn mẫu nào của thế giới, nhưng kênh bán lẻ này tiếp tục hứa hẹn nhiều tiềm năng, nhất là về thực phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc, đang được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.

Theo giới phân tích, cả hai loại hình cửa hàng tiện lợi nước ngoài và trong nước thông thường chỉ thành công khi có mạng lưới rộng khắp. Do đó, việc nở rộ chuỗi cửa hàng tiện lợi 24h có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là Di sản...

0
UNESCO chính thức ghi danh di sản lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật...

Việt Nam từ trên cao: Tiểu chủng viện trăm tuổi giữa...

0
(SGTT) - Nằm giữa cánh đồng lúa của huyện Tuy Phước, tiểu chủng viện Làng Sông là công trình tôn giáo nổi bật tại...

Chinh phục đỉnh Tà Năng – Phan Dũng mùa cỏ cháy

0
(SGTT) - Những ngày đầu tháng 12, cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng được nhuộm vàng bởi trảng cỏ khô trải dài....

Những thách thức với hào quang xuất khẩu của Việt Nam

0
(SGTT) - Báo cáo Việt Nam 2045 - Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi của Ngân hàng...

Thêm APG, Việt Nam có hai tuyến cáp quang biển gặp...

0
(SGTT) - Trong khi tuyến cáp quang biển AAE-1 đang gặp sự cố, chưa được khôi phục thì mới đây ghi nhận thêm một...

Khám phá ẩm thực quê hương TikToker Lê Tuấn Khang ’11...

0
(SGTT) - Sau khi được vinh danh ở hạng mục "Nhà sáng tạo nội dung giải trí của năm" do TikTok vừa tổ chức,...

Kết nối