(SGTT) - “Thế mạnh của tôi là luôn tìm tòi học hỏi và đầy tính sáng tạo”, đó là phương châm nghề nghiệp cũng là bí quyết thành công của đầu bếp Nguyễn Minh Nhanh, hiện là giảng viên về ẩm thực được nhiều người biết đến nhờ những món ăn ngon và đẹp mắt.
- Làm bếp: Khi nghề chọn người!
- Bếp trưởng Lãnh sự Nam Phi: từ thợ cơ khí đến đầu bếp thời 4.0
- Gặp gỡ chàng trai 9x nhưng có hơn 12 năm kinh nghiệm làm bếp
Từ năm 8 tuổi, anh Nguyễn Minh Nhanh, quê ở Cà Mau đã biết nấu ăn, hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến anh tự lập từ sớm. Tuy buộc phải lăn vào bếp nhưng anh thật sự thích công việc bếp núc. Người truyền lửa nghề bếp cho anh chính là người cha nấu ăn rất ngon. Lúc 10 tuổi, anh mê mẩn các chương trình dạy ẩm thực trên ti vi và mong ước có ngày anh sẽ tỏa sáng ở vị trí người đầu bếp dạy nấu ăn.
Nhưng niềm đam mê ấy tạm gác lại vì hồi còn nhỏ anh cũng có nhiều mơ ước khác và chưa định hướng nghề gì cụ thể. Anh cũng muốn làm kỹ sư nên sau này khi vào đại học anh đã đăng ký học ngành cơ khí.
Để có tiền trang trải việc học, anh đi làm phụ bếp. Có nhiều công việc làm thêm nhưng anh lại chọn việc phụ bếp được xem là rất vất vả. Anh chia sẻ: “Tôi không thấy công việc phụ bếp khó khăn vì đơn giản tôi đã chịu khổ từ nhỏ nên quen rồi. Dù cực nhọc mấy tôi cũng vượt qua được. Thậm chí, trong lúc rửa chén tôi lại thấy thoải mái và giảm áp lực phần nào”.
Khoảng thời gian làm phụ bếp khiến anh nhớ lại niềm đam mê thuở xưa và nhận ra nghề bếp mới chính là con đường phù hợp với anh. Sau khi tốt nghiệp, anh bỏ nghề kỹ sư và quyết định theo nghiệp bếp. Ngoài kinh nghiệm thực tế tích lũy được từ những nơi anh đã làm, anh còn học thêm các khóa đào tạo ngắn hạn về ẩm thực.
Anh nhanh chóng thăng tiến trong nghề không chỉ nhờ sự siêng năng, cần cù, chịu khó mà còn vì lòng hăng say với công việc bếp. Mỗi ngày anh làm việc từ 10 đến 12 giờ không phải do công việc bắt buộc mà vì anh yêu nghề và muốn học hỏi thêm. Chính thái độ làm việc nghiêm túc, nhiệt tình đã mang đến cơ hội trở thành bếp chính tại nhà hàng Ngon vào năm 2011.
Định hình phong cách ẩm thực riêng
Từ năm 2012 đến năm 2017, anh đã trải nghiệm công việc tại nhiều nhà hàng, khách sạn như nhà hàng Hoàng Yến, nhà hàng Thái Công, quầy món ăn Việt Nam của siêu thị Aeon Mall, khách sạn Liberty Central Citypoint.
Phần lớn công việc của anh tại những nơi này là thiết kế thực đơn các món ăn theo suất trả tiền trọn gói (buffet) và thực đơn gọi món (à la carte menu). Anh chia sẻ kinh nghiệm: “Mô hình nhà hàng buffet hay gọi món đều khác nhau. Khi nấu các món buffet, đầu bếp cần chuẩn bị và nấu các món với số lượng lớn, còn khi nấu các món theo yêu cầu của khách (à la carte), đầu bếp phải có thao tác, xử lý, nhanh gọn, chuẩn bị từng món kỹ lưỡng hơn”.
Anh am hiểu các món Việt - Á và Âu nhưng đến năm 2018, anh bắt đầu định hình phong cách ẩm thực riêng khi theo đuổi xu hướng kết hợp Á - Âu hiện đại. Quê ở Cà Mau nên anh thường nấu ăn theo khẩu vị người miền Nam. Anh nấu được rất nhiều món Việt chuẩn vị được nhiều người biết đến. Trong những món làm nên thương hiệu của anh phải kể đến món cơm tấm và phở.
Anh cho biết bản thân có sở trường ứng biến nhanh. Dù trong tủ lạnh có bao nhiêu nguyên liệu anh cũng có thể nấu thành một món ăn ngon. Món ăn của anh phải có hương thơm đặc trưng, kết hợp giữa các loại trái cây tươi và gia vị.
Trước đây anh đã từng thiết kế menu cho các tiệm bánh mì. Tuy bánh mì là món ăn phổ biến, khá bình dân, nhưng dù là món cầu kỳ hay đơn giản, anh đều tạo nên hương vị riêng. Hương vị đặc trưng của anh là sang trọng và nhẹ nhàng.
Không chỉ nấu các món truyền thống, đầu bếp Minh Nhanh còn thích sáng tạo các món ăn và chú trọng nhiều đến tính thẩm mỹ trong ẩm thực. Anh cho biết: “Theo phương châm của tôi, đầu bếp giỏi phải biết ăn ngon, trang trí đẹp và am hiểu về gia vị mới sáng tạo được nhiều món ngon”.
Món ăn phải đẹp
Năm 2018, anh không làm việc tại các nhà hàng, khách sạn mà chuyển sang một hướng đi khác, đó là giảng dạy về ẩm thực. Dù ở vị trí nào anh Minh Nhanh cũng tạo nên thương hiệu riêng. Các lớp giảng dạy của anh thu hút nhiều người nội trợ theo học.
Anh chia sẻ về nghề: “không phải đầu bếp nào nấu ăn giỏi là có thể làm nghề giảng dạy ẩm thực. Công việc này đòi hỏi nhiều yếu tố như phải có khả năng sư phạm để có thể truyền đạt tốt, dễ hiểu, chấp nhận chia sẻ kinh nghiệm và quan trọng phải yêu thích việc giảng dạy, có duyên với nghề”.
Nhờ có gu thẩm mỹ, anh Minh Nhanh còn làm nghề trang trí món ăn (food stylist). Đây là công việc trang trí, bày biện để món ăn thêm phần hấp dẫn. Anh quan niệm rằng trang trí món ăn rất quan trọng vì thực khách sẽ đánh giá món ăn từ cái nhìn đầu tiên. Để tạo nên một món ăn đẹp phụ thuộc nhiều yếu tố như thức ăn trang trí kèm phải hợp với món ăn, trang trí phụ thuộc vào bố cục từng món.
Ít ai biết được anh Minh Nhanh còn là tay phó nháy chuyên nghiệp. Những món ăn sẽ được nâng tầm hơn qua tài chụp ảnh của anh. “Tuy tôi chưa qua trường lớp đào tạo về nhiếp ảnh nhưng đã va chạm, trải nghiệm nhiều việc chụp ảnh, được học hỏi sau những lần làm food stylist. Hơn nữa, tôi có nét cảm nhận và thẩm mỹ rất riêng”, anh bày tỏ.
Hiện tại, đầu bếp Minh Nhanh vẫn bận rộn mỗi ngày với các lớp học nấu ăn và đang ấp ủ nhiều kế hoạch mới khi dịch bệnh qua đi.
Quỳnh Châu ghi