Ngành du lịch Đà Nẵng đang nghiên cứu tái cơ cấu để bước vào chu kỳ phát triển mới sau giai đoạn phát triển mạnh và dần bước vào giai đoạn suy thoái.
Giảm bớt sự chi phối từ một vài thị trường
Đà Nẵng sẽ chú trọng điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng về lượng khách phù hợp cơ cấu lại thị trường để đảm bảo không ảnh hưởng đến mục tiêu về thu nhập du lịch, đóng góp của ngành du lịch vào GRDP (Tổng thu nhập theo địa bàn) của thành phố. Cụ thể, đến năm 2025, cơ cấu giữa thị trường quốc tế và nội địa (có lưu trú) là 50-50; trong khi đó, cơ cấu thị trường quốc tế là châu Âu - Bắc Mỹ chiếm 20%, Đông Bắc Á là 57%, Đông Nam Á (gồm ASEAN và Úc, New Zealand) là 20% và thị trường khác (Trung Đông, Nga…) là 3%.
Trong khi đó, đến năm 2030, khách từ Châu Âu - Bắc Mỹ chiếm 30%, Đông Bắc Á là 40%, Đông Nam Á (gồm ASEAN và Úc, New Zealand) là 25,0% và thị trường khác (Trung Đông, Nga…) là 5%.
Những con số này được đề cập trong Đề án cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mới vừa được Sở Du lịch Đà Nẵng công bố.
Theo định hướng phát triển thị trường nêu trên, trong thời gian tới, mục tiêu của du lịch Đà Nẵng là phải thay đổi cơ cấu thị trường phân theo khu vực địa lý.
Hiện tại, khách du lịch đến từ khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là khách du lịch Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao (chi phối) trong cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng. Tuy nhiên, mức chi tiêu trung bình của khách từ những thị trường này, đặc biệt là khách Trung Quốc là khá thấp.
Kết quả điều tra 2017 cho thấy mức chi trung bình ngày của khách Trung Quốc tại Đà Nẵng chỉ là 883.000 đồng/khách/ngày, vào nhóm khách có mức chi thấp nhất tại Đà Nẵng. Tuy nhiên đây là những thị trường gần và Trung quốc là thị trường lớn nhất thế giới đồng thời cũng là thị trường ưu tiên của du lịch Việt Nam.
Vì vậy, việc điều chỉnh cơ cấu khách từ Hàn Quốc, Trung quốc và bổ sung Đài Loan cần theo hướng đảm bảo lượng khách từ 2 thị trường này không chiếm tỷ lệ mang tính “chi phối” để hạn chế những rủi ro khi xảy ra khủng hoảng làm lượng khách giảm đột ngột. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu đảm bảo tính hiệu quả với việc tập trung khai thác các phân khúc cao cấp có nhu cầu sản phẩm du lịch phù hợp với khả năng “cung” của Đà Nẵng.
Trong thời gian tới, Đà Nẵng cần đẩy mạnh thu hút khách từ các thị trường xa, song có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như Tây Âu, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương, Nga, Ấn Độ, Trung Đông.
Cụ thể, thị trường khách du lịch Úc và New Zealand được xem là những thị trường gần về địa lý và có đặc điểm tương đồng. Đây được coi làm một trong những thị trường khách du lịch có mức chi tiêu cao khi đi du lịch nước ngoài. Năm 2018, với 11,9 triệu khách du lịch Úc đi du lịch nước ngoài với tổng chi tiêu tại nước ngoài là 38,6 tỉ đô la Mỹ, trung bình một khách du lịch Úc chi tiêu khoảng 3.244 đô la Mỹ/chuyến đi. Thị trường New Zealand có mức chi trung bình khoảng 3.626 đô la Mỹ/chuyến đi.
Thị trường khách du lịch Tây Âu (Anh, Pháp, Đức) có lượng khách đi nước ngoài cũng như khả năng chi tiêu du lịch lớn hàng năm. Khách Anh, Pháp, Đức chi tiêu trung bình cho một chuyến đi Việt Nam lần lượt là 1.686,2 đô la Mỹ, 1.592,6 đô la Mỹ và 1.906,8 đô la Mỹ.
Ngoài các thị trường Anh, Pháp, Đức, các thị trường Tây Âu khác có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày cũng cần quan tâm như Hà Lan, Áo, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Ý… Thị trường Nhật Bản và Mỹ cũng đầy tiềm năng khi Covid-19 được kiểm soát.
Hướng đến khách nội địa chi tiêu cao
Kết quả phân tích hiện trạng du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2013-2019 cho thấy, tỷ trọng thị trường nội địa trong cơ cấu thị trường giữa khách quốc tế và khách nội địa có xu hướng giảm từ 76,2% đối với khách tham quan và 74,6% đối với khách có lưu trú năm 2013 xuống tương ứng là 59,5% và 40,1% năm 2019. Nếu không có giải pháp thì xu hướng này sẽ tiếp diễn, dẫn đến tình trạng mất cân đối ngày càng lớn về tỷ trọng khách nội địa trong cơ cấu thị trường chung.
Kết quả là trong tương lai, khi mức chi tiêu trung bình của khách du lịch nội địa tăng thì sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả tăng trưởng du lịch của Đà Nẵng. Vai trò của du lịch nội địa sẽ càng trở nên có ý nghĩa trong bối cảnh du lịch phải đối mặt với những yếu tố rủi ro như tác động như dịch bệnh Covid-19 vừa qua khiến thị trường quốc tế giảm đột ngột.
Như vậy, một cơ cấu hợp lý giữa khách quốc tế và nội địa (có lưu trú) đối với điểm đến du lịch Đà Nẵng với chức năng vừa là “Cửa đến” và vừa là điểm đến - Trung tâm du lịch miền Trung, có khả năng “chống chịu” với sự sụt giảm đột ngột của thị trường quốc tế sẽ là 45,0% - 55,0%. Vấn đề quan trọng là cần tập trung ưu tiên khai thác thị trường nội địa từ trung đến cao cấp từ các đô thị lớn, đặc biệt là từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, một vấn đề cần lưu ý là mùa khách du lịch nội địa thường “ngược” với mùa khách du lịch quốc tế, vì vậy việc sụt giảm khách du lịch nội địa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh du lịch tại điểm đến trong mùa thấp điểm của khách du lịch quốc tế.
Chính vì vậy, cần điều chỉnh để đảm bảo cơ cấu khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế (có lưu trú) với tỷ trọng hợp lý là 75:25 trong mùa cao điểm khách nội địa (từ tháng 5-10) và 30:70 trong mùa thấp điểm khách nội địa (từ tháng 11 - tháng 4 năm sau).
Để nâng cao tính hiệu quả từ thu nhập từ thị trường nội địa, với tư cách là trung tâm du lịch miền Trung, Đà Nẵng cần hướng đến việc khai thác các phân khúc thị trường cao cấp của thị trường nội địa, đặc biệt từ các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng,...
Cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ
Theo ghị nhận thực tế, một trong những yếu tố hạn chế chất lượng tăng trưởng của du lịch Đà Nẵng là chưa có được sản phẩm du lịch đêm với trọng tâm là văn hóa, vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm và tham quan du lịch. Ở nhiều điểm đến du lịch phát triển, du lịch mua sắm rất được coi trọng phát triển để góp phần tăng mức chi tiêu của khách du lịch tại điểm đến.
Hiện nay, sản phẩm du lịch mua sắm đang manh nha hình thành mà tiêu biểu là “Chợ đêm Sơn Trà”. Tuy nhiên, với chức năng của điểm đến Đà Nẵng và yêu cầu phát triển, cần thiết phải hình thành và phát triển một “Tổ hợp giải trí” riêng biệt, quy mô ở cấp độ vùng hoạt động 24/7; đầu tư Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo; Phố Du lịch An Thượng, các trung tâm thương mại, khu phi thuế quan và “outlet”; bổ sung các dịch vụ trải nghiệm vào ban đêm tại các điểm văn hóa, tham quan du lịch...
Việc hình thành sản phẩm du lịch này có ý nghĩa quan trọng đối với định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng hướng đến một “Điểm đến du lịch không ngủ”, qua đó góp phần tích cực nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch, tăng thu nhập của điểm đến.
Với việc nâng cấp và phát triển mới các nhóm sản phẩm du lịch trên, cơ cấu sản phẩm du lịch Đà Nẵng sẽ có được sự điều chỉnh đáp ứng được việc điều chỉnh thị trường du lịch, qua đó góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển của du lịch Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần hình thành và phát triển các nhóm sản phẩm du lịch chính và nhóm sản sản phẩm du lịch bổ sung mới để đón bắt xu hướng phát triển của du lịch thế giới và đáp ứng nhu cầu của thị trường, chú trọng đáp ứng các nhu cầu/ sở thích đặc biệt của khách du lịch.
Nhóm sản phẩm du lịch thể thao-mạo hiểm là nhóm sản phẩm rất có tiềm năng phát triển ở Đà Nẵng dựa trên việc khai thác tính đa dạng của địa hình, điều kiện khí hậu và vùng biển đẹp. Cho dù trong thời gian gần đây, một số sản phẩm du lịch thuộc nhóm sản phẩm này đã manh nha hình thành như dù lượn núi Sơn Trà, chơi golf, đua thuyền buồm, thể thao bãi biển,... tuy nhiên, nhìn chung đây là nhóm sản phẩm còn chưa phát triển tại Đà Nẵng.
Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái và cộng đồng là nhóm sản phẩm mà Đà Nẵng có tiềm năng song còn chưa phát triển; việc phát triển nhóm sản phẩm này có ý nghĩa góp phần quan trọng đối với nỗ lực cơ cấu lại hệ thống sản phẩm du lịch của Đà Nẵng.
Phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao và nhóm sản phẩm du lịch thiền - chữa bệnh – chăm sóc sức khỏe cũng là một xu thế mới mà Đà Nẵng có tiềm năng để khai thác tạo thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách và phù hợp với định hướng phát triển du lịch.
Nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, nhóm sản phẩm du lịch tham quan và nhóm tham quan cảnh quan, tham quan các di tích lịch sử văn hóa, tham quan các bảo tàng, công trình văn hóa, tham quan làng nghề và du lịch MICE là các nhóm sản phẩm cơ bản, truyền thống cần được phát triển.
Một trong những giải pháp quan trọng được đề án đặt ra là đổi mới công tác quản lý du lịch và tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch, phân định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa phương cấp huyện trong quản lý điểm đến du lịch, trong đó nâng cao vai trò và trách nhiệm cho Sở Du lịch trong tổng thể quản lý nhà nước về du lịch; phát triển các mô hình hợp tác công – tư trong quản lý khai thác các khu, điểm du lịch. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển du lịch, cũng như tăng cường liên kết trong nước và quốc tế để phát triển du lịch.
Nhân Tâm
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online