Khi màn đêm buông xuống, người dân thành thị bắt đầu chìm vào giấc ngủ sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi thì lại là lúc những người nông dân ở ngoại thành và các tỉnh lân cận bắt đầu một ngày mưu sinh mới. Họ thức dậy từ lúc 1-2 giờ sáng để kịp mang hàng hóa nông sản, rau quả vào nội thành Hà Nội để bán.
Người sống về đêm
Minh Đạt, nhà ở huyện Sóc Sơn, kể đêm nào cũng vậy, cứ tầm 1 giờ sáng là tiếng chuông đồng hồ báo thức đổ dồn dập, anh trở giấc để chuẩn bị hàng, rồi vượt quãng đường gần 30 km mang rau vào chợ Mai Dịch (Cầu Giấy) để bán. “Một tháng có 30 ngày thì tôi có mặt ở chợ đêm này gần như đủ cả, trừ hôm nào ốm đau hay nhà có việc bận. Mất ngủ thường xuyên, nhưng lao động vào ban đêm còn đỡ mất sức hơn ban ngày”, anh Đạt tâm sự.
Không nói ra, nhưng nhìn phương tiện vận chuyển thấy công việc này khá vất vả với Đạt. Hàng đêm, anh vẫn chở rau ra chợ bằng chiến xe đạp cà tàng của mình. Với khoảng 100 kg rau trên xe, anh đi mất khoảng hai giờ mới tới chợ; ngày nào xe bị hỏng, sửa xong mang hàng tới chợ đã tảng sáng, phải chấp nhận bán rau rẻ hơn vì chợ đã gần tan. Thậm chí có ngày phải dong xe đi bán lẻ cho hết rau.
Chẳng riêng gì anh Đạt, những người nông dân trồng rau, rồi mang vào thành phố bán đều phải thức dậy rất sớm. Với những người ở các huyện ngoại thành như Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, quãng đường tới chợ gần nên họ có thể dậy muộn hơn, khoảng 2-3 giờ sáng vẫn còn kịp, vì chợ rau thường họp đông đúc nhất lúc 4-5 giờ. Còn đối với những người ở các tỉnh xa như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên...
thì phải thức giấc từ lúc nửa đêm.
Chị Lê Thị Hà, quê ở Bắc Ninh, cho biết mặc dù đã có xe máy chở hàng nhưng đêm nào chị cũng chỉ ngủ được vài giờ. “Tôi hay đi ngủ vào lúc 10 giờ tối và thức dậy lúc 12 giờ đêm, sau đó chất hàng rồi phóng một mạch đến Chợ Mơ. Vậy mà nhiều hôm, mình vẫn chưa phải là người tới chợ sớm nhất”, chị Hà nói.
Những người đi bán rau đêm, ai đã cố gắng “lên đời” được chiếc xe máy thì họ nhàn hạ hơn rất nhiều, còn những ai nghèo khó, muốn lấy công làm lời, phải đánh đổi bằng sức khỏe, phải gò lưng đạp xe chở hàng. Đường bằng phẳng thì chẳng nói làm gì, đằng này hành trình mà họ phải vượt qua là các cung đường đầy ổ trâu, ổ voi và nhiều dốc cao.
Nhộn nhịp chợ rau đêm
Nếu như người nông dân trồng rau cực khổ, phải cắt nửa giấc ngủ để mang rau ra chợ bán thì những tiểu thương ở chợ vất vả không kém, khi hàng đêm họ cũng không yên giấc, cũng phải tất bật mưu sinh từ nửa đêm để có thu nhập cho cuộc sống bộn bề những khó khăn này.
Hàng ngày, người dân thành phố tiêu thụ một khối lượng rau quả khá lớn, và các chợ đêm hình thành ở nhiều địa điểm trong các quận nội thành để trung chuyển rau đi khắp nơi trong thành phố. Khung cảnh, không khí ở chợ rau đêm nào cũng đông đúc, nhộn nhịp kẻ bán người mua.
Đến chợ rau quả đêm Mai Dịch, một trong những chợ bán buôn rau quả lớn của thành phố, vào lúc 3 giờ sáng, chúng tôi thấy toàn khu chợ đã có đến cả ngàn người đứng, ngồi xung quanh các sọt hàng hóa đầy ăm ắp. Cùng lúc đó, những xe thồ rau vẫn ùn ùn kéo tới chợ. Giao dịch mua bán diễn ra dưới ánh sáng đèn cao áp vàng lờ mờ, được hỗ trợ thêm bằng ánh sáng từ những chiếc đèn pin được người dân mang theo để soi hàng hóa cho rõ. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng mặc cả giá... cứ đan xen vào nhau, nghe huyên náo cả một vùng.
Vì là chợ bán buôn (bán sỉ) nên người mua lẻ không có, và do vậy giao dịch cũng diễn ra nhanh chóng. Ở chợ đêm không có cảnh nói thách giá cao như chợ ban ngày, giá bán chỉ chênh lệch chút đỉnh so với giá chủ hàng phát ra. Có lúc, người ta không nói thách vì khách mua toàn là người quen, bạn hàng lâu ngày nên giá đã được thống nhất, không cò kè, lên xuống.
Chợ rau đêm Mai Dịch là nơi thu hút nguồn rau quả từ cửa ngõ phía Tây-Bắc của thành phố với nguồn hàng phong phú theo kiểu mùa nào thức nấy. Chợ cũng có khá nhiều sản phẩm rau cao cấp được trồng từ Đà Lạt, Trung Quốc, Thái Lan... được chuyên chở bằng xe lạnh tới.
Tới chợ rau đêm Đồng Xuân- Bắc Qua, chúng tôi được hòa mình vào không khí nhộn nhịp và dòng người mua bán đông nghẹt. Tất cả các ngõ phố như Hàng Khoai, Hàng Gạo, Nguyễn Thiệp, đường Trần Nhật Duật kéo dài cho tới tận khu vực chợ Long Biên... rau quả được bày bán ngổn ngang. Ở chợ này, nhiều người mua sỉ với khối lượng lớn để mang đi các tỉnh khác nên có khá nhiều ô tô, xe tải loại nhỏ đứng đợi chở hàng. Trước đây, rau chỉ về chợ theo mùa, nhưng hiện ở chợ đêm này người ta có thể mua bất kỳ loại rau nào, ở bất kỳ mùa nào cũng có. Đó là nhờ ứng dụng giờ khoa học kỹ thuật canh tác hiện đại, rau trồng được quanh năm, không còn theo mùa như trước.
Ngoài các khu chợ trên, nói đến chợ rau đêm ở Hà Nội phải kể đến các khu chợ khác nhộn nhịp không kém, đó là Chợ Mơ, chợ Hôm-Đức Viên, Chợ Ngã Tư Sở, chợ Đền Lừ...
Có đi và thức cùng thành phố mới hiểu cuộc sống về đêm không êm đềm, tĩnh lặng, bởi ở đó vẫn có không ít cảnh đời không ngủ để mưu sinh, để lo miếng cơm manh áo cho bản thân và gia đình. Công việc của những người buôn bán rau đêm bình dị, mộc mạc tựa như chiếc bánh xe thồ chầm chậm quay đều qua những cung đường mỗi đêm.
Có điều, hầu hết các chợ rau đêm được họp tại ngã ba, ngã tư đường phố nên ít nhiều ảnh hưởng tới giao thông đô thị, nhất là 4-5 giờ sáng khi mật độ xe cộ đã bắt đầu đông đúc. Nhiều ý kiến cho rằng chính quyền thành phố nên quy hoạch các chợ rau đêm nói riêng và các chợ đêm nói chung, để không ảnh hưởng tới giao thông. Mặt khác, nếu các chợ rau được quy hoạch thì nhiều con đường sẽ không còn bị ô nhiễm bởi rác thải từ chợ vào mỗi sớm mai khi thành phố thức dậy.
Việt Cường