Thứ tư, Tháng tư 2, 2025

Thuyền độc mộc trong hành trình mới của mình

A.I
(SGTT) - Bồng bềnh trên mặt hồ rộng lớn bậc nhất Tây Nguyên, thuyền độc mộc không chỉ mang trong mình văn hóa, nếp sống của xứ sở mà còn chở theo những kiếp người mưu sinh và sống qua ngày. Thế nhưng, giờ đây, những chiếc thuyền độc mộc chòng chành, miên man đã dần mờ nhạt theo dòng chảy của thời gian.

Long đong bên hồ

Với đồng bào Tây Nguyên, thuyền độc mộc hay còn gọi là Plung - gắn chặt với dòng sông, con suối. Khắp Trường Sơn - Tây Nguyên, những con thuyền không chỉ giúp con người vượt qua những dòng nước mà còn là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng, nơi gửi gắm bao nỗi niềm.

Nằm giữa những dãy núi bazan hùng vĩ, hồ Lắk – nơi hợp lưu của Krông Nô và Krông Ana – từ bao đời nay vẫn chứng kiến hình ảnh những chiếc Plung lướt nhẹ trên mặt nước. Bên bờ hồ, những buôn làng của người M’Nông, Ê-Đê như M’Liêng, Jun, Triết, Trấp từng rộn ràng tiếng người qua lại trên thuyền độc mộc. Người dân vẫn băng hồ mỗi ngày, mang theo tiếng cười, câu chuyện từ buôn làng, để lại sau lưng âm vang của mái chèo khua nước như một bản nhạc không lời của núi rừng.

Thuyền độc mộc hay còn gọi là Plung.

Thuyền độc mộc là sản phẩm thủ công độc đáo của người dân ở huyện Lắk. Từ những thân cây sao to lớn, họ tỉ mỉ đẽo gọt, dùng rìu, đục kết hợp với kỹ thuật đốt lửa để khoét lòng thuyền. Mỗi con thuyền cần đến hàng tháng trời để hoàn thiện, đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo. Không chỉ là phương tiện, mỗi chiếc Plung còn là tác phẩm nghệ thuật, mang dấu ấn bàn tay người M’Nông, Ê Đê, của những tháng ngày miệt mài bên thân gỗ, gửi gắm trong đó tình yêu với hồ nước, với những chuyến đi xa gần.

Y Sớ Ênuôl, nghệ nhân buôn Jun (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), chia sẻ để làm ra một chiếc thuyền đẹp, phải có cả quá trình chuẩn bị công phu. Trước khi chặt cây, người dân phải làm lễ cúng Yang, xin phép thần rừng. Khi thuyền được hạ thủy, lại có thêm nghi lễ cúng thủy thần, mong mọi sự thuận buồm xuôi gió.

"Thuyền có hình dáng thon dài, với đầu và đuôi hơi nhọn, giúp dễ dàng lướt trên mặt nước. Dù thiết kế có vẻ đơn giản, nhưng để tạo ra một chiếc thuyền cân bằng, vững chắc trên nước lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỹ năng cao", nghệ nhân Y Sớ Ênuôl nói.

Theo lời kể của già làng Y Thanh (buôn Jun), thuyền độc mộc không chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển, mà còn là biểu tượng văn hóa sâu sắc. Nó hiện diện trong các nghi lễ truyền thống như lễ cúng thần sông, lễ hội đua thuyền, và là minh chứng sống động cho mối quan hệ gắn bó giữa con người và thiên nhiên. Những con thuyền độc mộc đậu ven hồ, trong mắt người dân buôn làng, trở thành những nơi linh thiêng, nơi có thần nước và thần núi bảo vệ, giúp cho buôn làng được bình an, thuyền đi xuôi dòng thuận lợi.

Chính vì vậy, lễ cúng bến thuyền độc mộc đã trở thành một phong tục độc đáo, thể hiện đậm nét văn hóa tâm linh của người M'Nông. Lễ cúng bến thuyền độc mộc tại hồ Lắk, vì thế, luôn được người dân nơi đây gìn giữ, coi trọng, và là một phần không thể thiếu trong kho tàng di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lễ cúng Hạ thủy thuyền độc mộc của người dân Đắk Lắk được tổ chức với mong ước hành trình sông nước luôn thuận buồm xuôi gió.

Tưởng chừng khép lại

Cuối tháng 3, hồ Lắk lộng gió trong sáng sớm se lạnh, những đám mây trắng lửng lơ ôm lấy dãy Chư Yăng Sin xanh ngắt. Dưới bến, những chiếc thuyền độc mộc buông neo chờ mặt trời lên đưa từng người lao động qua phần đất bên kia hồ Lắk chăm sóc các loại cây trồng lúa, cà phê, bắp…tốt tươi, lần lượt cho hoa lợi quanh năm. Thi thoảng, giữa sóng nước mênh mang, một lão nông M’Nông khẽ khàng chèo thuyền, bóng dáng in lên mặt hồ như nét chấm phá trong bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ.

Dù đẹp đẽ nhưng cũng có lúc tưởng chừng những chiếc thuyền độc mộc đã khép lại sứ mệnh sau hàng trăm năm gắn bó với buôn làng. Bởi sự xuất hiện của ca nô, xuồng máy dần chiếm lĩnh mặt hồ, có thời điểm những con thuyền xưa chỉ còn lặng lẽ cắm sào ven bờ, bị bỏ quên giữa nắng mưa và dòng chảy thời gian. Nhiều người đã bán thuyền, rời sông nước để lên bờ tìm kế sinh nhai.

Chỉ còn lác đác đâu đó vài chiếc Plung âm thầm neo đậu dưới lòng sông làm chứng nhân cho một thời đã qua, có chiếc tồn tại cả trăm năm, mang theo hơi thở của bao thế hệ.

Dẫu không còn phổ biến như trước, nhưng với người M’Nông, Ê Đê, thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện mà còn là báu vật cha ông để lại. Nó lưu giữ bao ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ lớn lên cùng sông nước, với những đêm dài thả lưới, những ngày dọc ngang con nước, mơ về mùa xuân no ấm giữa đại ngàn. Trên mỗi chiếc thuyền, người dân nơi đây đã sống, lao động và hòa mình vào thiên nhiên theo cách trân trọng nhất. Mái chèo khua nhẹ, con thuyền lướt êm, hòa cùng tiếng chim hót, tiếng gió lay cành, tạo nên một bản hòa ca yên bình của sông nước Tây Nguyên.

Chở thêm hành trình mới

Những năm gần đây, thuyền độc mộc đã bước vào một hành trình mới – trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của hồ Lắk. Những chiếc thuyền chở du khách xuôi dòng, len lỏi qua những cánh rừng ven hồ, đem đến trải nghiệm nguyên sơ giữa thiên nhiên. Mỗi con thuyền có thể chở từ ba đến năm du khách, lặng lẽ đưa họ khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng. Đặc biệt, hội đua thuyền độc mộc – sự kiện diễn ra hai năm một lần và xuất hiện trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột – đã trở thành điểm nhấn văn hóa, thu hút đông đảo người dân và du khách. Mỗi mùa hội đua, cả buôn làng lại nô nức kéo về hồ, reo hò cổ vũ, cùng nhau gìn giữ một truyền thống đẹp đã trường tồn qua bao thế hệ.

Mỗi chiếc thuyền độc mộc có thể chở từ ba đến năm du khách.

Ý thức được giá trị của thuyền độc mộc, các năm trở lại đây các già làng, Ban tự quản buôn cùng những người có uy tín không ngừng vận động bà con bảo tồn nghề truyền thống. Ông Y Poan, Buôn trưởng buôn M’Liêng, chia sẻ "Chúng tôi nhắc nhở nhau giữ gìn bản sắc, không chỉ để làm du lịch mà còn để con cháu đời sau vẫn được thấy hình bóng những con thuyền độc mộc lướt trên hồ, mang theo câu chuyện của cha ông".

Giờ đây, những chiếc thuyền độc mộc chở trong mình thêm nhiệm vụ mới chở du khách đi tìm miền hoang sơ, cùng với đó là công việc bao đời, chở ngư dân đi thả lưới, lúc lại đưa chủ nhân băng qua hồ vào rẫy. Gần 40 năm nay, Y Chông người hành nghề chèo thuyền độc mộc vẫn gắn bó với con nước. Với ông, chèo thuyền không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là mối dây gắn kết với hồ Lắk, nơi ngày ngày phả gió, phả sương lên những con sóng nhỏ. “Sáng chèo thuyền ra giữa hồ, hít hà làn gió mát, ngắm đàn voi lững thững tắm mát… thế là vui rồi," ông Y Chông cười tươi, bàn tay chai sạn nắm chắc mái chèo.

Theo ông Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk, thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là di sản văn hóa quý giá. Mỗi chiếc thuyền là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phản ánh sự sáng tạo và tri thức dân gian của người M’Nông, từ khâu chọn gỗ, đục đẽo đến nghi thức sử dụng. Đặc biệt, lễ cúng bến thuyền hồ Lắk – một phong tục lâu đời – vẫn được duy trì như một cách để kết nối con người với thiên nhiên, với sông nước linh thiêng.

Tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 – năm 2025, hội đua thuyền độc mộc đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa nổi bật, không chỉ khẳng định giá trị di sản của đồng bào Tây Nguyên, mà còn góp phần đưa hình ảnh hồ Lắk đến gần hơn với du khách.

Những chiếc thuyền độc mộc, dù đã trải qua bao thăng trầm, vẫn tiếp tục hành trình của mình, lặng lẽ mà kiêu hãnh như một nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và sự phát triển bền vững của vùng đất cao nguyên này.

Tiêu Dao

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đắk Lắk xây dựng 34 tour du lịch dịp lễ hội...

0
(SGTT) - Tỉnh Đắk Lắk sẽ xây dựng 34 chương trình tour du lịch nhằm thu hút du khách dịp lễ hội cà phê...

Chinh phục hai khối đá khổng lồ trên đỉnh Chư Mư

0
(SGTT) - Đỉnh Chư H’Mu cao hơn 2.000m, hấp dẫn du khách với hai khối đá khổng lồ trên đỉnh, cùng thảm thực vật...

Lên Đắk Lắk trekking đồi cỏ Pal Sol

0
(SGTT) – Đồi cỏ Pal Sol là điểm trekking “mới nổi” ở Tây Nguyên, nằm giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai,...

Ngắm hai khối đá hình voi khổng lồ ở Đắk Lắk...

0
(SGTT) - Thuộc xã Yang Tao, huyện Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40km, cặp đá voi Cha và đá...

Chinh phục đỉnh Chư H’Mu ngắm ‘hòn Vọng Phu’

0
(SGTT) - Nằm ở khu vực giáp ranh giữa Đắk Lắk và Khánh Hòa, đỉnh Chư H’Mu là hai khối đá khổng lồ, dựng...

Trekking thảo nguyên Pal Sol xanh mướt ở Đắk Lắk

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, thảo nguyên Pal Sol trở thành điểm trekking hấp dẫn đối với nhiều du khách trong hành trình...

Kết nối