Trung Chánh
Trong khi việc phân giao chỉ tiêu của chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2014-2015 đang xảy ra không ít tranh luận thì hiện nhiều thương lái đã mạnh tay đặt tiền cọc mua lúa của nông dân.
Thương lái đánh cược với vận may
Hơn một tuần nay, nhiều thương lái đã kéo nhau đặt cọc tiền mua lúa của nông dân để “đón gió” chương trình tạm trữ với hy vọng giá lên sẽ kiếm lời.
Ông Nguyễn Văn Lộc, thương lái mua lúa tại huyện Cai Lậy, Tiền Giang, cho biết ông đã đặt tiền cọc mua 10 ha lúa IR 50404 của nông dân trong huyện để chờ ngày bán ra. Tương tự, ông Trần Văn Hùng, thương lái ngụ huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, cũng đã bỏ ra 40 triệu đồng để đặt cọc mua 20 ha lúa IR 50404.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, đa số thương lái đều không chắc giá lúa sắp tới sẽ diễn biến như thế nào. “Mọi năm, khi có tạm trữ, tôi thấy giá lúa nhích lên vài chục đồng đến cả trăm đồng/kg nên năm nay đánh cược với vận may xem sao”, ông Lộc nói.
Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, tại Tiền Giang, mức giá đặt cọc mua lúa giống IR 50404 (lúa tươi) của nhiều thương lái ở mức 4.200-4.300 đồng/kg, nhưng đa số là 4.250 đồng/kg. Tuy nhiên, việc định ngày thu hoạch lúa bị thương lái đẩy lên rất lâu, tập trung khoảng từ ngày 5 đến 15-3-2015, dù lúa ngoài đồng đã chín rục.
Dù biết giá bán cho thương lái khá thấp nhưng đa số nông dân vẫn chấp nhận bán. Ngoài việc không có điều kiện phơi sấy, họ cho rằng do lượng lúa ở mỗi hộ chỉ 5-10 tấn nên dù trữ lại và giá có tăng thêm 100-200/kg thì lợi nhuận tăng thêm cũng không đáng kể.
[box type="bio"] 17 ngân hàng cho vay mua tạm trữ lúa, gạo
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản về việc cho vay mua tạm trữ lúa, gạo vụ đông xuân 2014-2015. Theo đó, NHNN chấp thuận cho 17 ngân hàng thương mại, tăng ba ngân hàng so với năm ngoái, được phép cho vay mua tạm trữ lúa, gạo gồm BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, MHB, Techcombank, SHB, Eximbank, MB, HDBank, LienViet PostBank, ACB, TienphongBank, OCB, Việt Á, VIB và SCB.
Theo văn bản nói trên, NHNN yêu cầu các ngân hàng cân đối nguồn vốn để cho vay mua tạm trữ lúa, gạo đối với các doanh nghiệp được VFA phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ tối đa là 1 triệu tấn quy gạo, tỷ lệ quy đổi lúa, gạo là 2:1. Lãi suất cho vay với các đối tượng này tối đa là 7%/năm, thời gian giải ngân từ ngày 1-3 đến hết 15-4, thời hạn cho vay là sáu tháng và thời gian được hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay tối đa là bốn tháng tính từ ngày tạm trữ (1-3-2015).[/box]
Vẫn chưa hết tranh luận
Theo Quyết định số 241 ngày 24-2-2015 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình mua tạm trữ lúa quy gạo có hiệu lực từ ngày 1-3. Thế nhưng, việc phân giao chỉ tiêu về các địa phương cho doanh nghiệp vẫn đang xảy ra không ít tranh luận nên đến nay Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vẫn chưa thể công bố danh sách chính thức.
Tại hội nghị “Triển khai mua lúa, gạo tạm trữ vụ đông xuân 2014-2015” diễn ra tại Cần Thơ ngày hôm qua, 1-3, ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch VFA kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), nói rằng có bốn tiêu chí làm căn cứ để phân giao chỉ tiêu cho doanh nghiệp: có đăng ký thực hiện mua tạm trữ vụ đông xuân 2014-2015; đạt thành tích trong thu mua tạm trữ vụ đông xuân 2013-2014; đủ năng lực xuất khẩu và khả năng tiêu thụ hết lượng gạo tạm trữ; có tham gia mô hình liên kết cánh đồng lớn.
Ngoài ra, ông Năng còn cho biết, do khi thực hiện chỉ tiêu tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2013-2014, nhiều doanh nghiệp được VFA phân giao chỉ tiêu xuất khẩu đi Philippines (đối với hợp đồng 800.000 tấn mà hai tổng công ty lương thực đã giành được trước đó) nhưng chỉ thực hiện một phần, thậm chí trả lại hợp đồng, “nên theo gợi ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì phải xem xét có nên giao tiếp chỉ tiêu tạm trữ cho những đơn vị này nữa hay không”.
Quan điểm cá nhân của ông Năng là không nên cho những đơn vị này tiếp tục tham gia, còn nếu cho thì cũng cần đợi ý kiến của các địa phương và có biện pháp xử lý nghiêm nếu tiếp tục vi phạm.
Đối với điều kiện doanh nghiệp phải đạt thành tích trong thu mua tạm trữ vụ đông xuân 2013-2014, ông Phan Văn Sáu, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, đề nghị cần linh hoạt hơn. Bởi thực tế nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, có năng lực về kho chứa, năng lực xuất khẩu mà bị loại ra là bất cập.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Rành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, khẳng định đề xuất không phân giao chỉ tiêu tạm trữ cho doanh nghiệp vì họ trả hoặc bỏ không cung cấp gạo đi Philippines trong năm ngoái là không công bằng. Theo ông Rành, thay vì cấm doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ, cần làm rõ trách nhiệm của những đơn vị ký hợp đồng vì lỗi là do họ tạo ra. “Anh đi ký và thắng thầu với giá rẻ, rồi về giao cho người ta thực hiện, nhưng người ta biết chắc sẽ lỗ nên không tham gia là điều hiển nhiên. Đổi lại, các anh cũng vậy thôi”, ông Rành nói.
Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã khẳng định vẫn tiếp tục cho những doanh nghiệp bỏ hợp đồng cung cấp gạo đi Philippines trong năm ngoái được nhận chỉ tiêu tạm trữ vụ đông xuân 2014-2015.