Từ lâu, việc mang bể cá cảnh vào ngôi nhà đã trở nên quen thuộc với nhiều gia đình. Bể cá cảnh không chỉ làm cho ngôi nhà thêm đẹp mà còn giúp không gian sống trở nên gần gũi với thiên nhiên và theo quan niệm của nhiều người, bể cá cũng có thể mang tài lộc đến cho chủ nhân của ngôi nhà.
Chọn bể phù hợp cho ngôi nhà, sở thích
Ông Hoàng Minh, chủ cửa hàng cá cảnh Cảnh Dương trên đường Lãnh Binh Thăng, phường 13, quận 11 (TPHCM), cho biết trên thị trường hiện có nhiều loại bể cá cảnh để khách hàng có thể thoải mái lựa chọn, tùy theo sở thích cá nhân cũng như không gian và diện tích thực tế của ngôi nhà.
Theo ông Minh, hiện có các loại bể cá thủy sinh, bể cá nước mặn, bể cá rồng, bể cá mini để bàn… với các loại kích cỡ khác nhau. Trong đó, bể cá thủy sinh dùng để nuôi các loại cá bảy màu, ngựa vằn, trân châu, đuôi kiếm… có chiều dài khoảng 1,2-1,4 m, dày 0,4-0,5 m, có giá dao động trong khoảng 12-14 triệu đồng/bể. Với bể cá nước mặn dùng để nuôi các loại cá cảnh biển, chiều dài 1,4-2 m với độ dày tương tự bể cá thủy sinh, có giá từ 25 triệu đồng/bể trở lên. Đặc biệt, bể cá rồng chỉ dành riêng để nuôi cá rồng hiện được nhiều người ưa thích với quan niệm mang lại tài lộc cho gia đình, có chiều dài từ 1,3 m trở lên, dày 0,5-0,7 m được bán với giá 11-16 triệu đồng. Giá bán của các bể cá này đã bao gồm đầy đủ các phụ kiện như giá đỡ, máy tạo ôxy, bộ đèn chiếu sáng, bình lọc, đồ trang trí bể cá…
[box type="bio"] Một số địa chỉ mua bể cá tại TPHCM:
* Cửa hàng Long Đại Cát, 491/8 Lạc Long Quân, phường 5, quận 11.
* Cửa hàng Cảnh Dương, 212 Lãnh Binh Thăng, phường 13, quận 11.
* Cửa hàng Hải Cường, 70 An Bình, phường 5, quận 5.[/box]
Ông Minh cho biết, thông thường các loại bể cá cảnh kể trên luôn có giá đỡ làm bằng gỗ và thường được đặt ở nơi ngăn cách giữa phòng khách và phòng bếp. Đây là vị trí đặt bể cá đẹp nhất, vừa tạo được một vách ngăn tự nhiên vừa làm cho không gian ngôi nhà trở nên sáng sủa, ưa nhìn. “Chủ nhà nên đặt bể cá theo đường cửa vào, phía sau cửa, phía góc nhà, ngăn giữa các phòng trong nhà nhưng không nên đặt ngay ngoài cửa ra vào, giữa hai cánh cửa, sát trần nhà, hay đối diện với bếp. Với những ngôi nhà nhỏ hẹp, chủ nhà có thể tận dụng đặt giá đỡ bể cá trên các tủ đựng giày, dép để tận dụng không gian”, ông Minh tư vấn.
Hiện nhiều chủ nhà thích treo bể cá trên tường hoặc âm vào tường để tiết kiệm không gian cho ngôi nhà. Những bể cá này thường có độ dày khoảng 0,15-0,2 m nhưng vẫn đủ cho các loại cá cảnh nhỏ có thể thoải mái bơi lội tung tăng. Nhìn những bể cá như đang nhìn những bức tranh động trên tường.
Ông Nguyễn Văn Sơn, một người bán bể cá cảnh trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh (TPHCM), cho biết đối với loại bể cá âm tường, bức tường phải có một khoảng rỗng vừa đủ với kích thước của bể cá và đủ để cho cá ăn hoặc vệ sinh bể một cách dễ dàng. Thông tường, bể cá âm tường được chủ nhà lựa chọn và lắp đặt trong quá trình xây nhà. Giá của bể cá âm tường thường dao động trong khoảng 4-5 triệu đồng cho mỗi mét chiều dài. Còn bể cá treo tường thì cần có một dàn khung thép chịu lực vững chắc để nâng bể. So với bể cá âm tường thì bể cá treo tường có giá thấp hơn, khoảng 3-4 triệu đồng mỗi mét chiều dài.
Với giới nhân viên văn phòng thì khách hàng có thể chọn các bể cá mini đặt ngay trên bàn làm việc, có giá chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng. Khi áp lực công việc tăng cao, cần thư giãn để cho tinh thần thoải mái thì việc ngắm nhìn những con cá đủ màu sắc tung tăng bơi lội sẽ giúp họ giảm bớt căng thẳng. Bể cá mini để bàn dài khoảng 30-40 cm, dày khoảng 20 cm và cao 15-20 cm.
[box type="download"] Chăm sóc bể cá rồng
Cá rồng là loại cá khá quý hiếm và có giá trị cao trên thi trường cá cảnh. Loại cá này chủ yếu là ngoại nhập, nên những người chơi rành rẽ về kỹ thuật chăm sóc vẫn còn hạn chế.
Để chăm sóc một bể cá rồng, người chơi cần lưu ý đến các yếu tố môi trường như nhiệt đô, độ pH của nước, độ cứng, nồng độ NH3, NO2…
Việc trang trí bể cá cũng rất quan trọng. Người chơi không nên trang trí bể cá rồng với những vật liệu có góc cạnh sắc nhọn như lũa hoặc đá. Thông thường thì không nên cho bất cứ vật liệu nào vào trong bể.
Khi người chơi đã có bể cá và hệ thống lọc tốt thì việc chăm sóc cá và vệ sinh bể cũng phải thực hiện theo một tuần tự nhất định. Đầu tiên, phải vệ sinh sạch sẽ những chất bám trên thành bể và các chất thải ở đáy bể, sau đó hút khoảng 30% nước trong bể ra.
Khi bổ sung lượng nước vừa được hút, chú ý cấp nước từ từ, nhiệt độ nước phải xấp xỉ nhiệt độ nước hút ra. Một lưu ý nữa khi thay nước và làm vệ sinh thì nên tắt hết các hệ thống máy bơm, sủi, sấy trong bể để tránh hiện tượng cháy nổ và làm vẩn đục cặn lơ lửng.[/box]
Chăm cá, vệ sinh bể
Việc xây dựng được một bể cá ưng ý cũng như chăm sóc cá cảnh cũng là kỳ công đối với người chơi cá cảnh. Ông Minh tư vấn, với bể cá thủy sinh hoặc bể cá nước mặn, chủ nhà cần phải đo các thông số của nước như nhiệt độ, chỉ số kiềm, độ mặn… bằng thiết bị đi kèm khi mua bể. Khi thấy xuất hiện những hiện tượng bất thường, người chơi cần thay nước mới để cá không bị chết. Đồng thời, cứ khoảng 1-2 tuần, cần phải thay nước mới bằng việc rút khoảng 1/5 lượng nước cũ trong bể ra và bơm nhồi nước mới vào.
Để vệ sinh bể cá, khách hàng có thể dùng các loại vật dụng được bán tại các cửa hàng cá cảnh như cây cọ bể, bùi nhùi, dao cạo rêu, ống thay nước… với giá chỉ vài chục ngàn đồng mỗi chiếc.
Ông Sơn chia sẻ thêm kinh nghiệm, người chơi cá chỉ nên dùng nước sạch để vệ sinh bể cá, không nên dùng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa vì có thể ảnh hưởng đến “sức khỏe” của cá sau này.
Việc chăm bón chất dinh dưỡng cho cây thủy sinh như tiêu thảo, bèo, trân châu Cuba, dương xỉ châu Phi... trong bể cá thủy sinh cũng là công việc khó khăn với nhiều người chơi. Thông thường, những loại cây thủy sinh luôn có những điểm đặc biệt trong việc hấp thụ nước, chất dinh dưỡng, và môi trường nước dành cho các chất dinh dưỡng này cũng rất khác nhau. Do đó, người chơi cá nên hỏi kỹ đặc tính của những cây thủy sinh mà mình lựa chọn ngay tại các cửa hàng cá cảnh để biết cách chăm sóc cây sau này.
Rêu cũng là một kẻ thù của bể cá vì chúng tiêu thụ một lượng lớn các dưỡng chất đồng thời che phủ một phần lớn diện tích bể cá, làm không gian và môi trường sống của cá bị “ô nhiễm”. Ông Sơn hướng dẫn, muốn loại trừ rêu thì người chơi cần thay nước đều đặn để làm nước sạch, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào bể cá hoặc có thể thả một số loại cá ăn rêu như loài tỳ bà mũi có nhiều tua. Ngoài ra, người chơi có thể thả rong để rong hút hết chất dinh dưỡng mà rêu cần, do đó hạn chế rêu phát triển.
[box type="download"]Mẹo chăm sóc cá cảnh
Cá cảnh có thể là đánh bắt tự nhiên hoặc mua tại các nơi cung cấp. Trước khi thả cá vào bể cần nhúng nguyên túi nylon chứa cá vào bể khoảng 20 phút cho cân bằng nhiệt độ, sau đó tắm cho cá bằng nước muối 2%, hoặc thuốc tím.
Ngày đầu tiên không cần cho cá ăn, những ngày tiếp theo cho cá ăn với lượng vừa phải. Không cho cá ăn quá nhiều (cá nhanh béo), hoặc quá ít cá bị đói sẽ tấn công lẫn nhau hoặc ăn cây thủy sinh làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của bể cá.
Có nhiều loại thức ăn cho cá như thức ăn tổng hợp (đóng gói), hoặc động vật sống như sâu, rết, hoặc thịt gà, thịt bò… tùy thuộc vào từng loài cá. Thức ăn sống dễ gây ô nhiễm nước và gây bệnh cho cá nên khi sử dụng loại thức ăn này cần vớt hết thức ăn thừa ra khỏi bể.
Máy bơm phải luôn hoạt động tốt để đảm bảo lượng nước tuần hoàn và cung cấp đầy đủ ôxy cho cá. Khi thời tiết chuyển lạnh, dùng hệ thống nâng nhiệt để đảm bảo nhiệt độ nước thích hợp cho cá.
Cách phòng bệnh cho cá cảnh tốt nhất là vệ sinh để giữ cho bể cá, nước luôn sạch: thường xuyên thay nước, rửa bông lọc hàng ngày. Kiểm tra định kỳ và vệ sinh hệ thống lọc nước. Theo dõi các biểu hiện của cá qua cách bơi lội, ăn mồi… để phát hiện và điều trị kịp thời.[/box]
Tùng Lê