(SGTT) - Những ngỡ trà sẽ bị lu mờ bên cạnh những loại nước uống có ga, bật lon kêu tanh tách của cuộc sống hiện đại, chỉ người có tuổi mới dùng trà. Nhưng người trẻ không chỉ uống trà theo cách mà ông bà, cha mẹ họ từng uống mà còn hào hứng trải nghiệm những phong cách trà từ khắp nơi trên thế giới.
Giữa một Sài Gòn cởi mở với cái mới, những phong cách trà từ nhiều vùng miền trên đất Việt và từ khắp nơi trên thế giới có cơ hội được tiếp nhận, nào là trà cung đình Huế, trà Trung Hoa, trà Anh… Do đó, người trẻ ngày nay có nhiều sự lựa chọn về trà hơn cha mẹ, ông bà của họ ngày trước. Với họ, uống trà không chỉ đơn thuần là uống một tách trà mà còn là mối quan tâm đến xu hướng của trà trên thế giới, đến không gian của bữa trà và đến sự phong phú, đa dạng trong hương thơm trà.
Đa dạng trà cho người trẻ
Trà thảo mộc là một trong số những loại trà được nhiều bạn trẻ yêu thích. Bởi lẽ, loại trà này đa phần được làm từ hoa quả khô hoặc cây thảo mộc có mùi rất thơm mà không chứa nhiều cafein gây kích thích như các loại trà vị đắng. Trà thảo mộc được pha trong ấm thủy tinh, cho phép người ta nhìn ngắm những bông hoa, quả bên trong, sự biến đổi màu đậm dần của ấm trà, cảm nhận hương vị của nó trước khi uống. Người thưởng trà có thể lựa chọn giữa các loại trà hoa hồng, trà hoa cúc, trà tâm sen hay một sự pha trộn tinh tế các vị trà của chủ quán.
Hương trà ấm lan tỏa qua các giác quan để thấm vào tận trong tâm trí. Hít một hơi trà thảo mộc sau vài giờ làm việc căng thẳng thấy đầu óc như được giãn ra, sự mệt mỏi cũng tan biến.
Một loại trà cũng cho người uống được đắm trong hương thơm và ngọt là trà Anh với các loại trà giàu hương, ít vị như trà Bá tước, trà Darjeeling, trà English Breakfast… Loại trà này được thưởng thức kèm với đường hoặc sữa tươi và dùng kèm với bánh ngọt, mứt dâu, kem tươi, thích hợp với những người hảo ngọt, đặc biệt là các cô gái trẻ.
Trà sữa lại là một phong cách trà hoàn toàn khác, dường như không còn nhiều nét tương đồng với trà truyền thống. Tuy nhiên, đây lại là phong cách trà được giới trẻ yêu thích hơn cả.
Trà sữa không chỉ là món “khoái khẩu” mà còn là một cái cớ để các bạn trẻ tụ tập, trò chuyện với nhau, để chụp hình đăng Facebook (check-in). Trong một thời đại mà các bạn trẻ ngày càng chuộng việc thể hiện cá tính, khác biệt cho mình, cũng là cơ hội làm ăn của các ông chủ quán trà hiện đại. Họ trang trí quán cho thật ấn tượng để chiều lòng những vị khách trẻ, họ cũng tăng thêm nhiều khẩu vị ngọt ngào, the mát, thơm béo cho trà, như trà sữa đậu đỏ, trà sữa khoai, trà sữa bạc hà…
Nhiều người trẻ tìm hiểu trà truyền thống
Tuy có nhiều loại trà “trẻ” vậy nhưng trà truyền thống vẫn có một chỗ đứng nhất định trong lòng giới trẻ. Tại nhiều quán trà Việt truyền thống ở TPHCM, vẫn có những bạn trẻ tìm đến để học tìm hiểu về nghệ thuật pha trà theo lối truyền thống. Đó là lý do mà tại Kỳ Trà quán, quán trà Hương Trà Việt, quán trà truyền thống phương Đông Orientea, hay rất nhiều quán trà truyền thống khác tại TPHCM luôn đón một lượng khách trẻ đến để thưởng trà, tìm về những giá trị truyền thống.
Nghệ thuật pha trà Việt Nam tương đối cầu kỳ với trà xanh, trà ô long được pha trong bộ pha trà gồm muỗng múc trà, khơi trà, cung nhãn, ấm tử sa, chén tống. Trong đó, khơi trà là một chiếc que dùng để gạt bớt trà sau khi dùng muỗng múc trà ra từ lọ hoặc thông ấm trà, giúp lá trà trong ấm không bị nén lại, cung nhãn trà là dụng cụ đựng trà sau khi múc trà ra từ lọ, ấm tử sa là loại ấm trà làm từ đất sét lấy từ vùng Nghi Hưng (Trung Quốc) chứa các khoáng chất có lợi mà các loại ấm đất khác không có, chén tống là dụng cụ để làm đều vị trà bằng cách rót trà từ ấm trà ra chén tống rồi mới rót vào từng tách trà.
Theo chị Ngọc Diệp của Kỳ Trà quán, để có một ấm trà ngon, người pha trà phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên đun sôi nước rồi tráng ấm trà để vệ sinh ấm. Tiếp đó, cho trà vào cung nhãn, việc này giúp người pha trà quan sát rõ màu sắc và mùi hương trà cũng như đong lượng trà hợp lý. Sau đó, chế nước sôi vào tống rồi chờ cho nguội xuống còn 80 đến 90 độ thì tráng trà để lọc bụi, công đoạn này gọi là đánh thức lá trà. Nước không được quá nóng nếu không sẽ làm cháy trà, mất đi hương thơm. Rồi dùng cây gắp để tráng đều chén uống trà với nước nóng. Sau đó, chế nước nóng vào ấm trà và ngâm trong 15 giây. Trước khi rót trà vào ly, cần rót trà ra tống để bảo đảm khi rót trà vào tách thì từ tách trà thứ nhất cho đến tách cuối cùng đều có cùng một vị. Đây gọi là uống trà bình đẳng.
Tạm kết
Dù là loại trà nào, truyền thống hay hiện đại thì tách trà thơm cũng là một yếu tố giúp cuộc trò chuyện thêm phần thú vị và thân tình. Đầu xuân uống một chén trà, cùng nhau chia sẻ những dự định cho năm mới quả là một trải nghiệm thư thái, giản dị.
Thiên Nhiên