Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Thu thuế TMĐT: Cần sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan chức năng

(SGTT) - Việc tạo lập hành lang chính sách sao cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh trong “sân chơi” thương mại điện tử (TMĐT) chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng những động thái của các cơ quan quản lý gần đây, đặc biệt là với vấn đề thuế, cho thấy họ đang nỗ lực để cải thiện tình hình.

Có hai cách để các doanh nghiệp, cá nhân thanh toán hợp đồng đăng quảng cáo trên Google và Facebook. Cách thứ 1, ký hợp đồng và thanh toán qua các đại lý quảng cáo của Google, Facebook tại Việt Nam. Cách thứ 2, ký trực tiếp với Google, Facebook. Nếu ở cách thứ 1, doanh nghiệp thanh toán cho đại lý và cơ sở này sẽ thay mặt Google, Facebook thực hiện nghĩa vụ đóng thuế tại Việt Nam thì ở cách thứ 2, doanh nghiệp thanh toán trực tiếp cho Google hoặc Facebook bằng thẻ thanh toán quốc tế – doanh nghiệp TMĐT nước ngoài bán được dịch vụ quảng cáo ở Việt Nam nhưng lại “né” được việc phải đóng thuế tại Việt Nam.

Tình trạng này được các doanh nghiệp TMĐT trong nước đề cập đến rất nhiều, họ gọi đây là “một sự bất công” về nghĩa vụ đóng thuế. May thay, hành lang chính sách được ban hành gần đây đã đưa ra những quy định nhằm khắc phục những những điều này.

Luật Quản lý thuế sửa đổi: điểm mới đáng chú ý
Tại cuộc hội nghị phổ biến những điểm mới của Luật Quản lý thuế sửa đổi – được Quốc hội thông qua vào tháng 6 vừa qua, sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020 – được tổ chức mới đây, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, cho biết một trong những điểm mới của Luật này ghi là trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nhà cung cấp ở nước ngoài dù không có cơ sở thường trú tại Việt Nam phải có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện các việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Nghĩa là, nếu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới (không mở công ty hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam) không kê khai nộp thuế thì cơ quan chức năng sẽ dùng biện pháp khấu trừ tại nguồn.

Được biết, Tổng cục Thuế đã có Công văn 2501/TCT-CS hướng dẫn khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google, YouTube. Theo đó, các doanh nghiệp này dù không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam phải nộp thuế nhà thầu (bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp). Việc nộp thuế này được thực hiện thông qua doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ quảng cáo của các doanh nghiệp nước ngoài – nghĩa là nộp thuế thay. Và các doanh nghiệp Việt có trách nhiệm khấu trừ số thuế này trước khi thanh toán phí dịch vụ cho Facebook, Google. Sau khi nộp thuế thay, doanh nghiệp Việt Nam được sử dụng chứng từ nộp thuế thay cho các doanh nghiệp nước ngoài để khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Ông Huy cũng cho biết, Luật Quản lý thuế hiện hành có điều 27 quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn của các ngân hàng thương mại là: khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam. Song ông Huy cũng cho rằng đây là vấn đề khó không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Tạo sự công bằng ở mảng dịch vụ truyền hình

Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, ông Trần Văn Úy đã đề nghị Nhà Nước phải có chính sách quản lý bình đẳng giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trong và ngoài nước nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp nội phải tuân thủ pháp luật về thuế trong khi doanh nghiệp nước ngoài thì không.

Ông Úy dẫn ví dụ, một bộ phim nước ngoài có bản quyền được các doanh nghiệp nội cung cấp trên hệ thống của họ phải chịu các loại thuế, như thuế bản quyền 10%, thuế giá trị gia tăng 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 20%. Trong khi, một chương trình truyền hình tương tự của nước ngoài – có cài sẵn các nội dung quảng cáo phát cho người Việt Nam trong nước xem – nhưng không chịu các khoản thuế có liên quan đến quảng cáo, nghĩa là phía Nhà Nước không thu được đồng thuế nào từ các chương trình quảng cáo này.
Hiện các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam được quản lý theo Nghị định 06/2016/NĐ-CP. Trong Nghị định này chưa có quy định điều chỉnh cụ thể đối với các dịch vụ truyền hình cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, như Netflix, iflix, Apple TV, Tencent…

Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành việc sửa đổi như bổ sung thêm các quy định về quản lý dịch vụ nội dung cung cấp trên Internet, trên thiết bị di động, nội dung cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Việc các nền tảng cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến xuyên biên giới nêu trên vào cung cấp dịch vụ tại Việt Nam ngày càng nhiều làm cho doanh nghiệp trong nước lên tiếng về chính sách quản lý sao cho công bằng cũng là điều dễ hiểu. Và Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18-1-2016 tạo môi trường cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trong và ngoài nước cạnh tranh bình đẳng.

Có thể thấy Chính phủ đã cương quyết hơn trong vấn đề về thương mại xuyên biên giới khi trong các cuộc hội thảo gần đây về thương mại xuyên biên giới, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, luôn nhấn mạnh Việt Nam là một nước có chủ quyền, các doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam hoạt động kinh doanh phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật Việt Nam. Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp về pháp lý, kinh tế và kỹ thuật để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ luật pháp.
Như vậy, Luật Quản lý thuế sửa đổi mới được Quốc hội thông qua đã tính đến việc quản lý đối với lĩnh vực kinh doanh trực tuyến, xuyên biên giới nhưng việc thu thuế đối với hoạt động này vẫn chưa dễ dàng, cần sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan chức năng trong thời gian tới.

Vân Oanh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Một nhà bán hàng B2B Việt được Alibaba.com tôn vinh

0
(SGTT) - Bà Xuân Hải Yến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Proline được Alibaba.com vinh danh là nhà...

Vì sao độ nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP vẫn...

0
(SGTT) - Các sàn thương mại điện tử đang hỗ trợ người bán sản phẩm OCOP đẩy mạnh bán nông sản, cộng thêm vào...

ShopeePay bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử...

0
(SGTT) - Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ShopeePay do không...

Vì sao Temu tới Việt Nam?

0
(SGTT) - Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ước đạt 14,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024, trong đó, sản...

Temu và lỗ hổng quảng cáo

0
(SGTT) - Luật Quảng cáo hiện hành quy định rõ tại điều 20 về điều kiện quảng cáo: “Quảng cáo về hoạt động kinh...

Nhà sản xuất nhỏ ‘liêu xiêu’ trước làn sóng hàng giá...

0
(SGTT) - Các cơ sở gia công sản xuất tiêu dùng trong nước ngày càng bị đuối sức và “thoi thóp” trước làn sóng...

Kết nối