(SGTT) - Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế hoá học để hiện thực hoá ngành nông nghiệp xanh là đòi hỏi tất yếu. Tuy nhiên, làm sao để thúc đẩy nhanh quá trình này hay nói cách khác làm sao để tăng thị phần sản phẩm sinh học là vấn đề được đặt ra…
- Hút du khách bằng đặc trưng làng nghề, nông thôn xanh
- Du lịch nông thôn gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đi bền vững cho vùng ven biển
Mắt xích giữa thuốc bảo vệ thực vật và an ninh lương thực
Tại diễn đàn “sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thực trạng và giải pháp” được tổ chức mới đây ở thành phố Cần Thơ, bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng thuốc bảo vệ thực vật của Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh, thuốc bảo vệ thực vật là một trong những vật tư quan trọng, đóng góp lớn trong bảo vệ cũng như nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.
Chính vì vậy, theo bà, thời gian qua, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên thế giới ngày càng tăng. “Ngoài thuốc hoá học, thì thuốc sinh học cũng mang lại nhiều lợi ích cho quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp trên thế giới và Việt Nam”, bà Hương cho biết và nói rằng, ưu điểm của thuốc sinh học là ít để lại dư lượng, an toàn với con người, môi trường và hệ sinh thái…
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) cho biết, thuốc bảo vệ thực vật đóng góp 40-60% trong nâng cao năng suất cây trồng và 60% nâng cao chất lượng nông sản. “Thuốc bảo vệ thực vật đã thể hiện ưu điểm vượt trội, có thể phòng trừ sinh vật gây hại nhanh, triệt để, đồng loạt trên diện rộng”, ông cho biết và nói rằng, đây cũng là biện pháp khắc phục tình trạng thiếu lao động ở nông thôn.
Ông Sơn dẫn thống kê của Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, nếu không phòng trừ, dịch hại có thể gây sụt giảm 30-50% sản lượng cây trồng trên toàn thế giới. “Để bảo vệ cây trồng, thế giới đã chi 35 tỉ đô la Mỹ cho phòng trừ dịch hại và giúp mang lại lợi ích gấp 10 lần, tức đạt 350 tỉ đô la Mỹ”, ông Sơn cho biết và nói rằng, có 100% quốc gia trên thế giới dùng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sinh vật gây hại.
Trong khi đó, theo PGS-TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, cỏ dại là nguyên nhân lớn nhất gây thiệt hại cây trồng trên thế giới, chiếm khoảng 40%; sâu hại chiếm 25% và khoảng 15% là do bệnh hại… “Nếu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản lượng cây trồng có thể giảm 40-50%”, ông nói.
Xu hướng chuyển dịch mạnh sang nông nghiệp xanh
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây trồng trên thế giới là cần thiết, tuy nhiên, điều này đang là nguyên nhân dẫn đến những tác động xấu về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ người sản xuất, môi trường và cả vấn đề đa dạng sinh học…
Ông Sơn của VIPA giải thích, do nhận thấy ưu điểm của thuốc bảo vệ thực vật, người sử dụng đã bỏ qua các biện pháp kỹ thuật, lạm dụng thiếu kiểm soát dẫn đến các mặt tiêu cực đã xuất hiện.
“Ô nhiễm nguồn nước, tồn dư dư lượng trên nông sản, gây độc cho người và nhiều loại động vật máu nóng, gây mất cân bằng trong tự nhiên, suy giảm đa dạng nguồn, xuất hiện các loại sinh vật gây hại mới, thậm chí làm đảo lộn mối quan hệ các loài sinh vật trong hệ sinh thái, gây tái phát sinh vật gây hại, dẫn đến hiệu lực phòng trừ của thuốc bảo vệ thực vật giảm xuống, mất tác dụng”, ông Sơn dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Hồng của Hội làm vườn Việt Nam cho biết, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên thế giới ra đời hàng chục năm qua (áp dụng tại Việt Nam từ năm 1992 – PV) với mục tiêu giảm sử dụng thuốc hoá học, nhưng vẫn không giảm. “Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiện tăng 50% so với năm 1990”, ông dẫn chứng.
Cụ thể, mức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trung bình của thế giới là khoảng 2,26 kg/héc ta; bình quân đầu người là 0,45 kg/héc ta và bình quân sản xuất ra giá trị 1.000 đô la Mỹ sản phẩm trồng trọt sử dụng 0,86 kg thuốc bảo vệ thực vật.
Trước những tác động bất lợi của thuốc hoá học, bà Hương của Cục bảo vệ thực vật cho biết, thế giới đang chuyển hướng mạnh sang các sản phẩm sinh học khi đạt mức tăng trưởng khoảng 10%/năm.
“Dự báo từ năm 2023 đến năm 2028, thị trường thuốc sinh học đạt mức tăng trưởng khoảng 15,9%/năm, tức từ 6,7 tỉ đô la Mỹ năm 2023 sẽ tăng lên mức 13,9 tỉ đô la Mỹ vào năm 2028”, bà cho biết và đưa ra dự báo, thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ tương đương thuốc hoá học vào năm 2050.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng dành những khoản đầu tư lớn cho thuốc sinh học. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) dành 10 tỉ euro cho đổi mới công nghệ sản xuất và 4 tỉ euro cho đổi mới về thuốc sinh học.
“Có khoảng 25% diện tích đất nông nghiệp của EU sẽ dành cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ vào năm 2030”, bà Hương cho biết và nói rằng, EU cũng có nhiều chính sách liên quan hỗ trợ phát triển thuốc sinh học, nhất là cắt giảm việc sử dụng một số loại thuốc hoá học độc hại trong quá trình đăng ký sử dụng.
Trong khi đó, Trung Quốc gần đây nhất cũng có chính phát triển sản phẩm thuốc sinh học, bao gồm lập quỹ hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc sinh học với tổng vốn 800 triệu nhân dân tệ; áp dụng chính sách cắt giảm thời gian đăng ký thuốc sinh học hay miễn, giảm thuế về buôn bán, sản xuất. “Đặc biệt, họ cũng xây dựng rất nhiều mô hình để trình diễn thuốc sinh học”, bà Hương nói.
Để Việt Nam thành công “loại bỏ” thuốc hoá học
Trong khi đó, đối với Việt Nam, bà Hương cho biết, từ năm 2015, Quốc hội đã ban hành Luật bảo vệ kiểm dịch thực vật và hệ thống các văn bản hướng dẫn để thực hiện các nội dung liên quan. “Bên cạnh đó, một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng xác định sử dụng thuốc sinh học là một trong những nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững”, bà cho biết.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam hiện vẫn chủ yếu là các sản phẩm hoá học khi lượng sinh học chỉ chiếm chưa đến 19%.
Cụ thể, vào năm 2020, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình của Việt Nam là khoảng 3,81 kg/héc ta và giảm xuống còn 3,19 kg/héc ta vào năm 2023 (ước đạt), trong đó, lượng thuốc sinh học (năm 2022) chiếm khoảng 18,49%.
Để tăng mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm tác động bất lợi đối với môi trường, sức khoẻ người sản xuất và cả đa dạng sinh học, không còn cách nào khác phải chuyển sang hướng bền vững hay nói cách khác cần loại bỏ dần thuốc hoá học độc hại trong sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Hồng, động lực chính để phát triển thuốc sinh học, đó là chiến lược phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ.
Thực tế, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai đề án 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long- là động lực để thúc đẩy phát triển thuốc sinh học ở Việt Nam.
Một điều kiện thuận lợi khác để Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung chuyển sang hướng bền vững, theo ông Hồng, đó là chi phí sản xuất thuốc hoá học mới rất cao. “Hiện nay, để đưa ra được một hoạt chất thuốc hoá học cần hơn 300 triệu đô la Mỹ, trong khi còn số này vào năm 1956 là 1,2 triệu đô la Mỹ và năm 2016 là 280 triệu đô la Mỹ”, ông dẫn chứng.
Xét về thời gian, để nghiên cứu được một hoạt chất thuốc hoá học mới cần 10 năm và cần thêm 3-5 năm để được cấp phép, trong khi thuốc sinh học chỉ mất 3-4 năm nghiên cứu và thời gian chờ cấp là 0,5-2 năm. “Đây sẽ là động lực để thuốc sinh học được nghiên cứu và đưa vào sản xuất nhiều hơn”, ông Hồng nói.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An- đơn vị được mệnh danh là “vua” chuối gợi ý, muốn gia tăng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thì phải dễ sử dụng, hiệu quả và giá thành phải chăng.
Theo ông, cần thúc đẩy truyền thông về tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. “Chẳng hạn, ở Nhật Bản, họ sử dụng dầu gỗ, để cách ly côn trùng”, ông dẫn chứng và giải thích, công ty thuốc bảo vệ thực vật sinh học giới thiệu đó là sản phẩm NF48, có tác dụng cắt “ăng ten” liên lạc của các loại sinh vật gây hại, làm nó mất cảm giác đói, thậm chí không thể động dục giữa con đực và con cái để gia tăng mật số.
Cũng theo ông Huy, các quốc gia tiên tiến trên thế giới đã phát triển được rất nhiều sản phẩm mới, cho nên, vấn đề là làm sao đưa về Việt Nam nhanh hơn. “Việc này (đưa sản phẩm sinh học từ nước ngoài vào Việt Nam – PV) liên quan thể chế quản lý của ngành nông nghiệp, tức phải khuyến khích sản phẩm bền vững, hạn chế sản phẩm nguy hại”, ông cho biết.
Trong khi đó, ông Hồng đề nghị, cần kéo dài thời gian hiệu lực đăng ký của thuốc sinh học lên 10-15 năm để khuyến khích. “Ngoài ra, cần ban hành danh mục thuốc sinh học có độ rủi ro thấp; đơn giản hoá thủ tục đăng ký; loại bỏ một số yêu cầu về thử nghiệm…”, ông gợi ý.
Trung Chánh